Mấy ngày nay dư luận xã hội bàn luận khá nhiều về bài viết Nên đưa tác phẩm “Chí Phèo”ra khỏi chương trình Ngữ văn 11? của tác giả Nguyễn Sóng Hiền.
Dưới đây là ý kiến của TS Nguyễn Trọng Đức - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh về quan điểm của tác giả Nguyễn Song Hiền qua bài báo đã đăng trên Báo điện tử Vietnamnet.
Tôi tôn trọng ý kiến của tác giả nhưng thú thực, tôi thấy bất ngờ về quan điểm mà anh Nguyễn Sóng Hiền - một nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle đã trình bày trong bài báo. Anh Hiền cho rằng: “Có nên tiếp tục giữ tác phẩm trong chương trình phổ thông hay không, khi mà bản thân tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?”.
Hình ảnh Chí Phèo trong phim "Lãng Vũ Đại ngày ấy".
Ý kiến này cho thấy anh Hiền chẳng hiểu gì về truyện ngắn Chí Phèo cả. Sao anh ấy không nhìn ra thông điệp về lẽ sống tình thương mà nhà văn Nam Cao gửi gắm? Nếu không có sức mạnh của tình người thì làm sao con quỷ dữ Chí Phèo có thể hoàn lương? Một người nông dân không nhà không cửa, không ruộng vườn, tứ cố vô thân, không được học hành như Chí Phèo mà vẫn vượt qua được cám dỗ từ bà Ba. Con người nông dân như Chí mà vẫn đủ văn hóa để chế ngự được cái bản năng tầm thường cơ mà.
Rồi nữa, khi truyện kết thúc, Chí phèo giết chết Bá Kiến rồi tự vẫn, hành động ấy chẳng phải là biểu hiện cho ý thức phản kháng cái ác cái xấu đó sao? Còn rất nhiều biểu hiện nữa, tôi chỉ nêu lên vài điểm để thấy ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tính giáo dục rất cao của truyện ngắn này. Vậy mà anh Hiền liều lĩnh cho rằng“tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?”.
Tiếp đến, anh Hiền viết: “Nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hoá. Nhưng theo tôi, đây là một nhận xét phiến diện và mang tính áp đặt”. Để làm rõ quan điểm này anh ấy phân tích: “Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Xuất thân không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục, Chí được nhặt về nuôi và đi ở hết nhà này đến nhà khác. Nếu là đại diện cho tầng lớp nông dân thì thật mang tiếng cho nông dân mình quá”.
Anh Hiền không hiểu rằng nguyên tắc sáng tạo chủ nghĩa hiện thực là điển hình hóa nhân vật. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực bao giờ cũng là nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Chí Phèo tuy là một cá nhân nhưng anh ấy là nhân vật điển hình cho tầng lớp nông dân đấy chứ. Mà không riêng gì chủ nghĩa hiện thực, gần như mọi nhân vật trong tác phẩm văn học đều đại diện cho một lớp người nào đó, một cộng đồng nào đó. Quan điểm của anh Hiền đã cho thấy sự hạn hẹp về kiến văn của anh ấy.
Hình ảnh Chí Phèo và Thị Nở trong phim "Lãng Vũ Đại ngày ấy".
Trả lời cho câu hỏi Chí là người tốt hay xấu? anh Hiền viết: “Trong xã hội ấy người ta vẫn nhận nuôi Chí, cho ăn, cho công việc. Có thể thấy, Chí vẫn được xã hội đó đón nhận và thừa nhận như một thành viên. Chí đã được ưu ái”. Sao lại có thể suy diễn như vậy được khi mà tác phẩm cho thấy người ta chẳng hề quan tâm đến Chí, người ta chỉ lợi dụng, bóc lột sức lao động của Chí thôi mà.
Còn nhớ Nam Cao đã viết trong truyện rằng “xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì”. Chí bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, lớn lên sống lăn lóc như một món hàng, một đồ vật mà người ta nhặt được, rồi đem cho, bán từ người này đến người kia. 20 tuổi, Chí vô cớ bị đẩy vào tù, rồi nhà tù thực dân biến con người lương thiện này thành quỷ dữ,...
Thử hỏi, Chí được ưu ái gì đây? Trước khi bị đẩy vào tù Chí là người lương thiện, sau khi ra tù chí bị tha hóa và trở thành quỷ dữ. Nếu không phải chế độ thực dân nửa phong kiến mà đứng đầu là bọn cường hào ác bá làm tha hóa Chí thì ai là thủ phạm?.
Lại nữa, anh Hiền phê phán: “Lạ lùng thay, nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hoá cái cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở, và xem đó như sự thức tỉnh tính thiện trong con người Chí”.
Hình như anh Hiền chưa đọc kỹ truyện Chí Phèo. Trong văn bản tác phẩm được trích trong sách giáo khoa Ngữ Văn 11 hiện nay, chẳng có câu nào miêu tả cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở và tôi cũng chưa bao giờ biết đến một bài viết nào luận bàn cảnh tượng này. Có chăng là anh Hiền tưởng tượng?
Hình ảnh Chí Phèo trong phim "Lãng Vũ Đại ngày ấy".
Anh Hiền khẳng định: “Nở là người bị hại, bị Chí lợi dụng lúc ngủ say để cưỡng bức. Vậy thì tại sao chúng ta có thể ghép đôi cho một kẻ lưu manh với cô gái vô tội? Chưa kể sau này, Nở lại mang bầu và lại ôm thêm nỗi khổ vào thân. Dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu”. Xin anh Hiền hãy đọc lại những câu văn này ngay trong truyện Chí Phèo để hiểu thêm: “Thị thấy như yêu hắn: đó là cái lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn... Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau! Ăn nằm với nhau như “vợ chồng”. Tiếng “vợ chồng” thấy ngường ngượng mà thinh thích. Đó vẫn là điều mong muốn âm thầm của con người khốn nạn ấy chăng?”.
Thiết nghĩ, chỉ cần đọc những câu văn Nam Cao viết thì đủ hiểu chứ chẳng cần phân thêm nhiều lí lẽ khác. Cũng cần phải nói thêm rằng, Chí vốn là người lương thiện, bị nhà tù thực dân làm cho tha hóa, tưởng như Chí mãi mãi sẽ là con quỷ dữ, nhưng chỉ cần một sự quan tâm nho nhỏ của Thị, một chút tình người thôi cũng đủ đánh thức con người lương thiện trong Chí. Bản chất Chí xấu chỗ nào? Sự tha hóa của anh ta cũng là do xã hội khốn nạn bấy giờ gây ra.
Cuối bài viết, anh Hiền cho rằng: “Ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ”. Thưa rằng, ai là kẻ bóc lột, lợi dụng Chí? Ai là tội đồ trực tiếp đẩy Chí vào tù? Ai khiến Chí rơi vào bước đường cùng? Chính chế độ xã hội đương thời mà đại diện trực tiếp là bè lũ cường hào như Bá Kiến. Hành động Chí giết chết Bá Kiến hoàn toàn hợp quy luật, hợp với logic phát triển nhân vật, và cũng phù hợp với tâm lí người đọc.
Nhìn chung, tôi thấy quan điểm của anh Hiền và những lí lẽ của anh ấy đều không đủ sức thuyết phục. Những quan điểm ấy chứng tỏ anh ấy chưa hiểu gì về truyện ngắn Chí Phèo.
Còn với cá nhân tôi, tôi cho rằng Chí Phèo là kiệt tác không chỉ của riêng Nam Cao mà của cả nền văn học hiện đại Việt Nam. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn này là không thể phủ nhận. Nếu loại bỏ truyện ngắn này ra khỏi chương trình Ngữ văn phổ thông thì quả là điều đáng buồn. Tất nhiên, tôi nghĩ, các nhà hoạch định chương trình và làm sách giáo khoa chẳng ai ngờ nghệch nghe theo ý kiến của anh Hiền để loại bỏ truyện ngắn này.