Sáng 10/7 giờ địa phương, tức tối 10/7 giờ Hà Nội, tại thành phố New York, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án Trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho ông Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ tín thác sáng kiến Đại học ở Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ nhóm trí thức Đại học Havard. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại buổi lễ, ông Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ tín thác sáng kiến Đại học ở Việt Nam nhấn mạnh yếu tố tiên quyết để xây dựng một trường đại học tại Việt Nam là phải có đội ngũ giảng viên giỏi người Việt Nam; một không gian vật chất phù hợp với các hoạt động tri thức và khoa học. Ông Thomas Vallely vui mừng đón nhận giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Trường Đại học Fulbright trong khuôn viên Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; cảm ơn lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho Đại học Fulbright được xây dựng ở vị trí tuyệt vời này. Việc trao giấy chứng nhận đầu tư là một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Trường, nhưng công việc phía trước còn nhiều. Ông Thomas Vallely mong các vị Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, các cơ quan hữu quan Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ để Trường Đại học Fulbright có thể sớm đi vào hoạt động.
Ông Lê Hoài Quốc, Giám đốc Trung tâm công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Cách nay hơn 20 năm, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Quản lý Nhà nước J.F.Kennedy thuộc Đại học Havard. Đại học Fulbright được thành lập tại Việt Nam với mục tiêu thành lập một trường đại học đa ngành, đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao, phương pháp đào tạo tiên tiến, hướng đến một trường đại học đẳng cấp thế giới tại Việt Nam, thông qua mô hình của một đại học phi lợi nhuận. Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất để Trường Đại học Fulbright sớm đi vào hoạt động.
Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ, trao đổi với nhóm trí thức Đại học Havard. Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng được gặp gỡ các nhà khoa học của Trường Đại học Havard danh tiếng thế giới; cảm ơn Đại học Havard thời gian qua đã đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ, trong đó nhiều người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Qua trao đổi ý kiến, có thể cảm nhận các giáo sư, nhà khoa học của Đại học Havard rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người của Việt Nam. Tổng Bí thư nêu rõ chủ trương của Việt Nam hiện nay là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó chú trọng 3 khâu đột phá là hoàn thiện thể chế, cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; mong muốn các giáo sư, nhà khoa học của Đại học Havard nói riêng và của Hoa Kỳ nói chung sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực. Thời gian qua, quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước phát triển nhanh, với gần 17.000 học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tán đồng cao về chủ trương mở Đại học Fulbright Việt Nam, hướng tới đào tạo tại chỗ, toàn diện trên các lĩnh vực (trước đây chỉ là chương trình giảng dạy kinh tế), nhằm mục tiêu vì con người chứ không vì lợi nhuận.
Giáo sư David Dapice, Đại học Havard, cho rằng con đường tăng năng suất lao động phải hội nhập tri thức toàn cầu. Kinh nghiệm từ Malaysia và Hàn Quốc là phải cải tạo giáo dục đại học, đầu tư mạnh vào giáo dục đại học, đồng thời chú trọng đào tạo tại chỗ. Tuy nhiên, tăng đầu tư cho giáo dục để tăng năng suất lao động không phải là con đường bền vững, mà phải chú trọng yếu tố con người.
Nhấn mạnh chất lượng của một trường đại học không phụ thuộc vào đất đai, cơ sở vật chất, mà là hệ thống quản lý và quản trị trường đại học, Giáo sư David Dapice hy vọng Đại học Fulbright sẽ là cầu nối tri thức, cầu nối hợp tác giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam.
Bà Đặng Bích Thủy, thành viên Nhóm trí thức Đại học Havard cho rằng, mô hình Đại học Fulbright tại Việt Nam hướng tới giải quyết toàn diện những vấn đề đang đặt ra không chỉ ở cấp quốc gia, mà còn ở cấp khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, đô thị hóa...; với hệ thống quản lý tốt và có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chính phủ và các trường đại học, chia sẻ kinh nghiệm giúp các trường khác cùng nâng cao chất lượng, góp phần củng cố sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia. Đây là mô hình đại học đẳng cấp quốc tế, với cơ chế quản trị công khai minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận, không phải là tháp ngà học thuật mà gắn với các khu vực kinh tế, cùng họ tìm giải pháp cho những vấn đề mà xã hội có nhu cầu...
* Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã gặp, làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Coca Cola, Tập đoàn General Electric và Công ty Apple; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng làm việc với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ.