Trải qua nhiều biến động cùng thăng trầm của dân tộc, tranh sơn mài miền Nam trong thế kỷ XX, từ được một số ít người sành sỏi còn sót lại của Sài Gòn xưa sưu tập khoảng những năm 2000, tới nay đã có thêm nhiều nhà sưu tập khác trong nước yêu thích và đưa các tác phẩm này quay trở về cố hương.
Buổi bình minh của thế kỷ 20 tại Nam Kỳ đã đón nhận liên tiếp sự ra đời của các trường mỹ nghệ như Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một năm 1901, Trường Dạy nghề Biên Hòa 1903 và Trường Nghệ thuật Trang trí Gia Định năm 1913.
Người dân thường quen gọi là trường Bá Nghệ Thủ Dầu Một, trường Bá Nghệ Biên Hòa và trường Bá Nghệ Sài Gòn. Sự ra đời của các trường này chính là cái nôi đào tạo ra thợ thủ công và công nhân mỹ thuật chuyên nghiệp phía Nam.
Ở thời kỳ này, các thợ mỹ nghệ Nam Kỳ đã tăng lên, được nhiều người biết tới và đánh giá cao không chỉ ở trong nước mà còn vươn sang Pháp thông qua các hội chợ triển lãm thuộc địa. Nhờ những thành tựu ấy, từ năm 1933 các hợp tác xã mỹ nghệ như hợp tác xã Mỹ nghệ Gia Định, Biên Hòa và Thủ Dầu Một đã mở ra cho học sinh tốt nghiệp từ các trường mỹ nghệ vào làm việc. Mỗi hợp tác xã lại tập trung vào lĩnh vực khác nhau. Hợp tác xã Gia Định sáng tác nghệ thuật tạo hình như tranh vẽ trên đa dạng chất liệu, chạm khắc đồng, in thạch bản, minh họa sách, bích chương và áp phích,...
Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa có chuyên ngành về đồ gốm và đúc đồng. Và hợp tác xã Mỹ nghệ Thủ Dầu Một chú trọng vào điêu khắc trên gỗ, đồ khảm, và đồ sơn mài. Các sáng tác sơn mài màu của hợp tác xã Mỹ nghệ Thủ Dầu Một rất nổi tiếng và được khách hàng ưa chuộng. Riêng ở Thủ Dầu Một, sự thành lập và phát triển của hãng sản xuất mỹ nghệ cao cấp như sơn mài Thành Lễ trong suốt 30 năm trước 1975 hay hãng sơn mài Trần Hà cũng đã đưa các sáng tác sơn mài vượt xa khỏi bờ cõi nước nhà.
Những tác phẩm thuộc thời kỳ ấy nói chung và tranh sơn mài nói riêng đã được xuất khẩu đi đến khắp nơi trên thế giới thông qua các hoạt động mang tính khuếch trương ngành. Đơn cử như năm 1958, tranh sơn mài do công ty Thanh & Lễ đã được đưa sang New York để theo cuộc triển lãm lưu động các sản phẩm sơn mài và gốm Việt qua các thành phố Mỹ như New York, Washington, Chicago, Detroit, Hollywood và San Francisco. Và cho tới nay, các tác phẩm sơn mài sản xuất bởi Thành Lễ hay Trần Hà cùng một số họa sĩ sơn mài trang trí khác vẫn còn được giao dịch khá nhiều ở nước ngoài. Cùng với đó là những cuộc hồi hương của các sáng tác bởi Trần Hà (hãng sơn mài Trần Hà), hãng sơn mài cao cấp Thành Lễ và một số họa sĩ khác của thế kỷ XX.
Trần Hà (hãng sơn mài Trần Hà)
Trần Hà (1911 - 1974), tức Trần Văn Hà là một tên tuổi lớn của nghệ thuật sơn mài phía Nam. Bao hàm trong cả hai phạm vi sáng tác mỹ thuật và mỹ nghệ, các đề tài quen thuộc của họa sĩ Trần Hà về miền quê sông nước như gian nhà lá cạnh bờ sông, dưới rặng tre đùa gió xen giữa hàng dừa, cánh cò sải cánh tìm bờ tre, cảnh sinh hoạt chi tiết của người Việt xưa hay nhiều chủ thể gần gũi khác đều vô cùng tỉ mỉ, vẽ và mài có chiều sâu.
Hãng sơn mài Trần Hà do ông sáng lập ngày ấy, ngoài những sản phẩm hộp trang sức, bàn, tủ với tính thẩm mỹ cao vẽ theo tuồng tích cổ Trung Hoa và văn hóa nước nhà, tranh sơn mài chiếm tỷ trọng mua tương đối lớn.
Sơn mài Thành Lễ
Vang danh miền Nam với các dòng đồ mỹ nghệ cao cấp trong thế kỷ 20, Thành Lễ đã có rất nhiều thành tích lớn như huy chương vàng Hội chợ Quốc tế Munich 1964, huy chương bạc do Bộ Kinh tế miền Nam Việt Nam trao năm 1968, bằng cấp danh dự Hội chợ Paris 1969, huy chương và bằng cấp danh dự Hội chợ Paris 1970 và huy chương vàng Hội chợ Kỹ nông công thương Sài Gòn 1970 (Theo Nguyệt san Quản trị xí nghiệp số tháng 10 năm 1972 xuất bản tại Sài Gòn). Xưởng sản xuất Thành Lễ được tổ chức quy mô tại Bình Dương và có khả năng đáp ứng những đơn đặt hàng lớn ở nước ngoài bên cạnh những hợp đồng trang trí cho những công trình mang tính lịch sử của Sài Gòn trước năm 1975.
Đơn cử như hai bức tranh của họa sĩ Thái Văn Ngôn - họa sĩ của xưởng Thành Lễ và tấm thảm len dài 40 mét trong dịp khánh thành Dinh Độc Lập. Không chỉ có Thái Văn Ngôn, các nghệ sĩ cùng làm việc cho Thành Lễ là Nguyễn Tấn Tam, Nguyễn Văn Tám, Duy Liêm, Trần Văn Nam, Trần Văn Sáu, Ngô Từ Sâm, Văn Thoạt, Lương Định Tánh, Hai Sù, Châu Văn Trí, Ba Ai, Bảy Dậy, Năm Châu và các nghệ nhân Bảy Giáp, Sáu Miền, Hai Long, Sáu Sa,... Xét riêng về các sáng tác sơn mài của Thành Lễ, chủ đề của chúng đa dạng từ lịch sử đến cảnh sinh hoạt đương thời, mỹ cảnh Việt Nam và hoa lá chim muông và được vẽ, được trau chuốt tỉ mỉ từng đường nét.
Các họa sĩ thế kỷ XX khác
Quả thực các họa sĩ phía Nam ngày ấy, luôn nắm bắt kỹ thuật và kiểm soát chất liệu giỏi. Với tinh thần tự do sáng tác nhưng phải đạt đến ngưỡng cao nhất của từng khâu một. Dù chỉ là với các thuật công bút đồ họa mỹ nghệ nhưng hiệu quả thị giác mang lại ấn tượng cao, vừa giản dị gắn với tinh thần thời đại, vừa hiện đại, vượt qua ngần ấy năm càng ngày càng cho thấy sức hút cao với các nhà sưu tập trong và ngoài nước.