Ông Nhữ Đình Hòa – Tổng Giám đốc CTCK Bảo Việt (BVS) |
VN-Index đã tăng năm thứ 2 liên tiếp, ít nhiều cũng tạo sự phấn khởi lên tâm lý nhà đầu tư. Yếu tố nào tạo nên điều này, thưa ông?
Tôi cho rằng những chuyển biến và xu hướng dần đi vào trạng thái bình ổn của nền kinh tế vĩ mô chính là nguyên nhân cơ bản đằng sau. Chúng ta đã trải qua một giai đoạn dài, từ 2007 cho đến 2011, chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà bỏ quên yếu tố ổn định bền vững. Tăng trưởng tín dụng quá cao dẫn đến lạm phát phi mã, bất ổn tỷ giá và kéo theo một loạt các hệ lụy khác. Tuy nhiên, kể từ 2012 trở lại đây, các chính sách vĩ mô, theo quan sát của tôi, đã bắt đầu đi đúng hướng và từng bước bình ổn lại từng góc cạnh của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh giảm về mức hợp lý so với bình quân của khu vực và đích đến của dòng vốn cũng có sự định hướng, ưu tiên tốt hơn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi; lạm phát và tỷ giá được kiểm soát thành công; khối nợ xấu đang từng bước được “thu dọn”...
Bối cảnh kinh tế vĩ mô bình ổn tạo điều kiện và môi trường hoạt động lành mạnh, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất đã được điều chỉnh giảm đáng kể, việc tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý trở nên dễ dàng hơn. Mặc dù còn không ít trở ngại, nhưng chắc hẳn các nhà đầu tư đều có thể nhìn thấy những chuyển biến về chất trong lộ trình tái cơ cấu tại từng nhóm ngành, từng doanh nghiệp. Sau một đợt “ốm nặng”, ai cũng tự rút ra bài học cho riêng mình, điều chỉnh giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính, tái cấu trúc sản phẩm đúng theo nhu cầu thị trường và ưu tiên ổn định dòng tiền trong dài hạn thay vì chạy theo các dự án “ăn xổi” như trước đây. Theo tôi, đây là những tín hiệu rất tích cực và đa số các nhà đầu tư cũng đã và đang nhận ra cơ hội đầu tư không nên bỏ qua đối với kênh chứng khoán.
Theo ông, những bước đi về mặt chính sách trên thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay đã phù hợp với Việt Nam chưa? Ông kỳ vọng gì vào những chính sách dành riêng cho TTCK trong thời gian tới?
Tôi cho rằng các chính sách hiện nay là tương đối phù hợp đối với mức độ phát triển của TTCK Việt Nam. Với hạ tầng công nghệ, trình độ và kinh nghiệm thực tế của các công ty chứng khoán, nhà đầu tư hiện nay thì độ mở và những bước đi về mặt chính sách cho đến thời điểm này được xem là hợp lý. Nói cách khác, chúng ta không thể yêu cầu các chính sách có độ thông thoáng hơn nữa nếu các yếu tố “cần” chưa đạt được. Tôi cho rằng hiện nay nên tập trung giám sát và thực thi các chính sách hiện có sao cho hiệu quả.
Trong thời gian tới, tôi đang chờ đợi 2 chính sách với những thay đổi lớn. Thứ nhất là cơ chế vận hành cho các sản phẩm phái sinh; thứ hai là việc cho phép vay mượn chứng khoán, trước mắt là giao dịch bán vào ngày T+0 và sau đó là cơ chế Short Sell. Đây là những cơ chế đã khá quen thuộc đối với các thị trường khác trong khu vực nhưng chưa được cho phép tại Việt Nam, đặc biệt là cơ chế cho phép bán vào ngày T+0 sẽ làm giảm thiểu rủi ro khi tham gia thị trường rất nhiều. Tất nhiên sẽ còn nhiều vướng mắc, nhưng nếu được triển khai, có thể coi đây là một bước tiến khá dài đối với tất cả các thành viên trên thị trường tài chính, hỗ trợ đáng kể cho nghiệp vụ quản trị rủi ro và tạo ra sân chơi mới cho nhà đầu tư từ đó góp phần gia tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Viễn cảnh thị trường chứng khoán trong 3-5 năm tới ra sao, thưa ông? Liệu chúng ta có thể kỳ vọng vào một chu kỳ tăng trưởng dài hạn hay không?
Với bối cảnh vĩ mô đã đề cập ở trên, chúng ta đã có thể thấy những tín hiệu tích cực đầu tiên sau một giai đoạn khủng hoảng, đó là bình ổn trở lại. Tuy nhiên sau đó nền kinh tế có chuyển sang một chu kỳ tăng trưởng vững chắc mới hay không thì vẫn còn khá nhiều thách thức, đòi hỏi các nhà điều hành chính sách phải thực sự kiên định. Thị trường chứng khoán luôn phản ánh và bám khá sát triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong trung-dài hạn. Hiện tại, nhà đầu tư đang đặt khá nhiều kỳ vọng vào những chuyển biến của nền kinh tế và thị trường đã quay lại chu kỳ hồi phục. Song, nếu chúng ta lại đi chệch hướng hoặc mắc lại sai lầm trong quá khứ thì thị trường cũng sẽ đảo chiều rất nhanh.
Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng mỗi thành phần của nền kinh tế đều đã rút ra cho mình những kinh nghiệm và bài học sau giai đoạn khủng hoảng. Điều này sẽ giúp rủi ro chệch hướng trong các bước đi sắp tới được giảm thiểu. Bên cạnh đó, dựa trên việc phân tích chu kỳ vận động của các thị trường trong khu vực và so sánh tương quan với bối cảnh kinh tế, diễn biến của TTCK Việt Nam, tôi kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục dài hạn trong khoảng thời gian 3-5 năm tới. Hiện thị trường đã bước sang năm thứ ba trong chu kỳ tạo đáy dài hạn, tính từ đầu 2012 cho đến nay. Điều này hàm ý, năm 2014 có thể sẽ là một năm bản lề cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Về mục tiêu trung - dài hạn, theo ông, nhà đầu tư có thể rót vốn vào lĩnh vực nào? Cổ phiếu bất động sản có còn thu hút không?
Khi thị trường duy trì xu hướng tăng điểm thì nhóm ngành nào cũng sẽ “đến lượt” được hưởng lợi và hồi phục. Tài chính và bất động sản luôn là 2 lĩnh vực tiềm năng nhưng cũng sẽ là tâm điểm có thể xảy ra những biến động lớn, nhất là trong năm bản lề 2014 với những thay đổi về mặt chính sách. Nhìn chung, những doanh nghiệp bất động sản còn giữ được quỹ đất lớn và đã thực hiện tái cơ cấu nợ thành công, hoặc thay đổi cấu trúc sản phẩm để tăng thanh khoản trên thị trường sẽ còn nhiều cơ hội thu hút dòng tiền. Các ngành thuộc lĩnh vực xuất khẩu hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được xem là cơ hội đầu tư tiềm năng trong năm 2014 do được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ hiệp định TPP và chủ trương tăng đầu tư công của Chính phủ.
Mặc dù thị trường hiện đang nằm trong một nhịp điều chỉnh ngắn hạn nhưng cơ hội duy trì xu hướng tăng trung hạn vẫn đang được đánh giá cao. Nhà đầu tư ở thời điểm này nên phân chia danh mục đầu tư ra làm 2 phần, một phần nắm giữ bám theo xu hướng trung hạn – nên ưu tiên nhóm cổ phiếu mang tính cơ bản, có triển vọng tăng trưởng ổn định, phần khác mua bán mang tính ngắn hạn – có thể phân bổ sang các mã cổ phiếu có tính thị trường cao hơn và bất động sản là một trong số đó. Ngoài ra, có thể lưu ý nhóm các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc thành công (cơ cấu lại các khoản vay, giảm tỷ lệ đòn bẩy, hàng tồn kho, tổ chức lại mô hình kinh doanh...).
Cám ơn ông!
Mỹ Hà thực hiện