Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp để đánh giá tổng thể công tác tương trợ tư pháp trên cơ sở Luật Tương trợ tư pháp trong cả 4 lĩnh vực: Dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Luật Tương trợ tư pháp là đạo luật đầu tiên được Quốc hội ban hành quy định chuyên về lĩnh vực tương trợ tư pháp. Luật là bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp. Qua 6 năm thực hiện, Luật đã chứng tỏ vai trò của mình, tạo cơ sở pháp lý để các hoạt động tương trợ tư pháp trong cả 4 lĩnh vực: dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù ngày càng đi vào nền nếp, bài bản và chuyên nghiệp.
Bộ Tư pháp đánh giá công tác điều ước quốc tế, hoạt động đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong cả bốn lĩnh vực đều được đẩy mạnh không chỉ ở phạm vi song phương mà cả ở phạm vi khu vực và đa phương. Đối với hoạt động ủy thác tư pháp, các bộ, ngành đã xử lý một khối lượng ủy thác tư pháp lớn, ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp về nội dung.
Qua thống kê, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2008-30/6/2014, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối về tương trợ tư pháp đã tiếp nhận 14.842 yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam gửi đi nước ngoài. Tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp đã có trả lời gửi qua Bộ Tư pháp là 5.193/14.842 yêu cầu, trong đó kết quả trả lời từ những nước có Hiệp định Tư pháp là 540/1388 yêu cầu. Qua số liệu thống kê cho thấy việc thực hiện ủy thác tư pháp với những nước có Hiệp định Tư pháp có hồi âm trả lời đạt 39%; hồi âm trả lời từ những nước chưa có Hiệp định Tư pháp với Việt Nam chỉ đạt 34,5%, nhưng trong số đó có đến 80% là thông báo kết quả thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp cho công dân Việt Nam ở nước ngoài bằng hình thức niêm yết tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Tư pháp đã nhận được 2.876 yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài (trong đó từ những nước đã có Hiệp định Tương trợ tư pháp với Việt Nam là 1229 yêu cầu), đã thực hiện được 1.440 yêu cầu, đạt 50%.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, nguyên nhân của ủy thác tư pháp gửi đi nước ngoài khi nhận lại kết quả còn thấp do khi xây dựng Luật Tương trợ tư pháp, sự gắn kết với các quy định tố tụng trong đó có các quy định về tố tụng dân sự chưa tốt. Trong luật tố tụng dân sự không có các quy định riêng dành cho các trường hợp có yếu tố nước ngoài và những trường hợp cần thiết phải ủy thác tư pháp. Tất cả quy trình tố tụng hiện nay, trong nước cũng như có yếu tố nước ngoài đều xử lý chung cùng một thời hạn, nên chịu một sức ép rất lớn về mặt thời hạn. Thứ trưởng cho biết, trước mắt, Bộ Tư pháp triển khai ngay đối với những nước có điều ước quốc tế sẽ phải thiết lập đường dây giữa các cơ quan Trung ương hai nước. Trong trường hợp chậm trễ hay vướng mắc sẽ thông tin, cùng nhau tháo gỡ. Đồng thời cần tạo điều kiện cho cơ quan tòa án tống đạt trực tiếp hoặc gửi qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, qua đó cắt giảm khâu trung gian trong nước để rút ngắn quy trình, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan hữu quan.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng để hoạt động tương trợ tư pháp phục vụ thiết thực và hiệu quả cho hoạt động tố tụng thì bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, điều ước quốc tế và tổ chức thực hiện tương trợ tư pháp, hệ thống pháp luật tố tụng trong nước cũng phải được hoàn thiện, có tính đến những yêu cầu đặc thù của các vụ việc có yêu cầu ủy thác tư pháp để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế và khả thi.
Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tổ chức tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự để sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, những bất cập trong tố tụng giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài có ủy thác tư pháp cần được rà soát, đánh giá để phân loại rõ những vướng mắc cần được sửa đổi trong các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp. Những vướng mắc trong quá trình tố tụng có liên quan đến kết quả ủy thác tư pháp cần được sửa đổi trong quy định pháp luật về tố tụng dân sự.
Các ý kiến tại Hội nghị cho rằng về lâu dài cần xây dựng luật riêng điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của hoạt động tương trợ tư pháp. Trước mắt cần sửa đổi, bổ sung Luật Tương trợ tư pháp đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, giải quyết các vụ việc dân sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cải cách pháp luật; phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa Luật Tương trợ tư pháp và các luật chuyên ngành về tố tụng tư pháp.