Nói về sự hiện diện của Nga ở Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định hoàn toàn đúng với Hiến chương LHQ và theo yêu cầu của chính phủ Syria.
Trước bài diễn văn được mong đợi tại phiên họp toàn thể lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) tổ chức ở trụ sở New York, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc phỏng vấn trong talkshow 60 Minutes (60 phút) của Đài CBS, Mỹ. Chương trình được phát sóng tối qua (27/9), theo hãng thông tấn Sputnik.
Trò chuyện với người dẫn chương trình 60 Minutes, nhà báo Charlie Rose, Tổng thống Nga đặc biệt nhấn mạnh “sẽ là không hợp lý nếu tôi kể lại chi tiết tất cả những gì mà tôi sẽ nói”.
Song theo ông chủ Điện Kremlin, ông sẽ nhắc đến lịch sử LHQ, về quyết định thành lập đã được thông qua tại Hội nghị Yalta (họp từ ngày 4 - 11/2/1945, trong Chiến tranh thế giới II) tại Liên Xô (cũ), với sự tham gia của ba nguyên thủ quốc gia khi đó là Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin.
Và, với tư cách quốc gia kế thừa hợp pháp của Liên Xô - một sáng lập viên LHQ và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA), nước Nga cần phải sử dụng diễn đàn quốc tế này để trình bày quan điểm của mình về tình hình quan hệ quốc tế cũng như tương lai của LHQ và cộng đồng quốc tế.
Vị lãnh đạo đất nước xứ Bạch Dương cũng khẳng định “LHQ vẫn là một tổ chức quốc tế vạn năng duy nhất có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới”, và hiện không có tổ chức nào có thể thay thế.
Trong talkshow 60 Minutes, Ngài Tổng thống với đường lối cứng rắn đã tiết lộ một số vấn đề mà chắc chắn ông sẽ nói trong bài phát biểu của mình.
Chống chủ nghĩa khủng bố: Cần đoàn kết và thống nhất nỗ lực để chống “cái ác chung”
Về vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố, Tổng thống Putin cho rằng “chắc chắn nên được đề cập dựa trên nền tảng của LHQ” do phạm vi của mối đe dọa trên toàn cầu này.
Theo ông, “chủ nghĩa khủng bố đang thách thức tất cả chúng ta”. Hiện nay, đó là mối nguy cơ đe dọa rất nhiều quốc gia trên thế giới. Những hành vi phạm tội của bọn khủng bố gây thiệt hại cho hàng triệu người.
Tổng thống Nga đã gọi đó là “cái ác chung” và khẳng định rằng nó chỉ có thể được giải quyết thông qua sự đoàn kết và thống nhất nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Putin gọi chủ nghĩa khủng bố là "cái ác chung" và khẳng định rằng nó chỉ có thể được giải quyết thông qua sự đoàn kết và thống nhất nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Sputnik
Sự hiện diện của Nga ở Syria: Hành động theo “Hiến chương LHQ và yêu cầu của chính phủ Syria”
Khi được hỏi về “mục đích của nước Nga” khi “hiện diện quân sự tại Syria”, lãnh đạo Nga cho biết, nói về “sự hiện diện của Nga” tại Syria hiện nay, được thể hiện qua việc cung cấp vũ khí cho chính phủ Damascus, đào tạo nhân viên và cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân nước này.
Nhưng “trong trường hợp này, chúng tôi đáp ứng yêu cầu của chính phủ Syria về việc cung cấp viện trợ quân sự và kỹ thuật, và chúng tôi đang làm điều đó trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế được ký kết một cách hợp pháp”, Tổng thống Putin khẳng định.
Đồng thời ông cũng tuyên bố một cách rõ ràng rằng: “Chúng tôi làm đúng theo Hiến chương LHQ, chẳng hạn, theo các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đương đại, mà theo các nguyên tắc đó các loại hỗ trợ, bao gồm cả hỗ trợ quân sự, có thể và cần phải được cung cấp chỉ riêng cho chính phủ hợp pháp của một quốc gia này hay quốc gia khác, với sự đồng ý hoặc theo yêu cầu của họ, hoặc theo nghị quyết của HĐBA LHQ”.
Và "Người đàn ông thép" đặc biệt nhấn mạnh “số phận của Syria sẽ chỉ được quyết định bởi chính người dân Syria”.
Chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria: “Hoan nghênh một cơ chế chung cho hành động chống khủng bố tập thể”
Trước đó, Tổng thống Putin đã bày tỏ sự lo ngại của Moscow về sự ảnh hưởng ngày càng tăng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - với mục đích lan rộng tới châu Âu, nước Nga, khu vực Trung và Đông Nam châu Á.
Về ý kiến cho rằng, “máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa phòng không của Nga được sử dụng chống lại quân đội thông thường chứ không phải chống lại những kẻ cực đoan” ở Syria mà nhà báo Charlie Rose đưa ra, ông chủ Điện Kremlin khẳng định: “Ở Syria chỉ có một quân đội thông thường, đó là quân đội hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad”.
Theo ông, lực lượng tham gia cuộc chiến chống lại chính quyền hợp pháp, theo cách giải thích của một số đối tác của Nga, là “phe đối lập”. Nhưng trên thực tế, quân đội của Tổng thống Assad đang chiến đấu chống các tổ chức khủng bố.
Tổng thống Putin khẳng định: “Ở Syria chỉ có một quân đội thông thường, đó là quân đội hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad”. Ảnh: Sputnik
Đồng thời, Tổng thống Putin chỉ ra hai điểm:
Thứ nhất, “Có lẽ là ông biết rõ hơn tôi về phiên điều trần vừa diễn ra tại Thượng viện Mỹ, ở đó các đại diện của quân đội Mỹ và Lầu Năm Góc, nếu tôi không nhầm, đã báo cáo với các thượng nghị sĩ về những gì mà Mỹ đã thực hiện để huấn luyện binh sĩ của các lực lượng đối lập”.
“Mục đích ban đầu là sẽ đào tạo khoảng 5.000 - 6.000 lính, và sau đó là 12.000. Kết quả cuối cùng, chỉ có 60 trong số những binh sĩ này được đào tạo một cách hợp thức, và chỉ 4 - 5 người thực sự cầm vũ khí, trong khi phần còn lại đã bỏ trốn, gia nhập lực lượng IS, cùng với vũ khí của Mỹ”.
Thứ hai, theo quan điểm của Tổng thống Putin, “việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho các cơ cấu bất hợp pháp đi ngược lại các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đương đại và Hiến chương LHQ”. Ông khẳng định: “Chúng tôi chỉ hỗ trợ các thể chế chính phủ hợp pháp”.
Và, ông cho biết, “chúng tôi muốn hợp tác với các nước trong khu vực, chúng tôi đang cố gắng tạo ra một cấu trúc phối hợp”.
Hồi cuối tháng 6/2015, Tổng thống Putin đã kêu gọi Syria và các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Arập Saudi tham gia lực lượng chống lại IS bằng việc thành lập một liên minh chống chủ nghĩa khủng bố. Sau đó, ông đã thảo luận vấn đề này với người đồng nhiệm Mỹ - Tổng thống Barack Obama.
“Tôi đã thông báo việc này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Quốc vương Jordan và Arập Saudi. Chúng tôi cũng đã thông báo với Mỹ, và ông Kerry đã có một cuộc thảo luận chi tiết với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, còn các chuyên gia quân sự liên lạc với nhau để bàn bạc về chủ đề này”, Tổng thống Putin cho biết.
“Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu có một cơ chế chung cho hành động tập thể chống khủng bố”, ông khẳng định.