Môi trường

Tổng kết 2024: Thời tiết - thủy văn Việt Nam khốc liệt và dị thường

Hải Đăng 31/12/2024 - 16:56

Theo số liệu từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2024, tính đến giữa tháng 12, đã lên tới gần 90.000 tỷ đồng. Đây là con số cao nhất trong vòng 15 năm qua, vượt xa mức thiệt hại của năm 2023 và cao hơn khoảng 1,5 lần so với năm 2017 – năm ghi nhận thiệt hại lớn nhất trước đó (khoảng 60.000 tỷ đồng).

Năm 2024 – Giáp Thìn đã đi qua với sự khốc liệt của thiên tai trên cả 3 miền của Tổ quốc. Cùng điểm lại 5 điểm nhấn lớn nhất của thời tiết – thủy văn năm 2024:

Đầu năm, nền nhiệt ấm hơn trung bình nhưng rét đậm nhiều ngày và kéo dài

Mùa Đông năm 2023-2024 có nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,0-1,5 độ C ở miền Bắc, nhưng vẫn xuất hiện 4 đợt rét đậm với tổng cộng 29 ngày rét đậm diện rộng (xấp xỉ trung bình nhiều năm, nhiều nhất trong 10 mùa Đông trở lại đây). Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, miền Bắc xảy ra 3 đợt rét đậm, trong đó có 2 đợt kéo dài đến 8 ngày liên tục là từ 22-29/01 (nhiệt độ trung bình ngày 10-13 độ C) và 24/02-02/03 (nhiệt độ trung bình ngày 13-15 độ C). Rét đậm năm 2023-2024 kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm (ngày 02/03/2024).

1thoitiet.jpg
Mùa Đông năm 2023-2024 có nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,0-1,5 độ C ở miền Bắc, nhưng vẫn xuất hiện 4 đợt rét đậm. (Ảnh minh họa)

Dị thường ở chỗ, xen giữa các đợt rét đậm là tình trạng ấm và nồm ẩm diễn ra nhiều ngày ở Bắc Bộ. Chính vì vậy, nền nhiệt trung bình chung các tháng đầu năm vẫn cao hơn trung bình nhiều năm và làm cho mùa Đông 2023-2024 vẫn là mùa Đông ấm.

Nắng nóng bất thường trên cả nước

Điểm nhấn tiếp theo của mùa Đông 2023-2024 là tình trạng nắng nóng bất thường và đến sớm trên cả nước. Bắt đầu từ các tỉnh Nam Bộ nắng nóng gần như liên tục từ ngày 9/2 đến giữa tháng 5. Từ đầu tháng 4 năm 2024, nắng nóng mở rộng ra khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ, sớm hơn trung bình nhiều năm.

Cuối tháng 4, nắng nóng mở rộng ra toàn miền Bắc, đỉnh điểm của nắng nóng mùa hè 2024 là đợt nắng nóng vào dịp nghỉ lễ 30/4 (diễn ra từ ngày 26-30/4/2024) trên cả nước, mức nhiệt cao nhất tại Đông Hà (Quảng Trị) ngày 28/4 là 44 độ C, chỉ kém kỷ lục tại Tương Dương (Nghệ An) năm 2023 là 0,2 độ C. Trong tháng 4 năm 2024, 110 trạm trên cả nước ghi nhận trị số cao kỷ lục so với cùng thời kỳ trong quá khứ; trong đó chỉ tính riêng ngày 27/4 ghi nhận 39 trị số kỷ lục.

hinh-anh-29-04-2024-luc-22.51.jpeg
Nắng nóng bất thường trên cả nước.

Sau tháng 4 nắng nóng kỷ lục và dị thường, nhìn chung các tháng còn lại của mùa hè 2024 không quá nóng ở miền Bắc, đặc biệt là tình trạng mưa nhiều trong các tháng 5-6-7 cũng như không có nhiều ngày nắng nóng tại khu vực này. Mặc dù vậy, Trung Bộ trong tháng 8 vẫn xảy ra một đợt nắng nóng kéo dài từ 5-31/8, góp phần làm nền nhiệt trung bình cả nước tháng 8/2024 đạt 28,3 độ C - cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử quan trắc được của tháng 8.

“Kỷ nguyên siêu bão” – Bão Yagi mạnh nhất 70 năm trên đất liền Việt Nam và mưa lũ lịch sử ở miền Bắc

Năm 2024, mặc dù tổng số bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) là 11 cơn, ít hơn một chút so với trung bình nhiều năm (số bão 10 cơn tương đương, số ATNĐ là 1 cơn ít hơn trung bình nhiều năm), nhưng là lần đầu tiên ghi nhận 2 siêu bão (cường độ từ cấp 16 trở lên theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) hoạt động trên biển Đông là bão số 3 (Yagi) và bão số 5 (Krathon). Điều này kết hợp với tình trạng biến đổi khí hậu, ấm lên toàn cầu và sự tàn phá của các siêu bão khác trong năm 2024 như Beryl, Helene, Milton, Chido,…; khiến cho biển Đông và Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung đối mặt với “kỷ nguyên siêu bão”.

Bão Yagi tính đến thời điểm hiện tại là cơn bão mạnh nhất trên Tây Bắc Thái Bình Dương năm 2024 (105 hải lý/giờ ~ 195km/h và khí áp 915hPa). Cao hơn một chút về khí áp là Man-yi và Krathon (920hPa). Nếu không có biến động gì lớn về đánh giá lại bão, Yagi sẽ là cơn bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và là lần đầu tiên có 1 cơn bão mạnh lên trên biển Đông làm được điều này trong 1 năm dương lịch.

Yagi đổ bộ vào Việt Nam với sức gió vùng gần tâm bão đạt cấp 13-14 giật cấp 16-17, tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) ghi nhận sức gió 45m/s cấp 14 giật 62m/s trên cấp 17 (tuy nhiên một báo cáo ban đầu của ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam gửi Hội thảo lần thứ 19 của Ủy ban Bão Châu Á-Thái Bình Dương ESCAP WMO Typhoon Committee cho biết bão đổ bộ với cường độ cấp 14-15 và sức gió tại Bãi Cháy là 50m/s – cấp 15 giật 63m/s – trên cấp 17), được Chính phủ đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua trên đất liền nước ta.

1111.jpg
Thiệt hại do thiên tai năm 2024 tính đến nửa đầu tháng 12 là gần 90.000 tỷ đồng.

Bão Yagi đã gây gió mạnh trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành miền Bắc và cả thủ đô Hà Nội, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Hoàn lưu sau bão gây mưa lớn trên diện rộng ở miền Bắc, cùng với nước từ thượng nguồn đổ về gây ra một đợt mưa lũ lịch sử trên các hệ thống sông ở Bắc Bộ, tại một số trạm lũ đã vượt mức lũ lịch sử của năm 1968 và 1971. Hình ảnh xơ xác ở Hạ Long sau bão, vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) và trận lũ quét kinh hoàng tại Làng Nủ (Lào Cai) chính là những hình ảnh đau đớn nhất về hậu quả thảm khốc của bão Yagi mà phải mất rất nhiều năm mới có thể khôi phục được.

Báo cáo của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai cho biết, bão Yagi làm 345 người chết, mất tích; 2.041 người bị thương; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái; 281.153ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thủy lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; 548km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc với khối lượng sạt lở hơn 15 triệu mét khối. Ước thiệt hại về kinh tế hơn 83.746 tỷ đồng (chiếm trên 90% thiệt hại do thiên tai cả nước năm 2024), trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng, chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế... Yagi trở thành cơn bão gây thiệt hại kinh tế lớn nhất hàng chục năm qua tại Việt Nam.

Trước Yagi, bão Prapiroon (bão số 2) cũng đổ bộ vào miền Bắc chấm dứt chuỗi 646 ngày không có bão đổ bộ Việt Nam, gây mưa lũ tại Bắc Bộ vào cuối tháng 7. Trong năm 2024, có 4 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam (xấp xỉ TBNN).

Mùa mưa bão Giáp Thìn ở Trung Bộ tương đối ôn hòa, nhưng có một số điểm dị thường

Việc hiện tượng La Nina không xuất hiện sớm như dự báo cũng khiến cho Trung Bộ trải qua một mùa mưa bão lũ tương đối ôn hòa và không quá khốc liệt như dự báo ban đầu. Cả năm chỉ có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Trung Bộ là bão số 4 và bão số 6, nhưng chúng đều có cường độ không mạnh. Lượng mưa nhiều nơi tại Trung Bộ trong các tháng cuối năm 2024 thậm chí thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

mua-am3.jpg
Tình hình mưa ở Trung và Nam Trung Bộ trở nên dai dẳng và kết thúc muộn hơn vào thời điểm cuối năm.(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với không có điểm bất thường. Đầu tiên là trận mưa, lũ do hoàn lưu bão số 6 (Trà Mi) gây ra tại Quảng Bình cuối tháng 10, có thời điểm gần đạt đỉnh lũ của năm 2020. Hai là, việc chuẩn sai Nino 3.4 bắt đầu tiến xuống ngưỡng La Nina rất muộn (từ giữa tháng 12 vừa qua) khiến cho tình hình mưa ở Trung và Nam Trung Bộ trở nên dai dẳng và kết thúc muộn hơn vào thời điểm cuối năm.

Mùa Đông đến muộn nhưng không khí lạnh và rét đậm lại đến sớm ở miền Bắc

Mặc dù không khí lạnh năm nay đã bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 9 (đợt không khí lạnh đầu tiên tràn về vào ngày 22/9), song các đợt không khí lạnh đều yếu và mang tính chất khô hanh, nền nhiệt vẫn cao, nắng nhiều và chưa có ngày trời rét. Phải đến cuối tháng 11 – đầu tháng 12, trời mới chuyển rét thật sự ở miền Bắc, muộn hơn trung bình nhiều năm. Có thể nói, mùa Đông năm nay đến muộn và muộn hơn hẳn so với dự báo ban đầu ở Bắc Bộ.

mua-lanhd.jpg
Mùa Đông năm nay đến muộn và muộn hơn hẳn so với dự báo ban đầu ở Bắc Bộ.(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, khi mùa Đông vừa thật sự gõ cửa, miền Bắc đã chuyển sang trạng thái rét sâu. Đặc biệt, rét đậm diện rộng đã xảy ra từ ngày 14-15/12 ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, sớm hơn trung bình nhiều năm. Đây lại là một điểm đáng chú ý nữa của thời tiết năm 2024.

Khép lại năm 2024, chúng ta cùng bước vào năm 2025 với nhiều thách thức mới về thời tiết, thiên tai, mong rằng với sự đoàn kết đồng lòng, đất nước Việt Nam sẽ vững vàng vượt qua để tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp tục phát triển thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng kết 2024: Thời tiết - thủy văn Việt Nam khốc liệt và dị thường