Tại cuộc họp triển khai các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục ngày 2/10, UBND thành phố Cao Bằng đề nghị các trường tiểu học trên địa bàn, từ 9/10 tổ chức lại bữa ăn bán trú cho học sinh.
Dư luận tại TP. Cao Bằng trong những ngày qua xôn xao về việc, các trường tiểu học dừng ăn bán trú, đặc biệt sáng 2/10, tất cả 12 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Cao Bằng đồng loạt dừng tổ chức ăn bán trú (bữa trưa) cho học sinh. Cuối tuần trước, các bậc phụ huynh cũng đã được nhà trường thông báo dừng ăn bán trú từ 2/10 và yêu cầu đưa đón trẻ đúng giờ.
Tại Cao Bằng, mô hình bán trú đối với cấp tiểu học được thực hiện từ năm học 2015 - 2016 đến nay. Được biết, hiện TP Cao Bằng có 32 đơn vị trường học, trong đó, có 12 trường mầm non; 11 trường tiểu học; 8 trường THCS và 1 trường Tiểu học và THCS với tổng số 15.697 học sinh và và gần 1.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động.
Tại các năm học trước, với nội dung "Quản lý trẻ", học sinh ăn bán trú buổi trưa tại trường vẫn được các trường thu của phụ huynh trung bình 150 nghìn đồng/tháng. Tuy nhiên, Nghị quyết số 41/2023 ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh Cao Bằng quy định từ năm học 2023-2024, mức thu cho nội dung này không được quá 75.000 đồng/tháng ở bậc Tiểu học, tức là giảm một nửa so với các năm trước.
Đối với việc tổ chức thực hiện hỗ trợ, phục vụ các hoạt động giáo dục trong nhà trường liên quan đến công tác bán trú, thực hiện theo Nghị quyết số 41/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh về các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh và văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chỉ đạo các trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đội ngũ giáo viên, nhân viên và các bậc phụ huynh biết và thực hiện.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Thành phố và hiệu trưởng các trường học đề nghị: Tỉnh cần bổ sung các danh mục cho phép thu để chi trả những nhiệm vụ cần thiết phục vụ công tác giảng dạy, học tập, sinh hoạt của học sinh; Thực hiện việc chi trả kinh phí quản lý học sinh ăn, ở bán trú buổi trưa tại trường của giáo viên thực hiện theo mức làm ngoài giờ hành chính; không nên ghi cụ thể, chi tiết tiền nước uống, tiền thức ăn mà phải căn cứ vào thực tế, điều kiện của từng trường học.
Sửa từ “giáo viên trực tiếp trông trẻ” thành “người trực tiếp trông trẻ” cho phù hợp; đề nghị cho các trường thu để chi hoạt động làm vệ sinh chung của trường thay vì không thu như hiện nay.
Nhiều trường đề nghị việc thuê dọn rửa nhà vệ sinh học sinh hàng ngày; Tiền điện, nước phục vụ bán trú cho học sinh cần thực hiện theo thực tế; Việc thu phải được thực hiện theo quý, kỳ để các nhà trường thực hiện việc chi lương cho nhân viên nấu ăn kịp thời…
Ông Vũ Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng chia sẻ với những khó khăn của giáo viên, phụ huynh, học sinh đã và đang gặp phải, đồng thời đề nghị Phòng giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các Trường học cần tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức họp giáo viên, nhân viên để động viên tinh thần, để tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên; thống nhất phương án, hình thức thực hiện lại công tác bán trú cho học sinh từ ngày 09/10/2023.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có giáo viên nào vì hoàn cảnh gia đình không thực hiện được trông bán trú, thì hiệu trưởng các trường linh hoạt, bố trí người thay thế.
Đối với việc cung cấp các suất ăn bán trú, các nhà trường cần chủ động phối hợp với Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh để thực hiện theo hình thức hợp đồng 3 bên giữa nhà trường, hội phụ huynh học sinh, đơn vị cung ứng dịch vụ.
Về các ý kiến kiến nghị liên quan đến việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan đến Nghị quyết số 41/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh.
"UBND thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, đồng thời sẽ có báo cáo cụ thể bằng văn bản gửi cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời gian tới", ông Đệ cho biết thêm.