UBND TP.HCM có quyết định bổ sung 12 tuyến xe buýt mới, trong đó có 4 tuyến buýt nhỏ, 4 tuyến chất lượng cao và 4 tuyến liên tỉnh.
4 tuyến buýt có sức chứa nhỏ gồm: ga tàu thủy Bình An - bến xe buýt Sài Gòn (19,5 km), ga tàu thủy Bình An - đường Liên Phường (18 km), khu dân cư ấp 5 Phong Phú - UBND quận 7 (16,5 km), khu dân cư T30 - Đại học Marketing (14 km).
Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM các tuyến nhỏ này có thể hoạt động trên các tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ để kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, kết nối với các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn và các phương thức vận tải khác.
Đồng thời, góp phần tăng mật độ mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng văn minh đô thị.
4 tuyến buýt chất lượng cao gồm: Khu dân cư T30 - Trường Đại học Marketing (14 km), tuyến An Lạc - Rạch Chiếc (21,3 km), An Lạc - Bến Thành (14,4 km), Chợ Lớn - Rạch Chiếc (15,7 km), Bến Thành - Rạch Chiếc (10,8 km).
4 tuyến buýt liên tỉnh đi các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh gồm tuyến bến xe An Sương - bến xe Biên Hòa (37,4 km), bến xe Tân Phú - bến xe Tây Ninh (91 km), bến xe buýt Tân Phú - bến xe Tiền Giang (85 km), bến xe Tân Phú - bến xe Biên Hòa (47 km).
Theo Sở GTVT TP.HCM các tuyến buýt liên tỉnh này giúp tăng cường kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Theo đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2021-2030", TP sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt, đảm bảo kết nối đến các vùng đô thị, đầu mối giao thông, hoàn thiện các dự án có khối lượng vận tải lớn như metro, xe buýt nhanh.