Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa chính thức "đăng đàn" trả lời báo chí xung quanh những thắc mắc của dư luận về vụ án VN Pharma và thông tin loan truyền trên mạng xã hội.
Mặc dù Bộ trưởng đã nói rất rành rõ, phủ nhận hàng loạt những "cáo buộc" của mạng xã hội là vô căn cứ, là bịa đặt, vu khống nhằm bôi xấu cá nhân bà và ngành y tế, thế nhưng nhiều người vẫn không tin.
Tôi thì ngược lại, tôi rất tin Bộ trưởng Tiến.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, Công ty VN Pharma "chỉ là" một công ty nhỏ, trước khi vụ thuốc ung thư giả được phát giác thì Bộ trưởng mới biết đến nó.
Ảnh: Vietnamnet
Nhân đây xin chia sẻ một chút thông tin về VN Pharma.
Được thành lập vào cuối năm 2011 với vốn điều lệ vỏn vẹn 2 tỷ đồng. Ngay trong năm đầu, VN Pharma đạt 7,4 tỷ đồng doanh thu. Năm 2012, doanh thu của VN Pharma tăng vọt lên 328 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 2,2 tỷ đồng. Năm tiếp theo, VN Pharma đạt doanh thu 779 tỷ đồng với hơn 10,6 tỷ đồng lợi nhuận.
Thêm nữa, khi Sở Y tế TP.HCM tổ chức thí điểm đấu thầu thuốc tập trung vào đầu năm 2014, Công ty VN Pharma đã trúng ngay gói thầu giá trị 488 tỷ đồng.
Và thêm nữa, khi việc đấu thầu khiến những "gã khổng lồ" của ngành dược điêu đứng thì dạng "tí hon" như VN Pharma đã trúng thầu vào các bệnh viện trên toàn quốc với 46 mặt hàng trị giá hơn 260 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, VN Pharma trúng thầu hơn 120 tỷ đồng. Đó là chưa kể, "công ty nhỏ" này cũng khuấy đảo khi trúng thầu giá trị lớn tại các bệnh viện Trung ương ở Hà Nội.
Tôi không biết một công ty dược vào hạng "lớn" thì như thế nào, nhưng tôi tin Bộ trưởng Tiến, VN Pharma chỉ là công ty nhỏ không đáng để Bộ trưởng phải quan tâm.
Vì nó là công ty nhỏ nên con trai Bộ trưởng, em chồng Bộ trưởng sao có thể nằm trong ban lãnh đạo của công ty đó được. Tôi suy luận một cách ngây thơ mặc dù Bộ trưởng đã khẳng định "Trong gia đình tôi không ai tham gia vào công ty này cả".
Không chỉ tin vào những phát biểu của Bộ trưởng ở trên mà tôi tin vô điều kiện rằng thông tin VN Pharma tặng Bộ trưởng biệt thự trị giá 60 tỷ đồng cũng là "hoang đường, vớ vẩn". Thậm chí cả nghi vấn, Bộ trưởng can thiệp vào việc đấu thầu thuốc cũng là bịa đặt.
Thực ra đó chỉ là những chuyện lắp ghép vụn vặt, "nghe hơi nồi chõ" của mạng xã hội, Bộ trưởng không nên phiền lòng, cũng không nên mất thời gian truy tìm những kẻ đặt điều ấy làm gì.
Tuy nhiên, thưa Bộ trưởng, tại phiên tòa xét xử mới đây, lãnh đạo của VN Pharma đã khai nhận chi 7,5 tỷ đồng tiền hoa đồng cho các bác sĩ ở bệnh viện để kê thuốc của công ty này cho bệnh nhân. Đây có phải là trách nhiệm của Bộ trưởng?
Bộ trưởng vừa mới chấp bút viết một bài báo với những câu chữ day dứt và đầy thống thiết về việc hành hung bác sĩ với tựa "Áo blouse nhuốm máu" đăng trên tờ Vnexpress. Đúng như Bộ trưởng nói "những thầy thuốc không bao giờ đáng bị đối xử như vậy". Đó là thứ tệ nạn cần phải ngăn chặn để "thầy thuốc không tấc sắt trong tay" (lời của Bộ trưởng Tiến) yên tâm cứu chữa người bệnh.
Thưa Bộ trưởng, "thầy thuốc không có tấc sắt trong tay" nhưng nắm sinh mệnh của người bệnh trong tay. Và những sinh mệnh đang lay lắt bởi hàng chục thứ bệnh, đặc biệt là ung thư đã phải cay đắng, bòn rút từng đồng đến mức khánh kiệt để duy trì sự sống.
Thông tin của lãnh đạo VN Pharma khai trước Tòa về việc chi hoa hồng 7,5 tỷ đồng cho bác sĩ để kê thuốc khiến dư luận bất bình. Tôi không thể tưởng tượng, nếu 9.300 hộp thuốc ung thư giả của VN Pharma lọt vào viện và được kê cho bệnh nhân ung thư thì chuyện gì sẽ xảy ra. Những người dân bất hạnh ấy cũng không bao giờ đáng bị đối xử như vậy, thưa Bộ trưởng.
Một nhà văn đã viết, áo blouse không chỉ nhuốm máu mà còn nhuốm mủ, mủ của những khối u vỡ ra từ thân thể của những bệnh nhân ung thư. Đau đớn lắm.
Thế nhưng không vì thế mà tôi không tin lời Bộ trưởng nói. Tôi tin Bộ trưởng nhưng lại không thể tin vào suy nghĩ của chính mình.
Cuối cùng, tôi tin Bộ trưởng đã làm hết khả năng và trách nhiệm của một người đứng đầu ngành y tế. Kết quả như thế nào hẳn là Bộ trưởng là người thấy rõ nhất.