Góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư vào dự án chung cư SONG DA RIVERSIDE từ 2008 nhưng cho đến nay, dự án bị đình trệ vì một bên đã tự ý mang tài sản đi sử dụng vào việc khác.
Thiệt hại lớn, cố gắng thương lượng nhưng không thành, cực chẳng đã, một bên phải khởi kiện ra tòa. Xung quanh vụ việc này, đã có những dấu hiệu khiến dư luận nghi ngờ về vụ án hình sự với hành vi cố ý làm trái hoặc lừa đảo.
Dự án hợp tác bị đình trệ nhiều năm
Từ năm 2007, Công ty cổ phần quốc tế An Vui (An Vui) đã tìm được một dự án có vị trí đắc địa và khả thi cao do nhiều lợi thế. Theo đề nghị của Công ty đầu tư - phát triển Sông Đà (SONG DA IDC), hai bên cùng hợp tác đầu tư. Ngày 29/4/2008, hai bên thống nhất góp vốn tối đa 50 tỷ đồng vốn ban đầu để thực hiện, trong đó An Vui góp 24,5 tỷ, SONG DA IDC góp 25,5 tỷ .
Ngày 8/9/2008, hai bên ký hợp đồng liên kết đầu tư khai thác và kinh doanh dự án chung cư SONG DA RIVERSIDE (Dự án) theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và cùng chịu rủi ro nếu có.
Tuy nhiên, mọi việc diễn ra sau đó không như hợp đồng đã ký kết và đến nay, Dự án bị đình trệ, không được triển khai như An Vui kỳ vọng . Theo An Vui thì phía SONG DA IDC đã sai phạm có tính chất hệ thống mà trước tiên là SONG DA IDC không chủ trì thành lập Ban quản lý dự án có thành phần chung 2 bên nhằm vô hiệu hóa sự tham gia quản lý, điều hành của An Vui và để lãnh đạo SONG DA IDC chủ động điều hành theo cách riêng của mình. Thực tế, An Vui khẳng định không được tham gia điều hành Dự án này.
An Vui cho rằng SONG DA IDC không có thỏa thuận về tiến độ góp vốn với An Vui; sai phạm trong việc tự ý mua sắm vật tư, thiết bị; ký hợp đồng thiết kế, tư vấn thi công cung cấp vật liệu thi công khi không đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật Xây dựng; không thỏa thuận với An Vui về việc thế chấp dự án để vay vốn mà cụ thể là phát hành trái phiếu; lừa dối đối tác để sử dụng vốn vay sai mục đích một cách vô tội vạ cho riêng mình; đưa các chi phí khống vào dự án…
Theo An Vui, thiệt hại từ việc SONG DA IDC đã sử dụng sai mục đích là 87,4 tỷ đồng bao gồm mua 2 lô đất tại 343A/16 đường 26/3 quận Gò Vấp; đầu tư tòa nhà Songda Tower; đầu tư máy trộn bê tông; văn phòng Công ty Sông Đà và đầu tư Nhà máy thủy điện Krongkmar.
Đâu là sự thật?
Những vấn đề mà An Vui quy kết SONG DA IDC sai phạm được thể hiện rõ tại báo cáo kiểm toán do chính SONG DA IDC xác nhận. Cụ thể, ngày 30/7/2012, Công ty TNHH kiểm toán và dịch vụ tin học Tp. Hồ Chí Minh phát hành Báo cáo kiểm toán về báo cáo tổng hợp chi phí đầu tư dự án tổ hợp căn hộ SONGDA RIVERSIDE- giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án từ ngày 7/12/2007 đến ngày 31/3/2012. Theo đó, các nội dung kiểm toán đã chỉ rõ những tồn tại của dự án này.
Trước hết, đơn vị kiểm toán chỉ rõ, đến hết tháng 3/2012 cả 2 bên vẫn chưa soạn thảo và thông qua Quy chế hoạt động cụ thể cho Dự án và xác định tiến độ thực hiện Dự án, tiến độ góp vốn, trong khi Điều 3.3 của hợp đồng đã quy định cụ thể vấn đề này. Đồng thời, trong các quyết định bổ nhiệm đều là nhân sự của SONG DA IDC không có sự tham gia của đại diện ủy quyền của An Vui theo quy định tại Điều 3.1 của hợp đồng liên kết.
Phối cảnh Dự án chung cư SONG DA RIVERSIDE
Cơ quan kiểm toán xác định rằng theo hợp đồng phát hành trái phiếu ký với ngân hàng thì mục đích và phương án sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để triển khai Dự án này. Tuy nhiên, trên thực tế, SONG DA IDC đã sử dụng một phần đáng kể tiền phát hành trái phiếu để chi cho các dự án khác không thuộc dự án này theo đúng mục đích phát hành trái phiếu từ năm 2009 đến nay, làm cho tổng chi phí dự án này đã tăng thêm so với thực tế. Cụ thể, trong số hơn 153,397 tỷ đồng ghi trong Bảng kê tiền trái phiếu sử dụng mà kiểm toán lập nên thì chỉ có 65, 914 tỷ được SONG DA IDC đưa vào thực hiện Dự án này, số còn lại SONG DA IDC sử dụng vào các dự án khác. Theo “Giấy báo có” của ngân hàng thì khoản 150 tỷ được chuyển vào tài khoản riêng của SONG DA IDC mà không phải là tài khoản của Dự án này, trong khi Điều 3 của hợp đồng hợp tác quy định rõ Ban quản lý dự án có con dấu riêng và mở tài khoản riêng.
Về việc thế chấp tài sản: ngày 29/9/2009, An Vui có văn bản số 77 gửi SONG DA IDC, trong đó nêu vấn đề đồng ý về chủ trương là ủy quyền cho SONG DA IDC thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là dự án này để vay vốn và phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế khi chưa hề có hợp đồng ủy quyền hợp pháp (có công chứng) về tài sản thế chấp và cụ thể vay ở ngân hàng nào, An Vui cũng chưa ký với ngân hàng văn bản thế chấp… nhưng “lạ” thay, SONG DA IDC lại hoàn tất được thủ tục và được phía ngân hàng chấp thuận. Vấn đề này giờ đây vẫn là “ẩn số” bởi An Vui đã yêu cầu nhưng chưa được trả lời.
Với việc SONG DA IDC tự ý sử dụng vốn vay không đúng mục đích thực hiện Dự án…. dư luận nghi ngại rằng đã có dấu hiệu hình sự về tội cố ý làm trái quy định nhà nước hay lừa dối đối tác.
Hiện tại, An Vui khởi kiện yêu cầu SONG DA IDC tách thửa và giao trả cho mình quyền sử dụng 13.827 m2 đất của Dự án này và bồi thường cho An Vui gần 114,154 tỷ đồng tiền lãi, thiệt hại về lợi nhuận...