Để giảm số tiền nợ thuế, cũng như xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi, Tổng cục Thuế cho biết, trong tháng 8 này sẽ có công văn chỉ đạo các cục thuế xử lý nợ thuế.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 7/2020 là 106.790 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 23,6% so với thời điểm ngày 31/12/2019, trong đó, nợ thuế có khả năng thu là 59.531 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019; tăng 40,8% so với thời điểm ngày 31/12/2019.
Ảnh minh họa
Đáng chú ý, thống kê cho thấy, tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 47.260 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2019; tăng 7,2% so với thời điểm 31/12/2019.
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2020, số nợ thuế tăng lên so với thời điểm cuối năm 2019 do nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất doanh nghiệp chưa nộp vào ngân sách theo quy định.
Ngoài ra, một số đơn vị sản xuất lắp ráp ô tô trong nước chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt kê khai phát sinh của tháng 5, tháng 6 vào ngân sách nhà nước, chờ để được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (tiền chậm nộp tính 0,03%/ ngày tăng lên).
Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế cũng gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Nhìn tổng thể có thể thấy tình hình nợ thuế trên cả nước đang có chiều hướng tăng. Tại các địa phương, công tác thu hồi nợ thuế cũng đang có nhiều thách thức. Báo cáo từ Cục Thuế Hải Phòng cho thấy, tính đến thời điểm tháng 7/2020, tổng số nợ thuế trên địa bàn ước khoảng 2.081 tỷ đồng, trong đó, nợ của các doanh nghiệp thuộc khối Vinashin, Vinalines là 479 tỷ đồng (có khả năng thu là 304 tỷ đồng), nợ khó thu là 900 tỷ đồng.
Nếu loại trừ các khoản nợ của Vinashin, tổng số nợ còn lại là 1.602 tỷ đồng. Dù số nợ tại Hải Phòng thời điểm này bằng 4,9% trên tổng dự toán thu ngân sách nhà nước và giảm 55 tỷ đồng so với tổng nợ đến 30/6/2020, tuy nhiên, thực tế tổng nợ tại địa phương này đã tăng so với nợ tại thời điểm 31/12/2019 là 176 tỷ đồng, tương ứng 9,3%.
Hay như tại Cục Thuế Hà Nội, nửa đầu năm 2020, mặc dù cơ quan Thuế đã tích cực và quyết liệt triển khai đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thuế theo quy định và nhận được sự phối hợp của các cấp, các ngành trên địa bàn TP Hà Nội nhưng tính đến thời điểm đầu tháng 6, số tiền thuế nợ trên dưới 90 ngày trên địa bàn vẫn tăng so với thời điểm 31/12/2019 do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của dịch bệnh, sự thay đổi chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành nghề...
Để giảm số tiền nợ thuế, cũng như xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi, Tổng cục Thuế cho biết, trong tháng 8 này sẽ có công văn chỉ đạo các cục thuế tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 69/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ. Đồng thời, tổ chức tập huấn Nghị quyết số 94/2019/QH14, Thông tư số 69/2020/TT-BTC cho cơ quan Thuế, cán bộ thuế để triển khai thực hiện xử lý nợ thống nhất trong toàn ngành Thuế, đồng thời thảo luận về các nội dung sửa đổi, bổ sung quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo các cục thuế thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ ngay đối với những người nộp thuế hết thời gian gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP nhưng không nộp kịp thời, đúng hạn vào ngân sách nhà nước để không phát sinh tăng nợ mới.
Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp Bắc Kinh. Tính đến 31/7/2020, đã thu đạt 16.372 tỷ đồng, bằng 38,7% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 11.466 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 4.906 tỷ đồng