6 tháng đầu năm 2023, có 18.900.328 lượt người đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022).
Thông tin tại buổi họp báo kinh tế - xã hội của TP.HCM chiều 20/7, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM hiện có 55 bệnh viện công lập, 66 bệnh viện tư (trong đó Bệnh viện Ngọc Phú và Bệnh viện Anh Minh đang chuyển đổi chức năng), 259 phòng khám đa khoa và khoảng 8.000 phòng khám chuyên khoa với số lượng chứng chỉ hành nghề được Sở Y tế cấp là 47.121.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khám chữa bệnh là 18.900.328 lượt (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó số lượt khám ngoại trú là 17.826.990 lượt, số lượt điều trị nội trú là 1.073.348 lượt.
Đối với các đơn vị ngoài công lập, số lượt khám ngoại trú là 1.983.956 lượt (chiếm 11% tổng số), số lượt điều trị nội trú là 175.308 lượt (chiếm 16,3% tổng số).
Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về xây dựng Đề án thu hút nguồn lực nhà đầu tư để gia tăng dịch vụ y tế thực hiện giảm tải, phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN để thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sở Y tế đã ban hành công văn đề nghị các đơn vị đề xuất nhu cầu về thu hút nguồn lực xã hội trong lĩnh vực y tế, trong đó tập trung vào các nội dung: Thu hút nguồn lực xã hội theo hình thức đối tác công tư; Vay vốn để đầu tư phát triển y tế chuyên sâu, y tế cơ sở, cấp cứu ngoài bệnh viện, khu công nghiệp chuyên ngành y - dược; Liên doanh, liên kết; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được cử công chức, viên chức; Huy động nguồn lực y tế tư nhân...