Doanh nghiệp - Doanh nhân

Top 15 quốc gia có lượng vốn đầu tư lớn vào Việt Nam

Gia Khánh 20/02/2025 13:52

Kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp FDI cho thấy, các nhà đầu tư đến từ Châu Á tiếp tục là những quốc gia nắm giữ phần lớn giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

sam-sung.jpg
Ảnh minh họa

Để đề xuất Chính phủ một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này, trên cơ sở tổng hợp, đánh giá số liệu của 28.918 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối có báo cáo tài chính trên phạm vi cả nước, Bộ Tài chính vừa có Báo cáo tổng hợp, phân tích tình hình tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp FDI.

Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính cho biết: Báo cáo của Sở Tài chính các địa phương cho thấy, có 14.515 DN có vốn ĐTNN đầy đủ thông tin về quốc gia, vùng lãnh thổ của nhà đầu tư (trừ TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang chưa có báo cáo) có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng và vốn đầu tư lớn vào Việt Nam trong năm 2023 lần lượt gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia, Australia, Vương quốc Anh, British Vigin Islands, Hà Lan, Samoa và CHLB Đức.

Theo đó, tổng tài sản năm 2023 của 14.515 doanh nghiệp là 7.165.022 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2022. Về tỷ trọng, các nhà đầu tư đến từ Châu Á tiếp tục là những quốc gia, vùng lãnh thổ nắm giữ phần lớn giá trị tổng tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể: Hàn Quốc chiếm 26,6%, Nhật Bản chiếm 15,5%, Trung Quốc chiếm 15,1%, Đài Loan chiếm 13,4%, Singapore chiếm 7,4%.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ này tập trung đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan đầu tư trên 70% tài sản, Singapore đầu tư khoảng 50% tài sản vào lĩnh vực này; ngoài ra, lĩnh vực Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng là lĩnh vực được các quốc gia trên quan tâm, chỉ đứng sau lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo.

Về giá trị tăng trường, các quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam có sự tăng trường lớn về tài sản là: Trung Quốc tăng 178.181 tỷ đồng, Đài Loan tăng 45.225 tỷ đồng, Hồng Kông tăng 44.981 tỷ đồng, Singapore tăng 37.931 tỷ đồng, Hoa Kỳ tăng 26.040 tỷ đồng,..; ngược lại một số nhà đầu tư có sự sụt giảm là: Hàn Quốc giảm 48.293 tỷ đồng, Australia giảm 9.885 tỷ đồng, Malaysia giảm 3.471 đồng, Cayman Islands giảm 2.146 tỷ đồng,...

Cũng theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư của chủ sở hữu năm 2023 của 14.515 doanh nghiệp là 4.490.921 tỷ đồng, tăng 115% so với năm 2022, trong đó chỉ riêng Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore chiếm trên 85% vốn đầu tư. Về giá trị tăng trưởng, các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam có sự tăng trưởng lớn là: Trung Quốc tăng 2.253.714 tỷ đồng, Hàn Quốc tăng 34.033 tỷ đồng, Đài Loan tăng 23.945 tỷ đồng, Singapore tăng 21.724 tỷ đồng, Nhật Bản tăng 20.226 tỷ đồng; ngược lại một số nhà đầu tư có sự sụt giảm là: Nauy giảm 650 tỷ đồng, Cayman Islands giảm 340 tỷ đồng, Ấn Độ giảm 282 tỷ đồng,...

Về doanh thu năm 2023 của 14.515 doanh nghiệp là 7.962.859 tỷ đồng, giảm 0,1% so với năm 2022, trong đó tập trung trên 80% vào lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Một số nhà đầu tư có doanh thu tăng trưởng lớn gồm: Trung Quốc tăng 483.264 tỷ đồng, Hoa Kỳ tăng 35.658 tỷ đồng, Hồng Kông tăng 13.486 tỷ đồng, Ấn Độ tăng 2.564 tỷ đồng, Đan Mạch tăng 1.850 tỷ đồng,...

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có doanh thu sụt giảm mạnh gồm: Hàn Quốc giảm 288.559 tỷ đồng, Nhật Bản giảm 128.111 tỷ đồng, Đài Loan giảm 30.864 tỷ đồng, Malaysia giảm 23.659 tỷ đồng, Thái Lan giảm 15.565 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của 14.515 doanh nghiệp là 222.318 tỷ đồng, giảm 22,8% so với năm 2022. Tương tự như doanh thu, lợi nhuận sau thuế cũng tập trung trên 80% vào lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore.

Một số nhà đầu tư có lợi nhuận sau thuế tăng trường cao gồm: Trung Quốc tăng 11.144 tỷ đồng, Singapore tăng 3.490 tỷ đồng, Thụy Sỹ tăng 663 tỷ đồng; ngược lại một số nhà đầu tư có lợi nhuận sau thuế giảm mạnh gồm: Nhật Bản giảm 24.481 tỷ đồng, Hàn Quốc giảm 22.784 tỷ đồng, Đài Loan giảm 10.266 tỷ đồng, Thái Lan giảm 8.834 tỷ đồng, Australia giảm 3.350 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của nước ta thông qua việc bổ sung nguồn vốn đầu tư, số lượng dự án tăng lên, góp phần tạo việc làm, thu nhập, nâng cao trình độ, chuyên môn cho người lao động, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng phần lớn tập trung vào các dự án quy mô đầu tư nhỏ và vừa. Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu linh kiện, thiết bị để gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, dây chuyền công nghệ ở mức độ trung bình để tận dụng ưu đãi về thuế, mặt bằng và lao động giá rẻ.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, số thu nội địa (không kể dầu thô) của khối doanh nghiệp có vốn ĐTNN năm 2023 là 238.795 tỷ đồng, giảm 4.651 tỷ đồng, tương đương giảm 1,9% so với năm 2022. Về tỷ trọng một số sắc thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 120.440 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 50,4%, thuế giá trị gia tăng đạt 62.160 tỷ đồng (26%), thuế tiêu thụ đặc biệt là 50.868 tỷ đồng (2 1,3%). Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thuế và Sở Tài chính thì số nộp NSNN của 28.918 DN có BCTC năm 2023 là 193.238 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Top 15 quốc gia có lượng vốn đầu tư lớn vào Việt Nam