Nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa vừa góp phần đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, không kết án oan sai, không bỏ lọt tội phạm, vừa giúp phiên tòa diễn ra dân chủ, khách quan, đúng với tinh thần cải cách tư pháp.
Thời gian qua, chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được nâng lên, không có trường hợp nào xét xử oan, không bỏ lọt tội phạm. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo bảo đảm nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi và nhân thân của người phạm tội trong từng vụ án. Qua đó đã góp phần đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương.
Năm 2024, TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết, xét xử 11.961 vụ, việc các loại trong tổng số 13.249 vụ, việc thụ lý, đạt tỷ lệ 90,2%. Số vụ việc còn lại hầu hết mới thụ lý, đang được Tòa án giải quyết trong thời hạn luật định. Trong số này, tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt 97,8% với 2.726 vụ/5.409 bị cáo bị đưa ra xét xử. Riêng TAND tỉnh đã giải quyết, xét xử 622 án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm với 1.334 bị cáo.
Theo Thẩm phán Phạm Văn Long, Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Thanh Hóa, để đạt được kết quả trên, lãnh đạo đơn vị đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án. Trong đó có việc tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, việc này không chỉ đảm bảo phiên tòa diễn ra công khai, dân chủ, bình đẳng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tố tụng, vừa góp phần giúp hội đồng xét xử (HĐXX) đưa ra phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Từ những chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo cấp trên, các Thẩm phán đã dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng nội dung, chứng cứ, hồ sơ vụ án, bản cáo trạng của cơ quan công tố làm cơ sở để giải quyết, xét xử các loại án. Do đó, trong phiên tòa, hoạt động tranh tụng được áp dụng ở hầu hết các phần, đảm bảo các bên tham gia tố tụng được trình bày hết quan điểm, chính kiến của mình.
Từ kết quả tranh tụng và xem xét toàn diện, đầy đủ các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo... Thẩm phán đưa ra phán xét đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong phần xét hỏi, HĐXX thường đặt các câu hỏi gợi mở để các bên tham gia tố tụng trình bày nội dung liên quan, nhằm đảm bảo tính thống nhất về lời khai, chứng cứ so với hồ sơ vụ án và cáo trạng tòa thụ lý.
Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa được thể hiện nổi bật nhất trong phần tranh luận. Tại đây, HĐXX dành thời gian tối đa để các bên tham gia tố tụng trình bày quan điểm, ý kiến của mình trên tinh thần dân chủ và bình đẳng. Đồng thời đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, nhất là những người bị hạn chế năng lực hành vi nghe, nói... Và để phần tranh luận tại tòa đạt kết quả cao nhất, ngoài phát huy tinh thần trách nhiệm “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, HĐXX đã làm tốt vai trò trọng tài để các bên tham gia tố tụng tranh luận để đưa ra phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Trên thực tế, trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung; hoặc hủy kết quả bản án sơ thẩm, do qua hoạt động tranh tụng xuất hiện tình tiết mới, khác với hồ sơ vụ án ban đầu, hoặc còn ý kiến khác nhau.
Điển hình như trong vụ xét xử bị cáo C.B.X và 4 đồng phạm diễn ra tại TAND tỉnh Thanh Hóa vào năm 2024 về các tội danh tham nhũng, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ do kết quả giám định mức độ thiệt hại hành vi phạm tội của bị cáo gây ra chưa đảm bảo. Hay một phiên xử phúc thẩm khác, HĐXX cũng đã quyết định hủy kết quả bản án sơ thẩm và yêu cầu điều tra lại theo thủ tục chung do bị cáo chứng minh được mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra thấp hơn nhiều so với mức giám định thiệt hại theo hồ sơ vụ án.
Cũng theo Thẩm phán Phạm Văn Long, không chỉ có trong các phiên tòa hình sự, mà trong xét xử, giải quyết các loại vụ việc nói chung tại đơn vị Tòa án tỉnh, hoạt động tranh tụng đều được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật. Hoạt động tranh tụng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng xét xử các loại án mà còn đảm bảo phiên tòa diễn ra dân chủ, khách quan, minh bạch, đúng với tinh thần cải cách tư pháp.