Tranh luận trái chiều việc đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp

Nhóm PV| 16/11/2019 11:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), việc xem xét đưa hộ kinh doanh vào làm đối tượng quản lý theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi tại Quốc hội.

Đưa “hộ kinh doanh” vào Luật Doanh nghiệp để bảo vệ và thúc đẩy phát triển

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp với đích đến là bảo vệ và thúc đẩy phát triển chứ không phải là tạo thêm gánh nặng pháp lý.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đánh giá cao dự thảo Luật đã đưa ra một số quy định nhằm tăng cường và hoàn thiện quản trị doanh nghiệp, hướng tới các chuẩn mực của thế giới.

Theo đại biểu điểm đột phá trong dự thảo luật là phạm vi điều chỉnh bao trùm hơn, đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh. Đây là xu thế chung của thế giới. Khi nói về phát triển doanh nghiệp, chúng ta thường nói về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng bây giờ không phải như vậy. Ngôn ngữ tại mọi diễn đàn trên thế giới từ Liên Hợp Quốc đến APEC hay ASEAN đều dùng là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thế giới bây giờ rất coi trọng phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, việc làm ăn kinh doanh của từng người dân, hộ cá thể.

Tranh luận trái chiều việc đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu thảo luận

Trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng số, cách mạng thương mại điện tử hiện nay, mỗi người dân hay mỗi hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ đều có thể vươn ra thị trường thế giới, trong khi trước đây chuyện này chỉ có doanh nghiệp lớn mới làm được. Quy mô của doanh nghiệp bây giờ không còn quan trọng mà quan trọng là chất lượng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được coi là chủ thể của nền kinh tế thế giới, xương sống của các nền kinh tế toàn cầu. Ở nước ta, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm khoảng trên 90%. Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là yêu cầu với mọi quốc gia.

"Trong nền kinh tế chúng ta, các loại hình doanh nghiệp chỉ chiếm 10%, còn khu vực hộ kinh doanh chiếm tới 30% GDP. Trong khi đó, quy định về hộ kinh doanh mới chỉ dừng lại ở nghị định của Chính phủ. Tại sao quyền và lợi ích của 30% nền kinh tế lại chỉ quy định ở văn bản pháp lý tầm Nghị định?", đại biểu Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.

Đồng thời đại biểu diễn giải: Hiện nay, Nghị định cũng đưa ra rất nhiều hạn chế về quyền kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể. Ví dụ nếu hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ở huyện thì chỉ được quyền hoạt động trong phạm vi huyện, không được mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài phạm vi này. Trong khi đó, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp siêu nhỏ bây giờ hoạt động trong nền kinh tế toàn cầu, không ai có thể bắt những hộ kinh doanh này chỉ hoạt động trong phạm vi thị trường huyện. Điều này cũng chưa thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp. Hiến pháp 2013 quy định rõ, việc hạn chế các quyền và nghĩa vụ của công dân, trong đó có quyền tự do kinh doanh, phải được quy định bằng luật. Hơn nữa, địa vị pháp lý của hộ kinh doanh hiện nay cũng chưa được xác định rõ ràng.

Từ đó vị đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị, dự thảo Luật cần đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh, nhằm bảo đảm địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, bảo đảm quyền kinh doanh của công dân.

Vấn đề hiện nay theo đại biểu Vũ Tiến Lộc là, khi chế định hộ kinh doanh vào luật rồi thì cần cũng lưu ý rằng thực tế các hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay đang phải chịu hệ thống các thủ tục hành chính hết sức phiền hà, đặc biệt là hệ thống kế toán.

"Vừa rồi, Bộ Tài chính đã sửa hệ thống tài chính kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng tôi cho rằng, cần thiết kế hệ thống các quy định thủ tục hành chính, kế toán đối với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân theo hướng đơn giản, thuận lợi nhất. Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là nhằm bảo vệ và thúc đẩy họ phát triển. Có như vậy mới không tạo thêm gánh nặng pháp lý cho hộ kinh doanh, trong khi bảo vệ quyền lợi của hộ kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, hỗ trợ phát triển nhằm hướng tới sự minh bạch hơn", đại biểu khẳng định. 

Ủng hộ quan điểm đưa “hộ kinh doanh” vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nhưng nhìn nhận ở góc độ khác, đại biểu Trần Văn Túy (Bắc Ninh) cho rằng, Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tránh chồng chéo với các luật liên quan. Hiện nay, doanh nghiệp đang kêu có nhiều văn bản, quy định ràng buộc. Người làm doanh nghiệp không hiểu sâu về thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý nhiều, chỉ muốn tập trung kinh doanh. Nhà nước cần tạo môi trường để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh. Nếu có môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, doanh nghiệp trong nước sẽ không ngừng phát triển. Nhưng, nếu đưa ra các điều kiện ràng buộc không khéo sẽ hạn chế tư duy, sự sáng tạo của doanh nghiệp.

Với tư duy như vậy, khi đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp, đại biểu Trần Văn Tuý đề nghị Chính phủ phải làm rõ việc này sẽ giúp xóa bỏ những hạn chế gì hiện nay đối với loại hình kinh doanh này để giúp họ tăng hiệu quả kinh doanh. Tất nhiên, cũng phải thấy, hộ kinh doanh hiện chiếm ¼ các cá nhân, đơn vị kinh doanh trên cả nước, nên khi quy định trong dự luật này phải cân nhắc kỹ.

Theo đại biểu Trần Văn Tuý, các quy định tại dự án Luật sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến 5 triệu hộ kinh doanh, mà có thể nói sẽ tác động đến toàn xã hội. Nhưng giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa làm rõ được tác động đến xã hội, cũng như đối với quản lý của Nhà nước. Đích đến của việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong dự án Luật là phải để phát triển, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Cần luật riêng cho hộ kinh doanh

Trong khi đó ở chiều ngược lại nhiều ý kiến lại cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh, vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự thảo Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoặc công nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp như nhiều nước trên thế giới.

Tranh luận trái chiều việc đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Quảng Nam, Trà Vinh và Bình Định thảo luận tại tổ.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), không nên đưa hộ kinh doanh vào luật mà có một Nghị định riêng. Sau một thời gian thực hiện, nếu nghị định này có hiệu lực và hiệu quả về mặt pháp luật, thực tiễn sẽ nâng lên thành một luật riêng về kinh tế hộ gia đình.

Thảo luận ở tổ về nội dung này, đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM) cho rằng, ở nước ta, hộ kinh doanh cá thể chiếm số lượng rất lớn với khoảng 4,5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, chiếm hơn 29% GDP. Trên thế giới, hiện chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại loại hình kinh doanh này.

Theo đại biểu, do điều kiện kinh tế ở nước ta là kinh tế tiền mặt, kinh doanh nông nghiệp, thủy hải sản tự phát, nhỏ lẻ rất nhiều. Do đó, nếu quy định hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp với những quy định như một doanh nghiệp thì e rằng rất khó.

Đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, nên có Nghị định dưới Luật liên quan đến hộ kinh doanh hướng tới quản lý chặt chẽ, đảm bảo các quy định như một doanh nghiệp. “Nếu quy định hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp thì không nên. Vì hiện nay trên thế giới chỉ có Việt Nam và Trung Quốc quy định hộ kinh doanh trong bộ luật thì chúng ta cá biệt quá. Tôi cho rằng, nên để Chính phủ hướng dẫn trên tinh thần ủng hộ các hộ kinh doanh hướng tới doanh nghiệp chính quy”, đại biểu Phạm Phú Quốc cho biết.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng, hộ kinh doanh là thành phần kinh tế có vai trò rất quan trọng. Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật thì rất khó, còn nếu không quản lý thì cũng không được. Do đó, với đặc thù nhỏ lẻ của hộ kinh doanh cần có một Luật riêng để tính toán về quản lý, tổ chức kinh doanh thế nào, cũng như thuế, hệ thống sổ sách kế toán ra sao... thì sẽ phù hợp hơn.

“Không nên quy định hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp, nhưng cũng cần phải có Nghị định để định hướng phát triển loại hình kinh doanh này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.

Trước đó trình bày thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong thực tiễn hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cùng tồn tại với các loại hình công ty và doanh nghiệp khác và người dân có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh). “Đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh: Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động); bổ sung quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.

Đồng thời, sửa đổi Điều 1, Điều 2 dự thảo Luật để bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh luận trái chiều việc đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp