Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật An ninh mạng và dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Tại phiên thảo luận, có ý kiến cho rằng, nên hay không quy định về sức khỏe của lãnh đạo Đảng và Nhà nước là thông tin mật để tránh những đồn thổi không đúng.
Dẫn ra ví dụ như vừa qua, thông tin về sức khoẻ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang do không công khai nên trên mạng đồn thổi, đến khi Chủ tịch nước xuất hiện rạng ngời, khoẻ mạnh đã đập tan tin đồn, “Sinh lão bệnh tử là quy luật bình thường, tuổi 60 bệnh tật cũng là lẽ thường. Nếu công bố sớm hơn tình trạng sức khoẻ thì tránh kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc", Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng đã thẳng thắn khi góp ý dự luật Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Bùi Đặng Dũng cũng đặt vấn đề, tại sao xem sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là thông tin bí mật nhà nước và nếu xem là bí mật thì phải có biện pháp bảo vệ thông tin chứ không để thông tin ra ngoài trái chiều, khác nhau.
Ông cũng cho rằng có tình trạng lạm dụng "mật" nhiều năm nay. Ông Dũng dẫn chứng, tại cơ quan ông làm việc là Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhiều năm qua căn cứ quy định pháp luật đều xem báo cáo ngân sách nhà nước là tài liệu mật và đều đóng dấu mật mà theo luật thì 10 năm sau mới được "giải mật", và như vậy thì có thật sự cần thiết hay không?
Cũng theo ông Bùi Đặng Dũng, nhiều thông tin họp kín, họp quan trọng của Đảng, Nhà nước... cùng bị rò rỉ. "Thông tin bị khai thác qua lái xe, qua người giúp việc lãnh đạo, các cơ quan quan trọng, thậm chí chỉ ra quán trà đá vỉa hè những hội nghị quan trọng, rất nguy hiểm nên phải có tính toán về tính công khai và biện pháp bảo vệ, định hướng thông tin để tránh bị lạm dụng. Theo ông Dũng, có nhiều bí mật không đong đếm được nhưng nguy hại đến an ninh quốc gia vì vậy cần bổ sung một số danh từ liên quan đến đơn vị mới thành lập như "đặc khu kinh tế" đang được QH thảo luận, ở đây cũng có nhiều điều cần bí mật.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hoá) cho rằng thực tiễn đê lộ bí mật nhà nước, quốc gia, quốc phòng an ninh diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc xây dựng Luật là cần thiết. Tuy nhiên, để tránh tình trạng "mật hoá" văn bản để bưng bít thông tin, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục bí mật nhà nước cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng quy định để gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính.
Ông cũng băn khoăn quy định, Chủ tịch UBND tỉnh, thành lập danh mục bí mật nhà nước, vì với 63 tỉnh, thành thì có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng độ mật lại khác nhau tuỳ thuộc đánh giá của mỗi địa phương, như nơi này "mật" nhưng nơi kia lại "tối mật" gây nên sự không thống nhất. Nếu quy định như vậy thì dễ bị lợi dụng để bưng bít thông tin, không phổ biến thông tin vì mục đích riêng. Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản có khi gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Để đảm bảo danh mục thống nhất thì nên quy định theo ngành dọc, tức các bộ ngành Trung ương đến địa phương để đồng nhất hơn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)
Góp ý về Luật an toàn thông tin mạng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: Luật này ban hành để 100 triệu dân Việt Nam thực hiện, chưa kể cả triệu người nước ngoài ở đây, rồi cả thế giới làm ăn với Việt Nam nên rất quan trọng. Bây giờ là thời đại 4.0, trong đó công nghệ đóng vai trò chủ đạo nên rất quan trong. Xây dựng Luật để vận hành cuộc sống, đảm bảo quyền của người dân, quyền được tự do sáng tạo, tự do kinh doanh, tự do làm giàu, tự do bồi dưỡng trí óc, giải trí… nên tránh sự trùng lắp với các luật khác.
Vấn đề an ninh mạng đúng là rất cấp bách, nhưng một vấn đề cấp bách không kém là làm sao để đất nước chúng ta theo kịp với bước tiến của thế giới, để phát huy được quyền tự do dân chủ, quyền tự do kinh doanh, sáng tạo để đất nước mạnh lên, giàu lên… Nên Luật về mặt nguyên tắc việc xây dựng phải mang tính chủ đạo, tạo ra không gian pháp lý để người dân biết được mình sẽ được đi đến đâu, vận hành đến đâu, hành lang đến đâu, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, chưa bao giờ tham gia ý kiến mà thấy hoang mang như với hai Luật này, bởi nó có đặc điểm là “không nhìn thấy”. Nhiều cơ quan cấm cán bộ công chức không tham gia mạng xã hội, cần phải xem lại, vì đây là biện pháp kỹ thuật chứ không phải là mệnh lệnh hành chính, ông Kim thẳng thắn.