Bị cha mẹ đánh dã man đến bầm dập, biến dạng khuôn mặt, chấn động não là trường hợp của Bé Ng (4 tuổi ở Bình Dương) gây kinh hoàng cho người dân những ngày qua. Tình trạng này bao giờ sẽ được hạn chế khi mà các tổ chức xã hội còn đứng ngoài cuộc?
Bé Ng sau khi được cấp cứu đã có thể ngồi dậy nhưng tinh thần vẫn còn rất hoảng loạn
Nhớ cái thời là gã trai ngỗ ngược, cùng bạn đi ăn trộm quả xanh, trốn học đi tắm sông, đánh nhau sưng tều cả mặt để rồi sau mỗi lần trót dại bị bố cho ăn đòn. Tôi còn nhớ mãi chiếc roi mây của bố vụt cứ mềm oặt trên tay mà lươn chạy quanh mông nhắc tôi đến cả tuần sau.
Những trận đòn của bố thưa dần là lúc tôi lớn lên, trưởng thành một kỹ sư có nhà riêng, vợ đẹp con khôn nơi thành phố.
Một lần ông nội lên chơi, thấy con dâu vật lộn la hét, thằng con lên 5 cứ ra sức chống đối ôm ipad chạy khắp phòng. Lẳng lặng tuần sau về thăm cháu, ông đưa cho con dâu chiếc roi dâu bẻ cạnh bờ rào. Rồi tôi thấy cửa nhà im ắng hơn, thằng con “nghịch chẳng kém bố thời xưa” giờ đây ngoan như con cún khi mẹ nhắc đến chiếc roi nhỏ ông treo ở góc nhà.
Thật đúng như các cụ nói “Yêu cho vọt, ghét cho chơi”! Tôi thật kính nể cái nếp nhà thâm thúy trong cách dậy con của các cụ.
Ấy vậy mà mới ngày hôm qua thôi, báo đài lại tràn ngập thông tin về cháu Ng (4 tuổi, ở Bình Dương) bị mẹ đẻ và gã “chồng hờ” đánh đến bầm dập mắt, chấn động não, luôn trong tình trạng hoảng loạn vì sợ tiếp tục bị hành hạ khiến những người làm cha mẹ thắt lòng, dư luận dậy sóng.
Điều đau lòng hơn cả là những người đánh cháu đã bỏ mặc cháu đến chết nếu không có những người hàng xóm “giải cứu”.
Vụ cháu Ng chỉ là một trong vô số các vụ bạo hành trẻ em diễn ra ngày càng nhiều gần đây, tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Theo số liệu báo cáo của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, năm 2013, tổng hợp dựa trên báo cáo của Sở LĐ-TB&XH 63 tỉnh, thành phố cho thấy có hơn 3.500 em bị bạo lực, lạm dụng, trong đó có 930 vụ xâm hại tình dục trẻ em, số trẻ em bị hiếp dâm chiếm đến 65.8%.
Đáng lưu ý hơn, 75% số trẻ em từ 2 - 14 tuổi từng bị cha mẹ, người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình bạo hành (số liệu của Tổng cục Thống kê công bố tháng 4/2014) là con số khiến nhiều người lo sợ về mức độ thô bạo mà người lớn đang ứng xử với các em.
Những người tự xưng làm cha mẹ đã tự cho mình cái quyền được dạy dỗ con cái bằng bạo lực. Đáng trách thay, họ đâu có hiểu “cái vọt” của cha ông ta thâm thúy biết nhường nào. Có ai như họ dùng roi sắt, xích cùm, chích điện… hãm hại chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Với lòng dạ độc ác, hẹp hòi, họ vẫn có thể lớn tiếng la lối “con hư thì cha mẹ phải dạy”, “con tôi sinh ra tôi có quyền đánh”, “dạy con là chuyện riêng của gia đình tôi”…,
Rồi “nhân nào quả ấy” khi trẻ em bị đối xử tệ bạc không chỉ bị tổn thương về thể chất và tinh thần, mà có ảnh hưởng tới nhân cách đạo đức. Chúng lớn lên mang trong mình sự căm ghét chính những người đẻ ra mình, hành động có xu hướng bạo lực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng số trẻ em vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, điều đáng nói trước thực thực trạng đau lòng trên, vai trò của các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể hầu như không được nhắc đến. Nạn nhân là các em nhỏ khi được can thiệp giải cứu thường do người dân là những người hàng xóm, chủ nhà trọ... Thậm chí, như trong vụ việc về em Ng nêu trên, trước khi xảy ra trận đòn thừa sống thiếu chết ngày15/9, thì trước đó, bé Ng đã nhiều lần bị đòn dã man trước sự chứng kiến của hàng xóm, khiến có người không cầm được lòng đã phải quỳ xuống xin bố mẹ của chính em tha cho em.
Đã đến lúc các cấp đoàn thể, chính quyền, tổ dân phố, cụm dân cư - là những cấp cơ sở nắm vững các gia đình trên địa bàn cần có ngay những hành động thiết thực như đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cho bố mẹ và chính các em nhỏ về quyền được giáo dưỡng nuôi nấng; thường xuyên quan tâm nhắc nhở đối với những trường hợp có tiền lệ về bạo hành con cái… Đồng thời, cần có kế hoạch triển khai đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng nhằm kịp thời can thiệp về mặt pháp lý, tránh các vụ việc đau lòng xảy ra.