Tiêu điểm

Trao đổi và rút kinh nghiệm công tác phối hợp trong giải quyết án tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc

Mai Đỉnh - Hải Đăng 17/11/2023 - 18:31

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền, sáng 17/11, TAND cấp cao tại Hà Nội tổ chức Hội nghị trao đổi và rút kinh nghiệm công tác phối hợp trong giải quyết án đối với các Tòa án thuộc địa bàn 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Ủy viên Bán cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du dự và chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị có lãnh đạo diện các đơn vị nghiệp vụ thuộc TANDTC; lãnh đạo, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký TAND cấp cao tại Hà Nội và Tòa án thuộc 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Hội nghị kết nối trực tuyến đến 360 điểm cầu thuộc TAND trực thuộc.

Nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Tĩnh, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội cho biết, TAND cấp cao tại Hà Nội có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc. Đối với nhiệm vụ của TAND các cấp là xét xử các loại vụ án, vụ việc. Vậy để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền, hạn chế thấp nhất việc hủy, sửa thì các đơn vị cần phải có sự phối hợp trong công tác giải quyết để thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tĩnh cho rằng ngoài việc rút kinh nghiệm về chuyên môn qua xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, còn rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp giải quyết các vụ án. Trong hội nghị này, đồng chí Nguyễn Xuân Tĩnh đề nghị các đại biểu tham gia nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát biểu ý kiến, tập trung vào những vấn đề cần trao đổi và rút kinh nghiệm. Đối với những vấn đề vướng mắc cần báo cáo với TANDTC sớm có hướng dẫn thống nhất trong công tác xét xử.

hoi-nghi-tand-cap-cao-tai-hn-5-.jpg
Ủy viên Bán cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo công tác giải quyết án năm 2023 của TAND cấp cao tại Hà Nội: Tổng số vụ án thụ lý và giải quyết án theo thủ tục phúc thẩm là 4.360 vụ; đã giải quyết được 3.542 vụ; đạt tỷ lệ là 81,2%. So với năm 2022, thụ lý tăng 568 vụ; giải quyết tăng 574 vụ; tỷ lệ giải quyết chung tăng 9%.

Phối hợp chặt chẽ giúp giải quyết nhiều nội dung vướng mắc, chất lượng công tác được nâng lên

Theo đánh giá, TAND cấp cao tại Hà Nội đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2023, số lượng án thụ lý tăng nhưng số lượng án tồn giảm, tỷ lệ giải quyết án theo trình tự giám đốc thẩm/tái thẩm vượt chỉ tiêu. Trung bình mỗi Thẩm phán giải quyết trên 8 vụ/tháng.

Các vụ án thuộc thẩm quyền được tiến hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; tuân thủ các thời hạn tố tụng theo quy định pháp luật; việc đánh giá chứng cứ khách quan, áp dụng pháp luật nghiêm túc và tính án phí đúng quy định; các chủ trương của TANDTC như công khai bản án, phiên tòa trực tuyến, phiên tòa rút kinh nghiệm, tương tác phần mềm trợ lý ảo, xây dựng và phát triển án lệ đều được thực hiện một cách nghiêm túc, đạt thành tích cao.

Với các sai sót điển hình cần rút kinh nghiệm đối với công tác giải quyết án tại 28 tỉnh, thành phố phía Bắc: Qua kết quả công tác, số liệu giải quyết án của TAND cấp cao tại Hà Nội cho thấy về cơ bản TAND các địa phương giải quyết án đều đúng quy định pháp luật, chất lượng xét xử được nâng cao, tỷ lệ án bị cấp phúc thẩm hủy và bị cấp giám đốc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị hàng năm đều giảm.

Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, Tòa án các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc vẫn còn sai sót, một số vụ án bị cấp giám đốc thẩm, phúc thẩm huỷ sửa, cũng cần rút kinh nghiệm để tránh sai lầm tương tự và giảm hơn nữa tỷ lệ án bị hủy, sửa trong năm công tác 2024.

Có thể kể đến một số sai sót cần rút kinh nghiệm trong xác định tội danh, xác định tư cách tham gia tố tụng không đúng trong vụ án hình sự; thiếu sót trong việc thu thập, xác minh và đánh giá chứng cứ trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình...

hoi-nghi-tand-cap-cao-tai-hn-8-.jpg
Đồng chí Nguyễn Xuân Tĩnh, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Về với công tác phối hợp giữa TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND các tỉnh phía Bắc trong thời gian vừa qua là tương đối tốt, nhất là công tác trao đổi nghiệp vụ trước khi xét xử. Khi phát sinh các vấn đề, các vụ án còn vướng mặc, chưa thống nhất được về quan điểm, đường lối giải quyết vụ án, nhiều địa phương đã chủ động có văn bản kèm tài liệu gửi đến TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội đã có quan điểm trao đổi về phương hướng giải quyết.

Trên cơ sở kết quả trao đổi chuyên môn, TAND các tỉnh đã có đường lối giải quyết đúng đắn, phù hợp với quan điểm của cấp phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội. Đây cũng là một giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc về chuyên môn, hạn chế những xung đột về quan điểm giữa các cấp xét xử trong thực tiễn, cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để hạn chế thấp nhất án huỷ, sửa.

TAND các tỉnh, thành phố luôn phối hợp tốt với TAND cấp cao tại Hà Nội trong việc thực hiện ủy thác tống đạt các văn bản tố tụng; thực hiện việc chuyển hồ sơ kháng cáo, chuyển hồ sơ vụ án theo yêu cầu rút hồ sơ của TAND cấp cao tại Hà Nội về cơ bản đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật; bố trí phương tiện kỹ thuật, hội trường xét xử cho TAND cấp cao tại Hà Nội về xét xử tại TAND tỉnh, thành phố đảm bảo đầy đủ, kịp thời.

Chính sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị đã giúp giải quyết nhiều nội dung vướng mắc, chất lượng công tác được nâng lên, công tác văn phòng, phục vụ phiên tòa xét xử của TAND cấp cao tại Hà Nội tại địa phương được thực hiện tốt.

hoi-nghi-tand-cap-cao-tai-hn-1-.jpg
Toàn cảnh hội nghị.

Cần chủ động hơn trong việc thông tin về lịch xét xử

Về tổ chức phiên tòa trực tuyến, quá trình tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến, TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND các tỉnh, thành phố phía Bắc đã thường xuyên trao đổi, phối hợp tốt với nhau nhằm bảo đảm đường truyền hình ảnh để phiên tòa diễn ra đạt kết quả.

Tuy nhiên, công tác trao đổi về lịch xét xử trực tiếp và trực tuyến giữa các đơn vị và TAND cấp cao tại Hà Nội còn chưa tốt, nên thực tiễn có một số phiên tòa trực tuyến bị trùng với lịch xét xử trực tiếp của các TAND tỉnh, thành phố phía Bắc, dẫn đến các phiên tòa bị hoãn do trùng lịch.

Do đó, TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND các tỉnh, thành phố phía Bắc trong thời gian tới cần chủ động hơn nữa trong việc thông tin sớm lịch xét xử. TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ cố gắng sắp xếp lịch xét xử trực tuyến vào một thời gian cố định trong tháng để các đơn vị địa phương chủ động lên lịch xét xử trực tiếp, bảo đảm không trùng lịch và bảo đảm phòng xét xử cho các đơn vị, giúp hoạt động xét xử không bị gián đoạn.

Cũng tại Hội nghị, một số ý kiến về các vấn đề cần rút kinh nghiệm đối với TAND các tỉnh, thành phố như, về việc chuyển hồ sơ, lệnh tạm giam, kiến nghị về một số vụ án cụ thể, công tác phối hợp giải quyết án.

Đối với kiến nghị trong công tác phối hợp, các đơn vị đưa ra 9 điểm đối với TAND cấp cao tại Hà Nội như, về việc chuyển hồ sơ, bản án, quyết định của TAND cấp cao tại Hà Nội; đề nghị gửi bản ánh chính cho Tòa án địa phương; sửa chữa, bổ sung bản án của TAND cấp cao tại Hà Nội; yêu cầu TAND cấp cao tại Hà Nội có văn bản xác nhận về việc nhận công văn để nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thông báo lịch xét xử; tính hủy lỗi, sửa; gửi văn bản tố tụng; cập nhật phần mềm phúc thẩm; công tác trao đổi, rút kinh nghiệm trong giải quyết án.

hoi-nghi-tand-cap-cao-tai-hn-7-.jpg
Hội nghị kết nối trực tuyến đến 360 điểm cầu thuộc TAND trực thuộc.

Phối hợp cần nhanh chóng và đưa ra phương pháp giải quyết

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bán cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đánh giá cao nội dung của hội nghị trao đổi và rút kinh nghiệm công tác phối hợp trong giải quyết án tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Hội nghị nhằm rút kinh nghiệm trong công tác chuyên môn để bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật trong TANDTC, TAND cấp cao tại Hà Nội và 28 Tòa án tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du, hội nghị là cần thiết và hết sức trọng để cán bộ làm công tác chuyên môn tránh hiểu những ý khác nhau và tránh việc hủy, sửa. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Du cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm bất cập cần rút kinh nghiệm đối với công tác giải quyết các loại án giữa TAND cấp cao tại Hà Nội với các Tòa án tỉnh, thành phố.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho rằng dù là ý kiến ngược hay xuôi chiều thì đều mang lại tinh thần xây dựng chung và cần khắc phục. Đồng thời trên cơ sở các ý kiến đó; đề nghị các lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội và 28 Tòa án tỉnh, thành phố trong quá trình phối hợp cần nhanh chóng đưa ra phương pháp giải quyết.

Đối với những ý kiến còn chưa rõ, cách hiểu còn khác nhau, đồng chí yêu cầu các đơn vị gửi văn bản về TANDTC thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học để tham mưu cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành nghị quyết hướng dẫn cho thống nhất và cụ thể.

Cũng tại Hội nghị, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du giải đáp đối với những thắc mắc có quan điểm khác nhau trong quá trình giải quyết một vụ án cụ thể giữa Tòa án tỉnh, thành phố với TAND cấp cao tại Hà Nội.

hoi-nghi-tand-cap-cao-tai-hn-3-.jpg
Hội nghị trao đổi và rút kinh nghiệm công tác phối hợp trong giải quyết án tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Để tiếp phát huy được những thành quả trong năm 2023, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2024, đồng chí Phó Chánh án Nguyễn Văn Du đã gợi mở một số phương pháp chỉ ra những công việc cần thực hiện trong quá trình công tác của các đơn vị, để làm sao đạt hiệu quả cao, hoàn thành những chỉ tiêu công tác được giao.

Bên cạnh đó, đồng chí yêu cầu các đơn vị có đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của Bán cán sự đảng TANDTC, thực hiện nghị quyết Đảng bộ các cấp; việc đổi mới cải cách (chuyên môn, giải pháp, quản lý điều hành…) của các đơn vị trong năm tới. Ngoài ra, cũng cần phải đánh giá hoàn thành chỉ tiêu công tác đối với từng Thẩm phán, đơn vị; việc triển khai 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử; rút kinh nghiệm về án hủy, sửa; ứng dụng và đổi mới CNTT; kiểm điểm việc công khai bản án, phiên tòa rút kinh nghiệm.

Phát biểu tiếp thu Hội nghị, thay mặt lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội và 28 Tòa án tỉnh, thành phố phía Bắc, đồng chí Nguyễn Xuân Tĩnh, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội lĩnh hội, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du, hứa sẽ triển khai những nội dung mà đồng chí đã chỉ đạo, đánh giá lại những tình hình thực hiện chủ trương của Ban cán sự, lãnh đạo TANDTC trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao đổi và rút kinh nghiệm công tác phối hợp trong giải quyết án tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc