Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ khơi lại niềm hy vọng về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều khi nói rằng thời gian và địa điểm cuộc gặp này sẽ không thay đổi.
Phát biểu với báo giới tại phòng Bầu Dục ngày 26/5, Tổng thống Trump cho biết, ông đang trông đợi cuộc gặp ở Singapore vào ngày 12/6. Điều đó sẽ không thay đổi. Ông Trump cũng bác bỏ thông tin cho rằng không còn đủ thời gian để tổ chức họp thượng đỉnh theo kế hoạch ban đầu và cho biết, rất nhiều người đang chuẩn bị cho cuộc gặp này.
Nhà Trắng cũng xác nhận, nhóm tiền trạm Mỹ đã tới Singapore như kế hoạch ban đầu để chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể diễn ra tại đây. Những tuyên bố này khiến hy vọng về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều được làm sống lại sau những sóng gió do quyết định hủy họp của Tổng thống Donald Trump chỉ 2 ngày trước đó.
Việc thay đổi quyết định đột ngột của Tổng thống Trump đã khiến đồng minh hết sức hoang mang. Có thể thấy, sau một năm cầm quyền của ông Trump, các lãnh đạo châu Á đã quen với sự khó đoán của Tổng thống Mỹ. Nhưng cách ông đưa ra quyết định về kế hoạch họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như nhận lời mời, hủy bỏ sau một tháng nhưng một ngày sau lại nói rằng nó vẫn có thể diễn ra như kế hoạch, biến sự khó đoán của ông chủ Nhà Trắng lên một tầm mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ khơi lại niềm hy vọng về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Jenny Town, biên tập viên quản lý trang 38 North chuyên nghiên cứu Triều Tiên nhận xét, Tổng thống Trump đã đưa ra các quyết định này mà không tham khảo ý kiến đồng minh trong khu vực, làm gia tăng nghi ngờ về cách Mỹ đối xử với các đối tác ở châu Á và định hướng dài hạn chính sách của Mỹ với khu vực này.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là người rất nỗ lực đưa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán chỉ biết tin ông Trump hủy hội nghị thượng đỉnh khi từ Washington trở về Seoul, sau khi ông đã họp với ông Trump tại Phòng Bầu dục để bàn chi tiết về cuộc họp dự kiến tại Singapore.
Kim Eui-kyeom, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc dường như đã thể hiện sự bối rối khi trả lời phóng viên rằng, Seoul đang cố gắng hiểu chính xác ý ông Trump là gì, sau khi Mỹ công bố tin.
Một đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang trên đường tới Nga để gặp Tổng thống Nga Putin khi ông Trump công bố quyết định hủy họp với ông Kim. Các trợ lý của ông đã phải hối hả cố gắng bắt kịp tin tức mới sau khi Abe hạ cánh tại St. Petersburg.
Về phía giới phân tích, họ cho rằng, việc ông Trump “đổi giọng” cho thấy dường như ông đang chịu nhiều sức ép cả trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt là đồng minh Hàn Quốc vốn đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên trong lịch sử.
Theo đó, sự thay đổi thái độ của ông Trump diễn ra sau cuộc họp bất ngờ hôm 26/5 giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - người sau cuộc họp khẳng định rằng, người Triều Tiên vẫn cam kết phi hạt nhân hóa và ông Kim vẫn kiên định mong muốn, hội nghị thượng đỉnh với Mỹ ở Singapore sẽ diễn ra thành công tốt đẹp.
Một số nhà phân tích nói rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên nếu diễn ra sẽ trở thành bước then chốt để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong suốt nhiều năm qua, mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.
Phía Triều Tiên cũng lên tiếng rằng, quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh đi ngược lại mong muốn của cộng đồng quốc tế về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Vì thế, khi ông Trump đột ngột hủy cuộc họp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un, Triều Tiên phản ứng rất bình tĩnh và lịch sự, giữ hy vọng rằng cuộc họp vẫn có thể diễn ra.
Các nhà phân tích cho rằng, ông Kim không chỉ muốn mà ông thực sự cần một thỏa thuận ngoại giao với Mỹ.
Cuối cùng, bằng thiện chí cũng những cam kết chắc chắn của mình, ông Kim Jong-un dường như đã thuyết phục được ông Trump để hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 có cơ hội diễn ra sau tất cả.
Nhiều người cho rằng, Tổng thống Moon Jae-un có thể đã cứu được thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên khi đứng ra giải tỏa mối hiềm nghi giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà lãnh đạo Triều Tiên mới là người một tay xoay chuyển tình thế, mở lại cánh cửa cho cuộc gặp với ông Trump.
Bởi trong lúc thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lâm vào bế tắc với quyết định hủy gặp của ông Trump, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ động sắp xếp cuộc gặp bất ngờ với Tổng thống Moon Jae-in và khéo léo gửi thông điệp tới Mỹ thông qua nhà lãnh đạo Hàn Quốc.
Chính ông Moon đã xác nhận rằng, thông qua đường dây nóng liên Triều, Triều Tiên đã đưa ra đề nghị đối thoại không chính thức trước. Động thái này cho thấy, nhà lãnh đạo Kim Jong-un rõ ràng muốn cứu thượng đỉnh Mỹ - Triều.