Kinh tế

Trách nhiệm của VAMC đến đâu trong tham gia xử lý nợ xấu?

Phi Hùng 14/07/2023 11:07

Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động, vai trò của Công ty quản lý tài sản (VAMC) trong việc tham gia xử lý nợ xấu; xác định sự cần thiết, tổ chức, hoạt động, quy mô vốn hợp lý, có hiệu quả đối với VAMC, báo cáo Thủ xem xét quyết định để đảm bảo sát hợp với yêu cầu quản lý và phù hợp với thực tiễn.

Kiến nghị này được Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu trong Thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017 vừa công bố.

Mua 26.274 khoản nợ từ 42 tổ chức tín dụng

Công ty quản lý tài sản (VAMC) được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu theo Đề án 843 (theo QĐ 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

vamc-da-mua-luy-ke-gan-28-nghin-khoan-no-tong-du-no-412-nghin-ty-dong-20230628164714-2202.jpg

Kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2013-2017, hoạt động chủ yếu của VAMC là mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) có thời hạn theo phê duyệt của NHNN. Theo đánh giá của NHNN trong giai đoạn này, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần trong việc đưa nợ xấu toàn ngành ngân hàng tại thời điểm 31/12/2017 về mức dưới 3%.

Theo số liệu của VAMC, đến 31/12/2017, VAMC đã mua 26.274 khoản nợ của 16.835 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 309.711 tỷ đồng, giá mua nợ bằng TPĐB là 279.255 tỷ đồng; từ 01/01/2018 đến 31/8/2018, VAMC chưa thực hiện mua nợ xấu bằng TPĐB.

Tuy nhiên, qua kiểm tra một số hồ sơ việc mua nợ xấu bằng TPĐB của VAMC cho thấy, trong công tác xây dựng kế hoạch mua nợ, việc tổng hợp, đánh giá tỷ lệ nợ xấu của TCTD, số liệu nợ xấu của TCTD chủ yếu được tổng hợp trên cơ sở thông tin trao đổi bằng điện thoại giữa VAMC và Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) là chưa đảm bảo tính minh bạch, khách quan, thiếu các văn bản, tài liệu pháp lý để chứng minh.

Về việc chấp hành quy định về điều kiện tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu bán nợ cho VAMC, kiểm tra 13 hồ sơ mua nợ bằng TPĐB tại VAMC phát hiện một số bất cập, thiếu sót, vi phạm như: TSBĐ của khoản nợ xấu tại thời điểm bán nợ cho VAMC chưa đáp ứng điều kiện mua nợ, ảnh hưởng đến giá trị khấu trừ của TSBĐ khi trích lập DPRR cụ thể; TSBĐ của khoản nợ xấu tại thời điểm bán nợ cho VAMC chưa được định giá bởi tổ chức thẩm định giá độc lập, ảnh hưởng đến giá trị khấu trừ của TSBĐ khi trích lập DPRR cụ thể; Việc NHNN quy định điều kiện khoản nợ xấu bán cho VAMC không quy định cụ thể về giá trị TSBĐ so với khoản nợ bán nên còn có bất cập.

Nhiều hồ sơ mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt có vấn đề

Đáng chú ý, TSBĐ của khoản nợ xấu bán nợ cho VAMC cũng bị cho là không đáp ứng điều kiện theo quy định, ảnh hưởng đến mệnh giá TPĐB sử dụng để vay tái cấp vốn. Kiểm tra hồ sơ pháp lý TSBĐ của 38 hồ sơ mua nợ xấu bằng TPĐB tại 06 TCTD tương ứng với mệnh giá TPĐB được tái cấp vốn là 11.538 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 13,68% tổng mệnh giá TPĐB được tái cấp vốn của 13 TCTD (đến 31/12/2017) phát hiện 34 hồ sơ mua nợ xấu, trong đó: 20 hồ sơ có TSBĐ không còn đầy đủ tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định về điều kiện mua nợ xấu bằng TPĐB và 14 hồ sơ có chứng thư biên bản thẩm định giá TSBĐ đã hết hiệu lực nhưng chưa được định giá lại hoặc TSBĐ chưa được định giá là không đúng, ảnh hưởng đến việc xác định giá trị khấu trừ của TSBĐ khi trích lập DPRR cụ thể, phản ánh không đúng giá mua khoản nợ và mệnh giá TPĐB dùng để vay tái cấp vốn.

Ngoài ra, đối với việc theo dõi, quản lý tiền thu hồi nợ xấu tại VAMC, theo quy định, sau khi bán nợ xấu cho VAMC nhận TPĐB thì TCTD phải tiếp tục theo dõi, quản lý và đôn đốc thu hồi đối với khoản nợ đã bán; số tiền thu hồi phải được nộp ngay vào tài khoản phong tỏa của VAMC mở tại TCTD. Kiểm tra thấy ABBank đã thu tiền của 28 khách hàng nhưng không nộp đầy đủ, kịp thời vào tài khoản của VAMC theo quy định, đáng chú ý có khoản nộp chậm 164 ngày, tổng số tiền thu nộp chậm là 472 tỷ đồng, chiếm 93% tổng số tiền thu hồi nợ.

Việc xử lý vi phạm đối với TCTD trong việc được VAMC ủy quyền quản lý hồ sơ gốc, thu giữ TSBĐ, thu hồi nợ, xử lý bán TSBD, kết quả thanh tra vừa công bố cho thấy, kết quả kiểm tra của VAMC phát hiện một số TCTD (PNB, VPB, Agribank, SCB, MSB, NAB, Sacombank, OceanBank, VIB, HDBank, Eximbank, DongABank) vi phạm quy định về mua, bán nợ bằng TPĐB (như: vi phạm điều kiện về tài sản đảm bảo, chuyển tiền thu nợ về tài khoản VAMC không kịp thời, không thông báo cho khách hàng về việc bán khoản nợ cho VAMC, khởi kiện khách hàng ra tòa khi chưa có ủy quyền của VAMC), nhưng VAMC không xử lý theo thẩm quyền bằng các hình thức đơn phương chấm dứt hợp đồng mua, bán nợ, chấm dứt hoạt động ủy quyền, khởi kiện ra tòa hoặc báo cáo NHNN xử lý theo thẩm quyền đối với các TCTD có vi phạm.

Một nhiệm vụ khác của VAMC là mua nợ theo giá thị trường. Việc mua nợ theo giá thị trường thực hiện từ tháng 8/2017, VAMC đã mua 06 khoản nợ của 05 TCTD với dư nợ gốc 2.938 tỷ đồng, giá mua nợ 3.141 tỷ đồng.

Theo TTCP, kiểm tra 05 hồ sơ thấy: Hoạt động mua nợ theo giá thị trường tại VAMC chậm triển khai theo Thông tư số 19; VAMC mua nợ năm 2017 theo phê duyệt của NHNN vượt vốn điều lệ thực cấp cho VAMC; quá trình mua nợ chưa tuân thủ đúng, đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về giá và thẩm định giá tài sản, quy trình mua bán nợ,

Việc miễn giảm lãi vay cho khách hàng, theo báo cáo, từ năm 2013 đến 31/8/2018 VAMC đã miễn giảm lãi vay cho 1.062 khách hàng, số tiền lãi 2.669 tỷ đồng. Kiểm tra 18 hồ sơ miễn, giảm lại cho khách hàng (VAMC thực hiện 05 hồ sự TCTD thực hiện 13 hồ sơ), tổng số tiền miễn, giảm lãi vay là 614,65 tỷ đồng, phát hiện việc miễn giảm lại cho 05 khách hàng với số tiền là 81,24 tỷ đồng những hồ sơ miễn giảm cho khách hàng không có phương ăn trả nợ, không có phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thì, không đúng với quy định, khách hàng không đáp ứng điều kiện giảm lãi theo quy định miễn, giảm lãi cho 01 khách hàng số tiền 87,65 tỷ đồng khi chưa có ủy quyền của VAMC.

Bên cạnh đó, có 08 trường hợp hồ sơ miễn, giảm lại chưa đầy đủ theo quy định, như VAMC chưa ủy quyền cho TCTD theo dõi, xử lý sau khi mua nợ xấu; phương án trả nợ, cơ cấu lại tài chính không xác định rõ nguồn trả nợ.

Ngoài ra, trong đoạn từ năm 2014-2016, VAMC không tổ chức kiểm tra việc TCTD thực hiện miễn, giảm lãi theo ủy quyền của VAMC được quy định tại Điều 40 Thông tư số 19 2013 TT-NHNN ngày 06 9 2013 của NHNN.

Từ kết quả thanh tra, TTCP kiến nghi Thủ tướng chỉ đạo NHNN, rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động, vai trò của VAMC trong việc tham gia xử lý nợ xấu, trên cơ sở đó xác định sự cần thiết, tổ chức, hoạt động, quy mô vốn hợp lý, có hiệu quả đối với VAMC, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để đảm bảo sát hợp với yêu cầu quản lý và phù hợp với thực tiễn, theo quy định của pháp luật.

Đồng thời chấn chỉnh đối với VAMC trong việc mua nợ bằng TPĐB, đảm bảo khoản nợ xấu VAMC mua nợ bằng TPĐB phải đáp ứng điều kiện TSĐB theo quy định; kiểm tra, rà soát, xác định chính xác mệnh giá TPĐB đối với các khoản tái cấp vốn bằng TPĐB của VAMC để xử lý theo quy định, xử lý, thu hồi giá trị chênh lệch lãi suất đã tái cấp vốn cho TCTD (nếu có).

Chấn chỉnh, khắc phục đối với những tồn tại, khuyết điểm trong mua, bán nợ xấu

Rà soát, xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm phát hiện qua thanh tra hoạt động xử lý nợ xấu, miễn giảm lãi và mua, bán nợ theo giá thị trường tại VAMC; TTCP kiến nghị NNNN chỉ đạo VAMC:

Chấn chỉnh, khắc phục đối với những tồn tại, khuyết điểm trong việc mua, bán nợ xấu nêu tại Kết luận thanh tra, nhất là quản lý, xử lý TSBĐ, tính pháp lý của TSBĐ, xác định lại giá TSBĐ tại thời điểm bán nợ cho VAMC khi xét điều kiện mua nợ; rà soát, xử lý đối với hồ sơ mua, bán nợ xấu bằng TPĐB có TSĐB chưa đáp ứng điều kiện mua nợ, đảm bảo theo đúng quy định, trong đó có: 04 hồ sơ tại MSB (Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C; Công ty CP Tư vấn ĐTXD & TM Minh Quân; Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP Tân SUPERDECK M&C); 02 hồ sơ tại ABB (Công ty CP chế biến XNK Thủy sản Hùng Cường; Công ty CP Tập đoàn Thiên Phú) và 05 hồ sơ tại Sacombank (Diệp Mỹ Xuyên; Hứa Thủy Ngân Anh; Đoàn Lê Phát; Lưu Tuấn Khương; Công ty TNHH Ngân Thạnh)...; thực hiện thủ tục theo quy định yêu cầu Công ty TNHH MTV TMVT Sông Biển Mai Dương bàn giao TSBĐ.

Rà soát, hủy bỏ quy định nội bộ về trình tự thu nợ (thu gốc và lãi đồng thời) không đúng quy định tại Khoản 23 Điều 1 Thông tư số 14/2015/TT-NHNN.

Theo thẩm quyền, phối hợp với Sacombank thực hiện các thủ tục, xử lý cổ phiếu Sacombank của ông Trầm Bê và người có liên quan theo đúng phê duyệt của NHNN, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi) của ông Trầm Bê phải được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

Theo chức năng, thẩm quyền, phối hợp với TCTD rà soát, kiểm tra để xử lý, thu khoản lãi miễn sai quy định: 81,24 tỷ đồng (gồm: Công ty Đầu tư và XD Phú Mỹ Vinh 29,43 tỷ đồng; Công ty TNHH TMVT Sông biển Mai Dương 5,61 tỷ đồng; Công ty CP Quan Nhân 22,37 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng Ngọc Hà 11,94 tỷ đồng. Công ty TNHH Thái Dương 11,89 tỷ đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của VAMC đến đâu trong tham gia xử lý nợ xấu?