Sau 10 năm triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình (2008 – 2018), TP. Đà Nẵng đã giảm hơn 50% số lượng vụ bạo lực gia đình trên địa bàn.
Sáng ngày 17/10/2018, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2008 – 2018.
Tham dự hội nghị, có ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, đại diện Tòa dân sự TAND TP. Đà Nẵng, và gần 30 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã được cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Công tác tuyên truyền, truyền thông, giáo dục không những được tổ chức mạnh mẽ vào các đợt cao điểm kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), mà còn được các cấp, ngành, địa phương tổ chức thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, pa nô, áp phích…
Từ năm 2008 đến nay, toàn thành phố đã xử lý 1.766 số vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Trong đó có 45 trường hợp bị xử lý hình sự, 848 trường hợp bị xử lý hành chính, 7 trường hợp xử lý theo biện pháp cấm tiếp xúc. Thông tin về số vụ bạo lực gia đình qua các năm, thành phố cho biết đã giảm từ 334 vụ (năm 2009), còn 172 vụ (năm 2017), tức giảm khoảng 50% các vụ việc. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” có nhiều chuyển biến tích cực, rộng khắp và đi vào chiều sâu.
Theo đó, hiện toàn thành phố có 56/56 phường, xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình; thành lập mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng được đường dây nóng (với 168 số điện thoại) và 569 địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình thông qua số điện thoại của UBND phường, Công an phường, Hội LHPN phường…; thành lập 237 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 277 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, Tổ phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình; có 1.944 Tổ hòa giải với 9.354 hòa giải viên. Nhờ hoạt động hiệu quả, trong thời gian qua, Tổ đã hòa giải thành công 3.428/4.080 vụ việc, đạt tỷ lệ 84%. Nhờ đó, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở các gia đình được giải quyết kịp thời; phòng tránh, ngăn ngừa được nhiều trường hợp có nguy cơ bạo lực, bạo hành gia đình.
Điểm nổi bật của công tác phòng, chống bạo lực gia đình là đã được các địa phương đẩy mạnh công tác vận động, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động chăm lo công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, tạo ra phong trào xã hội hóa mạnh mẽ trong công tác gia đình.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi pham pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; công tác hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân bị bạo lực gia đình luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện thường xuyên và kịp thời.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mà các cơ quan, đơn vị, địa phương đạt được trong 10 năm qua. Đồng chí nhấn mạnh: “Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc, ấm no thì xã hội mới phát triển. Chúng ta tin tưởng rằng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, xây dựng TP. Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh”.
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn TP trong thời gian tới, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị các sở, ngành, đoàn thể địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể địa phương đề xuất UBND TP kiến nghị Trung ương bổ sung điều chỉnh những vấn đề còn bất cập trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Tiếp tục quán triệt toàn thể cán bộ, nhân dân nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản chỉ đạo có liên quan. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp, các ngành; phối hợp triển khai thực thi Luật, gắn chỉ tiêu phòng, chống bạo lực gia đình vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng; Tăng cường giáo dục trong trường học, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục ngoại khóa để làm giải pháp lâu dài. Huy động, thu hút đối tượng nam giới tham gia vào các hoạt động truyền thông để đem lại kết quả tích cực hơn; Duy trì, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả ở các địa phương.
Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện khởi tố và xét xử lưu động đối với một số vụ bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng… đặc biệt cần phát hiện, nhân rộng nhiều hơn nữa những mô hình xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; kịp thời phát hiện, hòa giải tốt những mẫu thuẫn trong gia đình, đồng thời phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình…
Tập thể, cá nhân nhận Bằng khen từ UBND TP. Đà Nẵng
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Bộ máy thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn thiếu và không được đào tạo đúng chuyên ngành, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm; việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến cơ sở còn chậm; việc phát hiện những vụ vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình còn ít, có lúc chưa kịp thời so với thực tế, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý của người dân ngại trình báo cơ quan chức năng, tìm cách che giấu hành vi bạo lực gia đình; ngân sách của địa phương đầu tư cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu…
Dịp này, UBND thành phố đã trao tặng Bằng khen cho Tòa Dân sự TAND TP. Đà Nẵng cùng 21 tập thể, 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn.
Được biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong điều kiện hội nhập quốc tế.