"Tôi là ai" trong thế giới phẳng?

Nhật Minh| 15/06/2016 06:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong một thế giới năng động và toàn cầu hóa, một thế giới phẳng, bạn sẽ định vị bản thân, trả lời câu hỏi "Tôi là ai?" bằng cách nào?

Mới đây, tại Hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, một trong những thách thức lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chính là khả năng sử dụng tiếng Anh.

Thế nhưng, ngay từ đầu những năm 1990, Việt Nam đã bắt đầu quá trình tham gia vào nền kinh tế thế giới; và trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/1/2007… Như vậy, mặc dù đã hơn chục năm qua, kể từ khi nước ta gia nhập WTO, gia nhập sân chơi kinh tế chung toàn cầu, khi mà Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2015, thì tiếng Anh cho đến nay lại vẫn bị xem là trở ngại chính cho nguồn nhân lực nước nhà?!

Thời TPP, giao tiếp tiếng Anh là yếu tố "cần" và "buộc" phải có, nếu muốn đi tới thành công.

Phao thi “I em ti chờ”, chứng chỉ chờ hỏi ông… Google

Trong loạt bài thâm nhập đường dây mua chứng chỉ tiếng Anh tại một tỉnh nọ đã hé lộ phao thi bá đạo của giáo viên tỉnh này.

“Mai nêm i Yến. Ai am thớt ti mai dia âu. Ai am ơ tít chờ. Ai guốc ất Ninh Khang se cừn a ri scun. Ai have bin tít chinh pho phíp tin phai dia”... “Mai nêm i Yến. Ai am thớt ti mai dia âu. Ai am ơ tít chờ. Ai guốc ất Ninh Khang se cừn a ri scun. Ai have bin tít chinh pho phíp tin phai dia".

Với những người tiếng Anh “a bờ cờ”, chắc đọc những dòng kể trên cũng sẽ bị… tẩu hỏa nhập ma. Nhưng phao thi này sẽ giúp những người đang cần “chuẩn hóa chứng chỉ Anh ngữ” đỗ chắc 100% (vì đã có “phí đỗ” đi kèm trước đó) (?).

Lại nữa, còn nhớ hồi ở cùng phòng với những sinh viên khối A, mỗi lần đến kỳ thi tiếng Anh, nghe họ đọc mà các em cấp 3 chuyên ngữ phải phì cười, rồi nhại đi nhại lại giọng đọc tiếng Anh ngô nghê, ngờ nghệch của các anh chị sắp trở thành tân cử nhân.

Hay như vừa mới đây, một trường THCS buộc phải thu hồi giấy khen song ngữ và xin lỗi học sinh, phụ huynh chỉ vì… dịch sang tiếng Anh sai.

Hoặc xem những phần phụ lục hoặc các bản tóm tắt luận án tiến sĩ (bằng tiếng Anh) thì chao ơi, “không thể hiểu nổi sao họ có thể làm như vậy khi mà sẽ được phong học hàm, học vị cao siêu như thế”, sinh viên năm hai một trường ngoại ngữ cảm thán.

Thời đại công nghệ thông tin, ngoài các phần mềm hỗ trợ dịch thuật (nổi tiếng như Lạc Việt), các trang tra từ điển online, thì Google Translate hiện được coi là “cứu cánh” cho nhiều sinh viên, biên tập viên, thậm chí biên dịch viên của nhiều trang tin điện tử. Tuy nhiên, thay vì chỉ xem như công cụ hỗ trợ, có người copy nguyên xi “vứt” lên các website bằng tiếng Anh. Thậm chí, một số trung tâm dịch thuật còn đặt câu hỏi: “Tại sao các bạn khi xin làm cộng tác viên dịch thuật của trung tâm, lại có thể dùng Google dịch, và trả bài chúng tôi như vậy?”, v.v… 

Bạn là ai trong thế giới phẳng?

Định vị bản thân trong thế giới phẳng bằng ngôn ngữ của thế giới

Tại hội thảo nói trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay phải đặt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN. Nói một cách đơn giản, và theo đúng ngôn ngữ của thời đại công nghệ số, TPP sẽ làm cho khu vực Thái Bình Dương trở nên phẳng hơn và công bằng hơn trong giao thương.

Trong khi, với việc hội nhập quốc tế, tiếng Anh không còn là yếu tố “cộng điểm” mà là tiêu chí quan tâm hàng đầu của cộng đồng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thành công của nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận xét của TS. Choltis Dhirathiti, Phó Giám đốc Điều hành AUN (ASEAN University Network),  thách thức của hội nhập quốc tế đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lại chính là việc giao tiếp - mà cụ thể là giao tiếp bằng tiếng Anh.

Tại hội thảo “Định vị bản thân, làm chủ cuộc đời” do Langmaster tổ chức, TS. Lê Thẩm Dương đã khẳng định vai trò của ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập. Theo ông, để tạo mối quan hệ, tạo sự hiểu biết với những con người đến từ khắp nơi trên thế giới bạn phải có vốn ngoại ngữ tốt. 

“Học ngoại ngữ là một trong những cách quan trọng để bạn định vị bản thân trong quá trình thế giới hội nhập. Hiểu được ngôn ngữ chung của toàn thế giới bạn sẽ phá tan được những rào cản về văn hóa, phong tục tập quán trên thế giới", TS. Lê Thẩm Dương khẳng định.

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi

Vậy làm sao để định vị bản thân, làm chủ cuộc đời? Khi mà trong số chúng ta còn có những người nghĩ rằng, tôi dân khối A, tôi đã già, tôi đi đâu cũng có phiên dịch… tôi không cần học tiếng Anh v.v… và v.vv… thì chắc chắn cánh cửa hội nhập sẽ khó mà có thể mở toang.

Dưới đây là một câu chuyện đáng suy ngẫm của Võ Thị Mỹ Linh, người sáng lập và điều hành tổ chức phi chính phủ Volunteer House Vietnam, được biết đến là một trong số ít những người may mắn sống sót sau trận bão tuyết lịch sử của Nepal hồi tháng 10/2014.

Trong một bài báo, khi chia sẻ về dự án dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, Linh thẳng thắn: “Ở thời đại này, ai cũng cần được phổ cập tiếng Anh, người nghèo lại càng cần biết tiếng Anh để hiểu biết sâu hơn về thế giới văn minh, về những điều rất cơ bản trong văn hóa giao tiếp và phép lịch sự giữa người với người”.

Võ Thị Mỹ Linh, người sáng lập và điều hành tổ chức phi chính phủ Volunteer House Vietnam. Ảnh: Đẹp

Cô nói thêm: “Không ít phụ nữ Việt Nam làm lụng quần quật, quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn bị chồng coi khinh, thậm chí đánh đập. Mẹ tôi cũng từng bị chồng ngược đãi nhưng không dám ly hôn chỉ vì thấy những người phụ nữ khác xung quanh cũng phải chịu đựng như mình…”

Kể từ lúc biết tiếng Anh và hiểu về thế giới, Linh nghĩ, nếu mẹ của Linh và nhiều phụ nữ khốn khổ khác cũng biết tiếng Anh, thì họ sẽ có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua sách vở, báo đài… và họ có thể “hiểu thế nào là văn minh, là quyền bình đẳng giới”.

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. “Muốn định vị bản thân, làm chủ cuộc đời, các bạn hãy bắt đầu thay đổi từ chính trong nhận thức, tư duy của mình. Tiếng Anh là một trong những chìa khóa, là cánh cửa giúp bạn đi tới thành công”, một giáo sư Sử học chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tôi là ai" trong thế giới phẳng?