Xã hội

Tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng, với nhiều hình thức trá hình

Dương Thảo (Thực hiện) 15/12/2023 - 18:26

Nạn mua bán người với những nỗi đau, hậu quả dai dẳng ảnh hưởng đến cuộc sống của nạn nhân và người thân của họ là vấn đề chưa bao giờ hết nhức nhối. Để hạn chế, loại bỏ tệ nạn này, cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, thay đổi chính sách cho phù hợp, thích nghi với diễn biến phức tạp của tệ nạn trong giai đoạn hiện nay.

Để làm rõ hơn những nội dung này, PV Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).

1(4).jpg
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

PV: Hiện nay, tình trạng mua bán người trái phép diễn biến rất phức tạp trên phạm vi cả nước, với nhiều loại hình thủ đoạn, tinh vi. đánh giá như thế nào vấn đề này?

Bà Nguyễn Thùy Dương: Tình hình tội phạm về mua bán người ở nước ta thời gian qua diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước với nhiều hình thức trá hình như: cho và nhận con nuôi; lao động việc nhẹ, lương cao… Đối tượng phạm tội hầu hết các độ tuổi, trình độ văn hóa thấp, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, là người thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, hiểu phong tục, tập quán của người dân. Nhiều người từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về Việt Nam thăm thân nhân đã cấu kết với các đối tượng để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc, đặc biệt có những vụ cả người thân trong gia đình.

Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức như: tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi… Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê… Trước đây, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, hiện nay nạn nhân tội phạm nhắm tới có cả nam giới và trẻ sơ sinh…

2147893_479e067270291e3abddedbdd94065f58.jpg
Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. Ảnh Minh Hiền

PV: Luật Phòng, chống mua bán người (PCMBN) có hiệu lực từ 2012 đến nay đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong quá trình xác định và hỗ trợ nạn nhân. Vậy, theo bà cần thay đổi, điều chỉnh quy định mới liên quan đến việc xác định, hỗ trợ nạn nhân như thế nào?

Bà Nguyễn Thùy Dương: Luật PCMBN có hiệu lực thi hành từ 01/01/2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức cảnh giác và kỹ năng phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa mua bán người nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn như tôi đã nói, hiện nay, phương thức thủ đoạn phạm tội của tội phạm mua bán người rất tinh vi, phạm tội có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán. Trong khi đó, luật hiện hành còn chồng chéo, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Lấy ví dụ, trước đây các đối tượng tội phạm phải trực tiếp về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng cao... tìm kiếm “con mồi” và tìm cách đưa ra thành thị bán vào nhà hàng, quán karaoke, cà phê trá hình hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc bán sang nước ngoài. Ngày nay, các đối tượng chỉ cần sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook… để kết nối, dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi, mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.

Bên cạnh đó, hiện có một số quy định chưa thống nhất giữa pháp luật Việt Nam và quốc tế. Ví dụ, theo định nghĩa về “buôn bán người” tại Điều 3, Nghị định thư Palermo về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc, chỉ cần một trong các hành vi vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột sẽ cấu thành tội buôn bán người. Trong khi tại các Điều 150, 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), để cấu thành tội “mua bán người”, “mua bán người dưới 16 tuổi” cần phải có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người; việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người chỉ cấu thành tội “mua bán người", “mua bán người dưới 16 tuổi” nếu như nhằm thực hiện các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người.

Như vậy, khái niệm “mua bán người” theo quy định của pháp luật Việt Nam và Nghị định thư nêu trên còn khác biệt dẫn đến khó khăn trong việc xác định nạn nhân trong các vụ án. Nhiều trường hợp phía nước ngoài xem là nạn nhân bị mua bán theo phán quyết của Tòa án, nhưng quy định của luật pháp Việt Nam thì chưa đủ cơ sở xác định nạn nhân như đối với các trường hợp ngư dân Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ ở vùng biển của họ và xem là nạn nhân bị mua bán trên tàu cá…

tayninh.jpg
Hai nữ nạn nhân tại Tây Ninh kể lại quá trình bị bán qua tay nhiều người trước khi được lực lượng chức năng giải cứu.

PV: Hiện việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hiện nay được cho là khó áp dụng. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thùy Dương: Luật Trợ giúp pháp lý ban hành năm 2006 không quy định nạn nhân bị mua bán là đối tượng được trợ giúp pháp lý, nhưng khi Luật Phòng chống mua bán người ban hành năm 2011 có quy định nạn nhân bị mua bán được tư vấn pháp luật để phòng ngừa mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý về thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và thủ tục pháp lý khác liên quan đến việc mua bán người (Điều 36 Luật PCMBN). Tuy nhiên, theo Điều 7, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, thì nạn nhân thuộc trường hợp có khó khăn về tài chính mới được trợ giúp pháp lý.

Mặc dù đã có những quy định tố tụng đặc biệt nhằm bảo vệ những nạn nhân là người chưa thành niên, ví dụ như quy định việc triệu tập, lấy lời khai của người bị hại dưới 16 tuổi phải có sự tham gia của cha mẹ, người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy cô giáo hoặc những đối tượng này có thể yêu cầu Tòa án xử kín... Tuy nhiên, những quy định đó được cho là chưa đủ để bảo vệ những người chưa thành niên là nạn nhân bị mua bán, do thiếu các biện pháp như cách ly nạn nhân và bị can, bị cáo trong quá trình lấy lời khai và xét xử tại tòa. Chưa chú ý đúng mức đến quyền được đòi bồi thường của nạn nhân. Mặc dù theo tinh thần của các Điều 3 và Điều 23 Luật PCMBN, người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường nhưng những quy định này còn quá khái quát.

capture(1).png
Những nạn nhân của nạn buôn người rất cần sự giúp đỡ của gia đình và toàn xã hội.

Từ tính chất quan trọng của vấn đề và để tương thích với Điều 6 khoản 6 Nghị định thư Palermo về quyền được đòi bồi thường của nạn nhân, cần thiết phải có một quy định trong Luật PCMBN trong đó nêu rõ rằng nạn nhân bị mua bán có quyền nộp đơn kiện lên Tòa án dân sự để đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, hoặc có thể yêu cầu Tòa án (trong các vụ án hình sự) buộc bị cáo phải bồi thường những thiệt hại đó. Luật PCMBN hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành luật này cũng cần nêu rõ những chi phí mà nạn nhân có quyền được đòi bồi thường, ví dụ như các khoản tiền đã đóng cho thủ phạm (dịch vụ phí, phí môi giới..); chi phí điều trị y tế, kể cả về thể chất và tâm thần; chi phí để phục hồi sức khỏe; thiệt hại về lương và thu nhập; chi phí mà người thân của nạn nhân đã phải bỏ ra để tìm kiếm nạn nhân… cùng những chi phí thực tế và hợp lý khác phát sinh một cách trực tiếp hay gián tiếp từ việc bị mua bán.

Về cơ quan được giao trách nhiệm quyết định hỗ trợ cho nạn nhân Điều 39, Luật PCMBN quy định Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân; phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân. Trong khi, Điều 23, Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định, gây khó khăn cho địa phương thực hiện.

PV: Bà đánh giá thế nào về hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về?

Bà Nguyễn Thùy Dương: Nhìn chung hệ thống cung cấp dịch vụ hiện chưa đảm bảo tính sẵn có, dễ tiếp cận; chất lượng cung cấp dịch vụ có nơi chưa đảm bảo theo yêu cầu; tỷ lệ các nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ còn thấp. Để đa dạng hóa, cũng như nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân phù hợp với đặc điểm của nạn nhân.

Hiện nay cũng chưa có quy định cho việc hỗ trợ nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội. Thực tế tại đồn biên phòng, cơ sở trợ giúp xã hội, quá trình tiếp nhận nạn nhân là người dân tộc, người nước ngoài nhưng cán bộ không biết tiếng dân tộc, ngoại ngữ....

Pháp luật quy định nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong thời gian cư trú tại cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân, vì vậy, những nạn nhân không vào cư trú tại các cơ sở thì không được hỗ trợ về tâm lý và y tế, mặc dù nhiều người trong số họ cũng có nhu cầu được hỗ trợ những dịch vụ này. Trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân cũng khó thực hiện do yêu cầu nạn nhân là hộ nghèo, nhưng do nạn nhân đi lâu năm không có mặt ở địa phương không còn hộ khẩu, nên rất khó xác định hộ nghèo để nhận được hỗ trợ ban đầu....

PV: Theo bà, dán Luật PCMBN (sửa đổi) tới đây cần thay đổi như thế nào? Bộ LĐTBXH đưa ra khuyến nghị gì nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người trong bối cảnh mới?

Bà Nguyễn Thùy Dương: Tôi cho rằng, từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cần tập trung nghiên cứu tháo gỡ một số vấn đề.

Một là, bổ sung khái niệm “mua bán người” phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân như quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật PCMBN (sửa đổi) tại dự thảo Tờ trình, đề nghị không đồng nhất việc xác định nạn nhân với xác định bị hại trong các vụ án hình sự về tội phạm mua bán người; đề nghị mở rộng căn cứ xác định nạn nhân theo hướng chỉ cần 01 trong 05 hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ để xác định nạn nhân. Các căn cứ này không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật về hình sự mà còn các dấu hiệu về thể chất, tinh thần, thời gian rời khỏi nơi cư trú... cũng cần được coi là căn cứ để xác định nạn nhân.

capture1.png
Một phiên tòa xét xử bị cáo liên quan đến tội buôn người.

Hai là, bổ sung thẩm quyền xác định nhanh nạn nhân cho các cơ quan thực hiện việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (cơ quan Ngoại giao, LĐTBXH) khi có đủ căn cứ xác định nhằm đảm bảo xác định và hỗ trợ nạn nhân một cách kịp thời và hiệu quả.

Ba là, về chính sách hỗ trợ nạn nhân và người đang trong quá trình xác minh, xác định nạn nhân, ngoài việc bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân ở các giai đoạn dựa vào nhu cầu và điều kiện cụ thể thì cân nhắc đối tượng như bổ sung quy định về đối tượng là người nước ngoài bị mua bán ở nước ngoài và trao trả qua Việt Nam; bổ sung quy định bố trí chỗ ở tạm thời/cho phép lưu trú đối với người nước ngoài là nạn nhân bị mua bán tại Việt Nam, để phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bổ sung quy định nạn nhân bị mua bán nếu có nhu cầu vay vốn thì được hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngoài ra, để bảo đảm các điều kiện hỗ trợ nạn nhân phù hợp với mụa tiêu “lấy nạn nhân làm trung tâm” các dịch vụ, điều kiện bảo đảm cung cấp dịch vụ kịp thời, bảo đảm tính sẵn có, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để cung cấp một hoặc một số dịch vụ cung cấp nơi ở và đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý; pháp lý; dạy nghề; việc làm….

Hiện công tác hỗ trợ nạn nhân nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế qua việc xây dựng, thí điểm các mô hình trong Chương trình mục tiêu đã được thành lập như: Ngôi nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) tại TP Hà Nội và TP Cần Thơ; một số địa phương xây dựng Nhà tạm lánh tiếp nhận nạn nhân tại các đồn cửa khẩu biên phòng ở Đồng Tháp, Lạng Sơn; Nhà Nhân ái tại tỉnh Lào Cai với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tại Hà Nội và một số tổ chức quốc tế khác đóng vai trò tích cực giúp nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng, với nhiều hình thức trá hình