TP.HCM: Cần hình thành các đơn vị chủ lực về khoa học ứng dụng

Vũ Tiến Lực| 30/08/2015 20:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 30/8, Đoàn giám sát liên ngành của Ủy ban Trung ương MTTQVN do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã làm việc với UBND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển KHCN và Luật KH&CN.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả bước đầu mà TP.HCM đã đạt được trong phát triển khoa học công nghệ tại địa phương thông qua nhiều cách làm hay, sáng tạo và đột phá như áp dụng mô hình vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp, chương trình robot công nghiệp, chợ thiết bị và công nghệ, thí điểm áp dụng mức lương cao từ ngân sách để thu hút chuyên gia giỏi… Bên cạnh đó, thành phố đã chú trọng chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trung bình 2,06%/ năm, vượt mức quy định theo Luật Khoa học Công nghệ là 2%. 

TP.HCM: Cần hình thành các đơn vị chủ lực về khoa học ứng dụng

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Nhận định TP.HCM đang đi đúng hướng trong việc phát triển khoa học và công nghệ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thành phố cần tiếp tục kiên trì thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới, TP.HCM cần quan tâm hình thành các cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp theo nhóm ngành hàng, không nên hỗ trợ từng doanh nghiệp riêng lẻ; hình thành các đơn vị chủ lực về khoa học ứng dụng, để tạo đà thúc đẩy cho các khu công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung…; tiếp tục xây dựng và phát huy những thành tựu của Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố. 

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, là một trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước, TP.HCM cần chi đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ. Hiện nay, mức 2,06% ngân sách hằng năm là trên mức quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, nhưng vẫn chưa cao. Cần nâng mức chi hàng năm lên khoảng 4% ngân sách, mới đáp ứng được nhu cầu phát triển khoa học công nghệ, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, trong những năm qua, thành phố luôn có sự quan tâm đặc biệt đến vai trò của khoa học và công nghệ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chủ trương của thành phố là đẩy nhanh phát triển kinh tế theo hướng tạo ra sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao, không gây ô nhiễm, không sử dụng nhiều lao động nhưng tạo ra giá trị gia tăng lớn… Bên cạnh nguồn ngân sách, thì một phần kinh phí đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ ở thành phố là vốn tự có của các doanh nghiệp thông qua Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ. Tính đến nay, có 93 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ, trong đó đã có 41 doanh nghiệp trích lập quỹ với số tiền trên 481 tỷ đồng, chi đầu tư đổi mới công nghệ khoảng 168 tỷ đồng… 

Trong giai đoạn 2011 - 2014, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ dẫn đầu trong 9 ngành khu vực dịch vụ, chiếm tỉ trọng 5,5% GDP của thành phố. Thông qua đóng góp trực tiếp này, khoa học công nghệ đã làm tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của thành phố. Cụ thể, tỉ trọng đóng góp tăng TFP giai đoạn 2011 – 2015 của TP.HCM ước bằng 32,8% GDP, cao gấp 1,89 lần so với giai đoạn 2006 – 2011. 

Dù vậy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang nhìn nhận, sự phát triển khoa học công nghệ của thành phố chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đô thị. TP.HCM sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý, chính sách cho phù hợp với xu thế, đưa khoa học công nghệ dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Cần hình thành các đơn vị chủ lực về khoa học ứng dụng