Dán tem quản lý bia là một trong những nội dung được quan tâm và đề cập nhiều nhất tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/9 tại Hà Nội.
Các loại bia sẽ phải dán tem vào sản phẩm.
Đa số ý kiến từ đại diện các bộ, ngành chức năng, các hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân phối, cũng như Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đều thống nhất quan điểm cần thiết phải xây dựng và ban hành sớm Nghị định này, nhằm thể chế hóa việc quản lý sản xuất kinh doanh bia – mặt hàng hiện không nằm trong danh mục những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định, từ khi xây dựng được quy hoạch phát triển cho ngành bia đã thu được rất nhiều kết quả khả quan như chất lượng bia ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và niềm tin của người tiêu dùng. Việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia cũng trở nên thuận lợi, từng bước ngăn chặn được bia “cỏ”, bia kém chất lượng và bia nhập lậu. Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải luật hóa các quy định về quản lý lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển và phù hợp với xu thế hội nhập.
Theo quan điểm của ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, cho đến nay, bia không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện nên phải đưa vào Nghị định là để nhằm nâng tính pháp lý cho hoạt động quản lý Nhà nước cũng như cấp phép sản xuất, kinh doanh đối với lĩnh vực này. Chính vì lẽ đó, quy định phải dán tem để quản lý bia cũng như phải có thông tin cảnh báo in trên bao bì, vỏ bia là hết sức cần thiết và cầu thị ý kiến của toàn xã hội.
Con tem nhỏ phải chi gần 2.000 tỷ đồng
Đáp lại ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia – rượu, nước giải khát cho rằng, việc dán tem quản lý bia tuy là cần thiết song cần phải được nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động trước khi đưa vào nghị định. Mỗi năm, Việt Nam sản xuất được hơn 3 tỷ lít bia tương ứng với khoảng 10 tỷ đơn vị sản phẩm đóng chai, lon vì việc dán tem, đầu tư công nghệ và nhân lực phục vụ việc dán tem không phải chuyện dễ dàng.
Đại diện của Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và của Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đ ều đồng tình với quan điểm trên là cần phải có nghiên cứu phù hợp vì việc dán tem sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của mà cụ thể là tăng chi phí. Nếu 170 đồng 1 con tem phải dán cho hơn 10 tỷ đơn vị sản phẩm mỗi năm, thì sẽ tiêu tốn gần 2.000 tỷ đồng. Sự lãng phí này là điều cần cân nhắc vì sẽ tác động tới túi lương không chỉ của người lao động, của doanh nghiệp mà còn của toàn xã hội. Đó là chưa kể, công nghệ của nhiều nhà máy sản xuất bia khác nhau, sự đa dạng về các sản phẩm bia…sẽ dẫn tới khó khăn trong công tác tem nhãn và thiếu tính đồng nhất. Ngoài ra, sẽ phát sinh việc quản lý tem thật, tem giả thế nào và liệu có tạo ra cơ chế xin cho trong hoạt động quản lý tem nhãn hay không là điều cần phải tính toán.
Một trong những doanh nghiệp sản xuất bia miền Trung có mặt tại Hội thảo cũng bày tỏ quan điểm rằng, cần phải áp dụng việc dán tem không chỉ đối với bia nhập khẩu mà kể cả bia sản xuất trong nước nhằm chống hàng giả, hàng lậu và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Việc soạn thảo Nghị định này cần những ý kiến mang tính xây dựng để văn bản sớm hoàn thiện, được công bố và đi vào đời sống, xác định quan điểm đó sẽ hướng tới một xã hội văn minh. Tuy nhiên, quy định cấm kinh doanh bia qua phương thức thương mại điện tử là không phù hợp và cần xóa bỏ, nhất là khi xã hội ngày càng tiến tới hiện đại hóa mọi lĩnh vực theo hướng công nghệ cao.
Không cụ thể hóa vi phạm – người bán dễ phạm luật vô cớ
Luận điểm này được ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo. Vì nhiều nội dung trong Chương III quy định về vi phạm và xử lý vi phạm của dự thảo chưa được rõ, nhất là phần liên quan tới quy chuẩn kỹ thuật, đăng ký bản công bố hợp quy hay việc lưu thông, tiêu thụ bia cho các đối tượng không phù hợp hoặc quảng cáo, khuyến mại bia cho người tiêu dùng…
Việc dán nhãn cảnh báo tác hại khi lạm dụng bia cần phải được quy định rõ hơn hoặc thậm chí không cần thiết đưa vào nghị định vì không mang lại nhiều hiệu quả bằng việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Giang bổ sung thêm.
Quy định cấm kinh doanh bia tại các trường học, bệnh viện, công sở và vỉa hè hoặc cấm bán bia cho phụ nữ có thai, người có biểu hiệu say rượu, bia… hoặc sử dụng lao động dưới 18 tuổi phục vụ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bia… nhận được mọi ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, nhiều đại diện vẫn băn khoăn về tính khả thi của những quy định này, làm sao xác định được đúng đối tượng và biện pháp quản lý các cơ sở kinh doanh phải làm đúng quy định.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, quy định cấm kinh doanh bia đối với các đối tượng và địa điểm không phù hợp là rất đúng và phù hợp với xu hướng thực tiễn trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, dù khó cũng phải thực hiện cho được, vấn đề là thời gian và lộ trình thực hiện ra sao. Ngoài ra, những nội dung liên quan đến xử lý vi phạm cũng cần phải được cụ thể hơn nữa, có như vậy mới đủ sức răn đe và ngăn chặn những hành vi vi phạm.
Ngoài những nội dung nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng cần gắn Bộ Giao thông Vận tải với trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các tài xế, lái xe… nhận thức rõ tác hại và hậu quả của việc sử dụng bia khi tham gia giao thông.
Các thành viên thuộc Ban soạn thảo Nghị Định, Bộ Công Thương khẳng định, quan điểm xây dựng văn bản này là nhằm thể chế hóa công cụ quản lý Nhà nước đối với mặt hàng bia. Dù bia không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện, song việc sản xuất và kinh doanh phải tuân thủ những quy định của Nhà nước, cũng như những điều kiện bắt buộc để được cấp phép và phải phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành và của từng địa phương. Nhiều nội dung, có thể sẽ khó thực hiện, Nhưng nếu nhìn ra khu vực và xa hơn là ở các nước phương Tây, dù họ vẫn cho phép kinh doanh bia vỉa hè song quản lý rất chặt chẽ về thời gian đóng, mở cửa; đảm bảo đúng diện tích cho phép cũng như yêu cầu bán đúng đối tượng đủ độ tuổi. Mua bia phải xuất trình căn cước là bình thường.
Ban Soạn thảo nghị định gợi mở, trước mắt có thể giải pháp cho việc kinh doanh bia vỉa hè là sẽ chỉ cho phép áp dụng đối với những tuyến phố đi bộ.
Yêu cầu về dán tem quản lý, dán nhãn cảnh bảo là những vấn đề được tạm thời đưa ra để lấy ý kiến đóng góp, chắc chắn sẽ cần nghiên cứu và cân nhắc thêm trước khi chính thức đưa vào văn bản.
Theo kế hoạch dự kiến Nghị định sẽ được thông qua và ban hành vào cuối năm 2014. Như vậy vẫn còn thời gian để toàn xã hội tham gia cùng nghiên cứu, đánh giá và đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện dự thảo với đích nhắm đến không chỉ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này mà còn mang lại những sản phẩm hợp chuẩn, có giá trị và chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường.