Đời sống

TP.HCM: Xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng

Kim Sáng 13/07/2023 - 19:57

Trong 207 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM bị kiểm tra, xử lý, có 100 trường hợp sai phép, 37 trường hợp không phép.

Chiều 13/7, thông tin tại buổi họp báo định kỳ về kinh tế - xã hội của TP.HCM, ông Bùi Văn Hiếu - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Sở đã kiểm tra và xử lý 207 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (so với cùng kỳ năm 2022 giảm 39 trường hợp, với tỷ lệ 15,9%).

Trong 207 trường hợp vi phạm, có 100 trường hợp sai phép (giảm 8 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022); 37 trường hợp không phép (giảm 38 trường hợp so với cùng kỳ).

Còn lại 70 trường hợp vi phạm vì không che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng..., tăng 7 trường hợp so với năm 2022 .

Ông Hiếu cho biết, nửa đầu năm 2023, Thanh tra Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND TP.HCM ban hành 22 quyết định, chuyển Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành 182 quyết định, Chánh Thanh tra Sở ban hành 23 quyết định, tham mưu ban hành 4 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC).

4.-ong-bui-van-hieu-chanh-van-phong-so-xay-dung-1-.jpg
Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM Bùi Văn Hiếu thông tin về tình hình xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh: TN)

Liên quan đến kết quả thực hiện Chỉ thị số 23 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố và kế hoạch triển khai các giải pháp của UBND TP.HCM, sau 4 năm thực hiện (tháng 7/2019 đến tháng 6/2023), TP.HCM có 2.699 công trình vi phạm (bình quân 1,8 vụ/ngày), giảm 6,7 vụ/ngày; tỉ lệ giảm 78,5% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23 là 8,5 vụ/ngày.

p1860508.jpg
Những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại đường số 11, khu phố 4, phường Tam Bình, TP. Thủ Đức, TP.HCM hơn 10 năm vẫn không bị xử lý. 

Thời gian tới, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tham mưu UBND Thành phố ban hành các công văn chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện quyết định xử phạt VPHC.

Đối với các quyết định xử phạt VPHC đã ban hành quyết định cưỡng chế, Sở Xây dựng kiến nghị UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức khẩn trương tổ chức thực hiện dứt điểm, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phối hợp Sở Xây dựng báo cáo Bộ Xây dựng, UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo.

Theo Quyết định số 3580/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của UBND Thành phố về việc phân công nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định xử phạt VPHC và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố:

1. Đối với quyết định xử lý phạt VPHC và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC (bao gồm hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả và các hình thức chế tài khác) do Chủ tịch UBND Thành phố ban hành:

“Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định xử phạt VPHC và tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC ".

2. Đối với quyết định xử phạt VPHC và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC (bao gồm hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả và các hình thức chế tài khác) do Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành:

“Đối với các trường hợp phải tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm theo quy định. Sở Xây dựng có trách nhiệm chuyển quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và hồ sơ có liên quan đến UBND quận, huyện nơi có công trình vi phạm để tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm theo quy định".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng