Tôn vinh những tác phẩm báo chí vì sự nghiệp giáo dục

Ngô Chuyên| 17/11/2018 16:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (17/11), tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018.

Tôn vinh những tác phẩm báo chí vì sự nghiệp giáo dục

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018, do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về sự nghiệp giáo dục, về các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục; tuyên truyền rộng rãi những thành tựu, kết quả của ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29 và những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Tôn vinh những tác phẩm báo chí vì sự nghiệp giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là nhiệm vụ vừa trước mắt vừa lâu dài, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp tuyên truyền của các cơ quan, phóng viên thông tấn báo chí và đội ngũ những người làm báo.

Là năm đầu tiên tổ chức với thời gian phát động không dài nhưng Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2018 đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương, của các tác giả là những cây bút chuyên và không chuyên đang đồng hành cùng ngành Giáo dục ở khắp các vùng miền của cả nước với gần 700 tác phẩm tham gia dự thi, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung và chuẩn mực, sáng tạo về hình thức thể hiện.

Các tác phẩm dự thi đã phản ánh một cách chân thực, sống động về những thành tựu của ngành Giáo dục, những nỗ lực cố gắng của các thầy cô giáo trên mọi miền của đất nước, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức cá nhân đối với sự nghiệp giáo dục; đồng thời phân tích những khó khăn của ngành Giáo dục từ thực tế các địa phương, cơ sở giáo dục, từ đó đưa ra quan điểm phản biện, nguyên nhân và giải pháp (vấn đề về giáo viên; huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đào tạo gắn với thị trường lao động hiện nay của giáo dục đại học...). Mỗi tác phẩm là một bài ca về nghề dạy học, về nhà giáo, câu chuyện cảm động về tình thầy trò, bồi đắp thêm truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, có độ lan tỏa trong ngành Giáo dục, cha mẹ học sinh và xã hội.

Tôn vinh những tác phẩm báo chí vì sự nghiệp giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao bằng khen và kỷ niệm chương cho tác giả Đặng Chung - báo Lao động.

"Các tác phẩm báo chí tham dự Giải đã thể hiện tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết của người làm báo đối với sự nghiệp Giáo dục, sự quan tâm của báo chí đối với giáo dục. Các tác phẩm được trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018 thực sự là các tác phẩm có chất lượng tốt, đóng góp tích cực vào đổi mới, phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay.

Theo Thứ trưởng, thành công của Giải thưởng hôm nay cho thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục và đào tạo với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự hưởng ứng tham gia của đông đảo tác giả cho thấy sự quan tâm của báo chí đối với Giải thưởng “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung.

Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là nhiệm vụ vừa trước mắt vừa lâu dài, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp tuyên truyền của các cơ quan, phóng viên thông tấn báo chí và đội ngũ những người làm báo.

Theo Thứ trưởng Nghĩa, từ sự thành công năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thường niên Giải Báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”. Thứ trưởng mong các bộ ngành quan hữu quan, cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh, truyền hình ở trung ương, địa phương, các phóng viên và những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đồng hành và gửi tác phẩm tham dự để Giải thưởng thực sự là sân chơi bổ ích của những nhà báo, phóng viên đồng hành, sát cánh cùng ngành Giáo dục hàng năm.

Báo chí giúp đỡ cho chủ trương, chính sách thay đổi lớn về giáo dục

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, giáo dục là một trong những lĩnh vực luôn được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, bởi giáo dục tác động tới mọi người, mọi nhà. Theo Bộ trưởng, sự đồng hành của báo chí thời gian qua đã giúp cho những chủ trương, chính sách, thay đổi lớn về giáo dục và đào tạo đến được với dư luận xã hội; trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên; các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được đóng góp ý kiến và cùng tham gia trong quá trình đổi mới.

Tôn vinh những tác phẩm báo chí vì sự nghiệp giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ trao giải.

Bên cạnh sự đồng thuận, những ý kiến phản biện tâm huyết của toàn xã hội thông qua phản ánh của báo chí đã giúp cho ngành Giáo dục kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, quyết sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Báo chí cũng phát hiện, phản ánh và cổ vũ kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt; những tấm gương giáo viên, học sinh đổi mới, sáng tạo không ngừng; những tấm gương giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo vượt qua khó khăn để dạy tốt - học tốt. Hình ảnh đẹp của ngành Giáo dục được lan tỏa trong dư luận xã hội là nhờ phần lớn từ báo chí.

Phía sau mỗi tác phẩm báo chí là sự nỗ lực tìm tòi, là mồ hôi, công sức của những người làm báo. Có nhiều phóng viên báo chí đã gắn bó rất nhiều năm với lĩnh vực giáo dục, có nhiều tác phẩm báo chí đặc sắc, thể hiện được năng lực, trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu về giáo dục và tâm huyết với ngành. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một hình thức tôn vinh hay giải thưởng nào của ngành Giáo dục dành cho những tác giả, tác phẩm như thế.

Tôn vinh những tác phẩm báo chí vì sự nghiệp giáo dục

PV Hà Xuân Cường (thứ 2 bên trái sang).

Là một trong những tác giả trẻ đoạt giả trong cuộc thi này, phóng viên Hà Xuân Cường – Báo Dân trí chia sẻ: “Ban đầu tôi tham gia gửi bài đến cuộc thi cũng chỉ là muốn được học hỏi và được cách bậc lão thành trong làng báo chí đánh giá, nhận xét tác phẩm của mình, với mong muốn nhận được thêm những kinh nghiệm, bài học giúp cho tôi thêm niềm đam mê theo đuổi “nghiệp làm báo”. Nhưng không ngờ bài của mình lọt vào vòng chung khảo và khi Ban tổ chức thông báo tôi có tên trong danh sách tác giả đoạt giải tôi thực sự không tin nổi vào mắt mình nữa”.

“Chính giải thưởng này là động lực để tôi cố gắng và phấn đầu hơn nữa. Và bản thân là phóng viên viết mảng giáo dục tôi tự đặt mục tiêu cho mình phải đi thật nhiều, đến thật nhiều nơi để có thể hiểu được những khó khăn vất vả của các thầy cô ngày đêm đưa con chữ đến với học sinh, những hi sinh thầm lặng của họ”, anh Cường chia sẻ thêm.

Tổng kết cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 43 tác phẩm báo chí xuất sắc. Trong đó: 4 giải A; 8 giải B; 10 giải C; 20 tác phẩm đoạt giải khuyến khích và 1 tác phẩm xuất sắc được chọn từ 4 tác phẩm đoạt giải A và 1 giải về nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.

Tác phẩm chuyện nghề, chuyện đời của những giáo viên vùng cao Tây Bắc của nhóm tác giả Trần Duy Văn, Đỗ Nam Thắng và Lê Đông Hà  - báo Quân đội Nhân dân được chọn là tác phẩm xuất sắc nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôn vinh những tác phẩm báo chí vì sự nghiệp giáo dục