Tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 1/6, nhiều ĐBQH cho rằng áp lực học tập từ nhà trường, từ gia đình các em học sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm với nhiều vấn đề sinh lý khác cho học sinh, sinh viên hiện nay. Nếu gia đình và nhà trường không cùng nhận lỗi thì đạo đức và lối sống của các em sẽ không được điều chỉnh tốt hơn.
ĐBQH Hà Ánh Phượng (Đoàn Phú Thọ) bày tỏ lo lắng vấn đề sức khỏe tâm thần và công tác tư vấn tâm lý học đường chưa hiệu quả. Đại biểu dẫn chứng con số, cứ mỗi 40 giây trên thế giới sẽ có một người tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới chỉ sau tai nạn giao thông.
Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng. Những thông tin đau lòng gần đây cho thấy ngay cả với trường công, trường tư hay trường quốc tế cũng xảy ra những hậu quả đáng buồn, cùng với đó là vấn nạn bắt nạt bạo lực trên không gian mạng.
Cùng chung quan điểm, trước đó- trong phiên thảo luận sáng cùng ngày, ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) cho rằng, áp lực học tập từ nhà trường, từ gia đình các em học sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm với nhiều vấn đề sinh lý khác cho học sinh, sinh viên hiện nay. Điều đáng buồn hơn, tỷ lệ học sinh trầm cảm, tự kỷ hay gần đây có nhiều vụ việc tự tử có liên quan đến điểm số và thành tích vẫn không ngừng tăng, dẫn tới những vụ việc xót xa tâm và hệ lụy trong xã hội.
Do vậy, đại biểu cho rằng, việc học tập và vui chơi chung và cộng đồng là rất cần thiết trong việc kích thích tương tác và phát triển khả năng tư duy sáng tạo và giải trí của giới trẻ, từ đó tránh được những áp lực từ nhiều phía cho học sinh, phụ huynh và thầy cô.
Khẳng định giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nêu rõ, một xã hội sẽ không phát triển nếu thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, thì có cải cách mấy cũng bằng thừa. Đó là những vấn đề mà người dân quan tâm.
Phản ánh thực trạng đáng lo ngại của học sinh hiện nay, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) nêu rõ, tình trạng học sinh vi phạm về đạo đức và lối sống như vi phạm các quy định của nhà trường, bạo lực học đường, không kính trọng thầy cô, không lễ phép với ông bà, cha mẹ, cư xử thiếu tính nhân văn,… nếu không được quan tâm điều chỉnh sớm sẽ là hậu quả cho các gia đình, ảnh hưởng đến các học sinh khác và tác động tiêu cực đến chính cuộc sống của các em sau này.
Chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, trách nhiệm chính ở đây là gia đình và nhà trường. “Nếu gia đình và nhà trường không cùng nhận lỗi thì đạo đức và lối sống của các em sẽ không được điều chỉnh tốt hơn”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, cần phân rõ trách nhiệm chính của cha mẹ là nuôi con và làm gương tốt cho con. Việc giáo dục, dạy dỗ, thưởng phạt hãy tin tưởng vào thầy cô và nhà trường – nơi các em được học tập, vui chơi, được dạy dỗ, quan tâm cư xử một cách công bằng. Đại biểu cho rằng, nếu gia đình và nhà trường có tiếng nói chung, không vì một vài trường hợp cá biệt học sinh bị thầy cô la mắng, trách phạt mà phụ huynh mất lòng tin vào thầy cô, thì khi đó các em sẽ được quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ tốt hơn.
Đại biểu cũng phản ánh, trong thời buổi kinh tế thị trường, cha mẹ nào cũng phải làm việc ngày đêm để kiếm tiền nuôi con ăn học. Nhiều gia đình không có nhiều thời gian gần gũi, dạy dỗ con đúng cách. Học sinh dễ mắc phải nhiều bệnh về tâm lý. Khi đó sự quan tâm, dạy dỗ của thầy cô lại càng trở nên cần thiết.
Ngoài ra, khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nghề giáo đáng lẽ phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường, các chế độ đối với thầy cô phải được ưu tiên trước nhất để thầy cô sống được với lương của mình.
Dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu nhập của giáo viên các cấp ở nhiều khung thâm niên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chỉ rõ, thầy cô không thể không làm thêm để đảm bảo cuộc sống của bản thân, chưa kể là phải lo thêm cho gia đình. Để thầy cô toàn tâm, toàn ý với công việc của mình, đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người.
Đại biểu đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần có nội dung đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục tăng hàng năm để cải thiện các chính sách cho thầy cô giáo và đến năm 2028 thực chi ngân sách cho giáo dục đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách.