Từ nay đến cuối năm 2025, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ cũng như tập trung giải quyết các thủ tục đầu tư cho các dự án lớn có khả năng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Mới đây, tại buổi họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 4 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 5 của UBND TP.HCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM đã thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM.
Bà Mai cho biết, năm 2025, TP.HCM được giao giải ngân 85.500 tỷ đồng và đặt mục tiêu giải ngân 95% và phấn đấu 100% vốn.
Tuy nhiên, đến ngày 29/4, TP.HCM chỉ mới giải ngân 6.068 tỷ đồng, đạt 7,2% trên tổng mức vốn đầu tư công năm 2025.
Đến nay, TP.HCM đã tổ chức 7 cuộc họp để tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án trọng điểm về đầu tư công, đồng thời ban hành 21 văn bản chỉ đạo liên quan đến đầu tư công.
Từ nay đến cuối năm 2025, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn cũng như tập trung giải quyết các thủ tục đầu tư cho các dự án lớn có khả năng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, có 4 dự án BOT gồm nâng cấp Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, đường trục Bắc Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và Quốc lộ 13. 4 dự án này có tổng vốn khoảng 35.000 tỷ đồng.
2 dự án cải tạo rạch Văn Thánh với 5.561 tỷ đồng và cầu đường Bình Tiên 871 tỷ đồng. 9 dự án khác dự kiến giải ngân khoảng 16.873 tỷ đồng trong năm.
Trong đó, dự kiến trong tháng 6/2025, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giải ngân 4.000 tỷ đồng.
"Nếu những dự án này được tập trung giải ngân nhanh sẽ đẩy nhanh tiến độ năm 2025. Vì vậy, đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo rút ngắn 30% thời gian, thủ tục đầu tư công; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ và hiệu quả các dự án", bà Mai nói.
TP.HCM cũng kiên định mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt trên 8,5% theo chỉ tiêu của Chính phủ giao, thậm chí nỗ lực cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm của TP.HCM cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 4 tháng đầu năm, các chỉ tiêu đều đạt tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong tháng 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 444.800 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 57.700 tỷ đồng (tăng 28,7%), dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 19.400 tỷ đồng (tăng 42,2%), dịch vụ lữ hành ước đạt hơn 7.000 tỷ đồng (tăng 382%).Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 4,357 tỷ đô la Mỹ, giảm 7,5% so với tháng trước. Còn kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,17 tỷ đô la Mỹ, giảm 5,4% so tháng 3. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 4,357 tỷ đô la Mỹ, giảm 7,5% so với tháng trước. Còn kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,17 tỷ đô la Mỹ, giảm 5,4% so tháng 3. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ.