Đó là thông điệp của Tọa đàm “Công chúa Khúc Thị Ngọc - con Đức trị vì Tĩnh Hải Quân Khúc Thừa Dụ” và chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền - Chùa Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi diễn ra sáng 9/12 tại Thường Tín, Hà Nội. Chủ trì và chỉ đạo Tọa đàm có Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết: Những năm qua, huyện Thường Tín luôn chú trọng huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, mà trọng tâm là hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích. Việc tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền chùa Vĩnh Mộ nhằm bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo làm cho cụm di tích ngày càng khang trang, sạch đẹp…
Đồng thời, bảo đảm hài hòa giữa cụm di tích với môi trường xung quanh; Nâng cao nhận thức của nhân dân trong giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, để văn hóa thực trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tọa đàm nhằm tìm ra phương hướng trùng tu, tôn tạo cụm di tích Đền - Chùa Vĩnh Mộ cho xứng đáng, xứng tầm với công lao to lớn của công chúa Khúc Thị Ngọc với huyện Thường Tín. Đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo điều kiện cho nghiên cứu khoa học và phục vụ du khách tham quan di tích…
Khúc Thị Ngọc còn có hiệu là Quỳnh Hoa công chúa, là con gái của Khúc Thừa Dụ, em gái Khúc Hạo. Họ Khúc là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, là thời kỳ tự chủ với sự khởi đầu khôi phục từ Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo.
Họ Khúc là động lực nền tảng cho chế độ quân chủ Việt Nam hình thành và phát triển tiếp nối hơn 10 thế kỷ. Bên cạnh Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo, hình ảnh công chúa Khúc Thị Ngọc đã đi vào tín ngưỡng dân gian được hậu thế tôn thờ, truyền tụng. Cùng với anh trai là Khúc Thừa Hạo, Khúc Thị Ngọc cũng đóng góp công sức trong việc định hướng khai hoang lập ấp, phát triển canh tác, giúp mùa màng bội thu, xóm làng, nhân dân no ấm…
Điểm kết của công chúc Khúc Thị Ngọc được diễn đạt theo mô thức Thánh hóa trong thần tích “Đến lạch nước mát, bà trút bỏ xiêm y tẩy trần và hóa về trời”. Nơi bà hóa, người dân bản địa dựng một ngôi miếu nhỏ thờ phụng, đó chính là tiền thân của ngôi đền thờ công chúa Khúc Thị Ngọc ở Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Với công lao to lớn, hàng năm, vào 15/3 âm lịch, nhân dân thôn Vĩnh Mộ, Hương Cù, Cổ Chất cùng tổ chức Lễ hội tưởng nhớ ơn đức của bà với nhân dân. Tuy nhiên do thời gian, công trình đền công chúa Khúc Thị Ngọc có phần bị xuống cấp, hơn nữa quy mô không tương xứng với công lao, tên tuổi của bà. Ngoài ra, chùa Vĩnh Mộ cũng bị xuống cấp trầm trọng, việc trùng tu tôn tạo cụm công trình đền chùa Vĩnh Mộ là rất cần thiết.
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia, chính quyền địa phương, con cháu họ Khúc… đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo cụm di tích đền chùa Vĩnh Mộ. Các ý kiến khẳng định sự cần thiết của việc tu bổ, tôn tạo di tích, nhằm phát huy giá trị di sản trên cơ sở khoa học, pháp luật.
Đồng thời việc trùng tu, tôn tạo phải hài hòa về kiến trúc, giá trị văn hóa, giữ được giá trị lịch sử, thời đại, thu hút khách tham quan, quy mô công trình làm sao xứng tầm với đóng góp, công lao to lớn của công chúa Khúc Thị Ngọc…
Kết luận và tổng kết Tọa đàm, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh khẳng định những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu… rất có ý nghĩa, đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn, công đức của công chúa Khúc Thị Ngọc trong lịch sử nước nhà.
Trên cơ sở những ý kiến, đóng góp, huyện Thường Tín và chính quyền thôn, xã sẽ triển khai dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền chùa Vĩnh Mộ bề thế, xứng tầm với công đức của bà. Việc triển khai dự án được thực hiện theo đúng quy trình, các khâu, các giai đoạn. Ngoài huy động ngân sách địa phương, huyện cũng kêu gọi huy động ngân sách từ nguồn xã hội hóa.
Bí thư Huyện ủy cũng nhấn mạnh việc triển khai trùng tu cụm di tích nhằm mục tiêu đẩy mạnh xây dựng, phát triển lĩnh vực di tích, phát huy sức mạnh văn hóa, vun đắp lòng tự hào dân tộc, quê hương.
Cụm công trình không chỉ có ý nghĩa lan tỏa giá trị văn hóa trên mảnh đất văn hiến Thường Tín, mà còn là cội nguồn văn hóa của người Hà Nội, niềm tự hào của Việt Nam. Qua đó, góp phần phát huy giá trị lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thu hút du lịch, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế phát triển…