Toàn văn Tuyên bố Brasilia của Thẩm phán về Tư pháp nước

05/04/2018 17:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý trân trọng giới thiệu Toàn văn Tuyên bố Brasilia của Thẩm phán về Tư pháp nước.

TUYÊN BỐ BRASILIA CỦA THẨM PHÁN VỀ TƯ PHÁP NƯỚC
Tuyên bố 10 nguyên tắc tại Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 8

Nhận lời mời của Tòa án tối cao Brazil, Đoàn công tác TANDTC do Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 8, được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 23/3/2018 tại thủ đô Brasilia của Brazil. Diễn đàn Nước thế giới được tổ chức theo nhiều chủ đề, trong đó có Hội nghị dành riêng cho Thẩm phán và Công tố viên.

Hội nghị Thẩm phán và Công tố viên đã thành công tốt đẹp, đặc biệt là việc ra Tuyên bố Brasilia của Thẩm phán về tư pháp nước. Đây là văn kiện bao trùm các vấn đề pháp lý, tư pháp liên quan đến nước, môi trường và phát triển bền vững.

Toàn văn Tuyên bố Brasilia của Thẩm phán về Tư pháp nước

Phó Chánh án TANDTC tham gia đồng chủ trì một phiên họp tại Hội nghị

Báo điện tử Công lý trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố.

Chúng tôi, các Thẩm phán, người phụ trách công lý về nước và xét xử các vụ việc liên quan đến sử dụng, quản lý và bảo vệ tất cả các dạng tài nguyên nước ngọt; bảo đảm việc tiếp cận bình đẳng các dịch vụ về nước và vệ sinh; tác động của các hoạt động của con người đến nguồn nước và môi trường và việc phục hồi các chức năng của hệ sinh thái.

Nhận thức được rằng nguồn nước ngọt đang nhanh chóng trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu. Theo dự báo, nhu cầu về nước trên toàn cầu vào năm 2030 sẽ tăng gấp đôi vào năm 2005 và sẽ vượt 40% so với nguồn cung.

Nhận thức được rằng cuộc khủng hoảng nước sắp xảy ra, do tác động của biến đổi khí hậu lên vòng tuần hoàn nước và sự sẵn có của nguồn nước để đáp ứng nhu cầu của xã hội và của môi trường, cũng là một cuộc khủng hoảng về quản trị và công lý.

Nhận thức được rằng thiệt hại đối với tài nguyên nước và hệ sinh thái liên quan và sự thiếu hụt của các quy định liên quan đến nước tác động không cân đối đến những người và nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật, người dân bản địa và các nhóm dân tộc thiểu số; và sự cần thiết phải giảm thiểu những tác động này.

Ghi nhận tầm quan trọng của vòng tuần hoàn nước đối với hoạt động sinh thái; sự liên kết của các hệ thống nước ngầm và nước mặt; và tầm quan trọng của việc tiếp cận các thách thức về nước ở cấp độ đầu nguồn.

Xem xét thực tế là nguồn nước ngọt là một thành phần quan trọng của tất cả các hệ sinh thái dưới nước và trên mặt đất và thực tế, hệ sinh thái cung cấp một loạt các nhu cầu thiết yếu cho sự sống.

Nhấn mạnh vai trò chính của nguồn nước trong việc duy trì và vận hành các hệ sinh thái quan trọng, cung cấp các nhu cầu thiết yếu vì lợi ích của nhân loại và mọi người.

Quan tâm đến nhu cầu cấp bách cần bảo vệ môi trường liên quan đến tài nguyên nước, với nhận thức rằng có sự phụ thuộc hoàn toàn của con người vào nước để tồn tại, bao gồm sinh học, sinh thái, xã hội, kinh tế và văn hoá.

Nhận thức rằng các hành động có tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với nước, tài nguyên nước hoặc các hệ sinh thái liên quan mà lợi ích thu được không tương xứng thì phải bị nghiêm cấm.

Dự đoán vai trò quan trọng của việc quản lý tài nguyên nước hiệu quả trong thích ứng xã hội với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Nhận thức được rằng việc sử dụng trong nước cần được ưu tiên hơn các mục đích sử dụng khác trong việc cấp nước.

Tôn trọng tầm quan trọng của kiến thức và văn hoá bản địa và sự đóng góp của họ đối với việc sử dụng nước bền vững.

Thừa nhận sự đóng góp của người dân miền núi và người dân sống trên các khu vực nước đầu nguồn trong việc quản lý việc che phủ thực vật và duy trì vòng tuần hoàn nước.

Nhận thức được rằng quyền sống, sức khoẻ và mức sống phù hợp là trọng tâm của tất cả các hệ thống pháp luật và được công nhận theo Công ước quốc tế về quyền con người; và rằng, nước và các hệ sinh thái liên quan là rất quan trọng để thực hiện các quyền đó.

Xác nhận sự tin tưởng của công chúng vào hệ thống tòa án để bảo vệ và thực hiện quyền con người nói chung, quyền con người về nước và vệ sinh nói riêng, cũng như việc duy trì, bảo vệ tài nguyên nước.

Khẳng định rằng pháp luật về nước và luật pháp về môi trường là rất cần thiết để bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái.

Nhận thức được sự đóng góp quan trọng của cộng đồng pháp lý trên toàn thế giới đối với việc thực thi các tiêu chuẩn và biện pháp bảo vệ môi trường bền vững.

Đồng thời nhận thức được sự vai trò của các thẩm phán đối với việc áp dụng, thực thi pháp luật về nước và môi trường một cách độc lập và vô tư; từ đó, để độc lập tư pháp và liêm chính các cơ quan của chính phủ, xã hội dân sự và cộng đồng kinh doanh tôn trọng và bảo vệ.

Thuyết phục rằng thiếu kiến thức, kỹ năng và thông tin có liên quan đến pháp luật về nước và môi trường là một yếu tố chính làm cho việc triển khai, xây dựng và thực thi luật về nước và môi trường thiếu hiệu quả.

Nhận thức được vai trò của nước trong việc duy trì cuộc sống và hệ sinh thái, và tầm quan trọng của việc phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau của nước và các yếu tố khác của môi trường tự nhiên, đặc biệt là đất đai, các tầng đất đai và rừng, trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến nước và quản lý công lý nước.

Tái khẳng định các giá trị và nguyên tắc được ghi trong Tuyên bố Stockholm về Môi trường Con người (1972), Hiến chương Thế giới về Thiên nhiên (1982), Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển và Chương 18 của Chương trình 21 (1992), Hiến chương Trái đất (2002), Các nguyên tắc Johannesburg về vai trò của pháp luật và phát triển bền vững được thông qua tại Hội nghị chuyên đề Thẩm phán Toàn cầu (2002), tài liệu kết quả của Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững "Tương lai chúng ta muốn" (2012), Tuyên bố Rio + 20 về Tư pháp, Quản trị và Pháp luật về môi trường bền vững (2012), Dự thảo Công ước quốc tế về môi trường và phát triển (2015), Các nguyên tắc của OECD về Quản lý Nước (2015), Các nguyên tắc Oslo về các nghĩa vụ toàn cầu đối với thay đổi khí hậu (2015), Dự thảo Công ước quốc tế về Quyền con người đối với Môi trường (2016) và Tuyên bố Thế giới IUCN về pháp quyền về Môi trường (2016) và dự thảo Công ước toàn cầu về môi trường (2017).

Quan tâm đến các giá trị và cam kết được phản ánh trong "Chuyển đổi thế giới: Chương trình 2030 về Phát triển Bền vững" (2015), và đặc biệt là Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 6 "Đảm bảo nguồn cung và quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người" và các mục tiêu phát triển bền vững khác có liên quan đến nước.

Toàn văn Tuyên bố Brasilia của Thẩm phán về Tư pháp nước

Chánh án Tòa án tối cao Brazil Carmen Lucia phát biểu tại Hội nghị

Hoan nghênh việc thành lập Viện Tư pháp Toàn cầu về Môi trường và vai trò của nó trong việc hỗ trợ áp dụng và thực thi luật pháp về môi trường, đặc biệt đối với nước một cách độc lập.

I - CHÚNG TÔI ĐỒNG Ý TUÂN THEO 1O NGUYÊN TẮC CƠ BẢN SAU ĐÂY TRONG VIỆC THÚC ĐẨY TƯ PHÁP VỀ NƯỚC THÔNG QUA VIỆC ÁP DỤNG PHÁP QUYỀN NƯỚC VÀ MÔI TRƯỜNG

Nguyên tắc 1 - Nước là một tài sản cộng đồng

Nhà nước nên quản lý tất cả các nguồn nước và bảo vệ chúng, kết hợp với các chức năng sinh thái liên quan, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai và của cộng đồng sự sống trên trái đất.

Nguyên tắc 2 - Tư pháp về nước, Sử dụng đất và Chức năng sinh thái của tài sản

Do mối liên hệ chặt chẽ giữa đất, nước và các chức năng sinh thái của tài nguyên nước, bất kỳ ai có quyền hoặc lợi ích để sử dụng tài nguyên nước hoặc đất đai đều có nghĩa vụ duy trì các chức năng sinh thái và tính toàn vẹn của tài nguyên nước và hệ sinh thái liên quan.

Nguyên tắc 3 - Công lý nước và các quyền của người bản địa, các bộ lạc, người dân miền núi và người dân sống trên các khu vực nước đầu nguồn

(a) Quyền và mối quan hệ giữa các dân tộc bản địa và bộ tộc với nguồn nước theo truyền thống hoặc theo phong tục và hệ sinh thái liên quan phải được tôn trọng; mọi hoạt động ảnh hưởng đến tài nguyên nước và các hệ sinh thái liên quan phải được thông báo trước và phải được sự đồng ý của họ.

(b) Ghi nhận sự đóng góp của người dân miền núi và người dân sống trên các khu vực nước đầu nguồn trong việc bảo tồn các chức năng sinh thái, tuần hoàn nước, tính toàn vẹn của tài nguyên nước và các hệ sinh thái liên quan tại các lưu vực sông, nên phải xây dựng và thực hiện các cơ chế phù hợp để khuyến khích và tạo thuận lợi cho người dân thực hiện việc bảo tồn đó.

Nguyên tắc 4 - Tư pháp Nước và sự ngăn ngừa

Để tránh các biện pháp tốn kém để phục hồi, xử lý hoặc phát triển các nguồn nước mới hoặc các hệ sinh thái liên quan đến nước, việc ngăn ngừa nguy hại đến tài nguyên nước và các hệ sinh thái liên quan cần được ưu tiên theo nguyên tắc “phòng hơn chống”.

Nguyên tắc 5 - Tư pháp nước và sự thận trọng

Nguyên tắc thận trọng nên được áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp liên quan đến nước. Khi có nghi ngờ bất kỳ yếu tố nào có thể gây tác hại đến nguồn nước, sức khỏe con người hoặc môi trường, Tòa án cũng cần áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết dựa trên các bằng chứng khoa học sẵn có tốt nhất.

Nguyên tắc 6 - Khi có nghi ngờ, ưu tiên tự nhiên

Phù hợp với nguyên tắc In Dubio Pro Natura (tiếng Latinh, có nghĩa là Khi có nghi ngờ, ưu tiên tự nhiên). Theo đó, đối với những tranh chấp về nước và môi trường khi đưa ra giải quyết tại tòa án, trong trường hợp không chắc chắn, thì pháp luật áp dụng phải được giải thích theo cách có lợi nhất để bảo vệ và bảo tồn tài nguyên nước và các hệ sinh thái có liên quan.

Nguyên tắc 7 - Gây ô nhiễm phải đền bù, người dùng chi trả và sự chuyển tiếp nghĩa vụ đối với môi trường

Các yếu tố môi trường nên được bao gồm trong đánh giá và định giá tài nguyên nước và các dịch vụ có liên quan, bao gồm:

(a) Người gây ô nhiễm phải trả - những người gây ô nhiễm nguồn nước và suy thoái hệ sinh thái phải chịu chi phí ngăn chặn, tránh, giảm bớt và quản lý để ngăn ngừa nguy hại cho sức khoẻ con người hoặc môi trường và khắc phục những thiệt hại đó,

(b) Người sử dụng trả tiền - người sử dụng tài nguyên nước và các dịch vụ có liên quan phải trả giá hoặc phí dựa trên toàn bộ vòng đời của chi phí cung cấp tài nguyên nước và các dịch vụ của họ, bao gồm việc sử dụng tài nguyên nước và việc thải bỏ bất kỳ chất thải, và

(c) Nghĩa vụ chuyển tiếp - nghĩa vụ pháp lý để khôi phục các điều kiện sinh thái của tài nguyên nước và các dịch vụ của họ có tính ràng buộc đối với tất cả chủ sở hữu, người chiếm dụng và sử dụng tài nguyên nước, không phụ thuộc vào việc chuyển giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu đối cho người khác (nghĩa vụ propter rem).

Nguyên tắc 8 - Tư pháp về nước và Quản trị nước tốt

Phù hợp với vai trò thích hợp của một cơ quan tư pháp độc lập trong việc duy trì và thực thi pháp quyền, đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính trong quản trị, việc ban hành và thực thi hiệu quả pháp luật về nước là rất quan trọng trong việc bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên nước và các hệ sinh thái có liên quan.

Nguyên tắc 9 - Tư pháp Nước và Hội nhập Môi trường

Các vấn đề về môi trường và hệ sinh thái nên được lồng ghép vào việc áp dụng và thực thi luật về nước. Khi xét xử các vụ án về nước và hoặc liên quan đến nước, các thẩm phán nên lưu ý đến mối liên hệ thiết yếu và không thể tách rời của nước với môi trường và sử dụng đất, không được coi các yếu tố trên tồn tại một cách độc lập, tách rời.

Nguyên tắc 10 - Tố tụng Tư pháp về Nước

Các thẩm phán phải cố gắng đạt được quy trình pháp lý về nước bằng cách đảm bảo rằng các cá nhân sẽ được tiếp cận các thông tin về nguồn nước và các dịch vụ do các cơ quan nhà nước nắm giữ, có cơ hội tham gia vào quy trình ban hành chính sách và tiếp cận có hiệu quả các hoạt động tố tụng tư pháp và hành chính, cũng như các biện pháp khắc phục thích hợp.

Toàn văn Tuyên bố Brasilia của Thẩm phán về Tư pháp nước

Quang cảnh hội nghị

II - CHÚNG TÔI NHẬN THỨC ĐƯỢC tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng pháp luật về nước và môi trường là quan trọng và nổi bật trong các chương trình học, nghiên cứu pháp luật và đào tạo ở tất cả các cấp, đặc biệt là giữa các thẩm phán và những người khác tham gia tố tụng tư pháp.

III - CHÚNG TÔI CÓ QUAN ĐIỂM RÕ RÀNG rằng cần phải tăng cường năng lực của các Thẩm phán, luật sư và tất cả những người đóng vai trò quan trọng ở cấp quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương trong quá trình xây dựng, thực hiện và thi hành pháp luật về nước và môi trường, đặc biệt là thông qua tố tụng tư pháp.

IV - CHÚNG TÔI KHUYẾN KHÍCH sự hợp tác giữa các thành viên của cơ quan Tư pháp và những người khác tham gia vào quá trình xét xử trong phạm vi một quốc gia cũng như đa quốc gia. Điều này là cần thiết để đạt được một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện và thực thi pháp luật về nước và môi trường.

V - CHÚNG TÔI THỪA NHẬN vai trò của pháp luật về nước để: (a) tiến bộ, thường xuyên được sửa đổi, nâng cao và tiếp tục được cập nhật, nhằm bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên nước và các hệ sinh thái liên quan dựa trên các nghiên cứu khoa học mới nhất và các giá trị đạo đức, và (b) không thoái lui, bằng cách cho phép hoặc theo đuổi các hành động làm giảm sự bảo vệ hợp pháp của tài nguyên nước và các hệ sinh thái có liên quan.

VI - CHÚNG TÔI ĐỀ NGHỊ Viện Tư pháp toàn cầu về Môi trường thông qua Tuyên bố này.

(Thông báo miễn trừ trách nhiệm) Tuyên bố này được trình bày tại Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 8, tổ chức tại Brasilia từ 18-23/03/2018. Bản tuyên bố này nhằm phản ánh và tổng hợp các thảo luận về quan điểm của những người tham gia các Cuộc họp cấp cao, tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazil) vào ngày 08/12/2017 và Hội nghị các Thẩm phán và Công tố viên về Công lý Nước từ ngày 19-21/03/2018. Tuyên bố này không phải là kết quả chính thức dựa trên đàm phán và không phản ánh quan điểm của bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức, hoặc quốc gia nào có mặt tại Diễn đàn. Đây cũng không phải là quan điểm riêng của bất kỳ Thẩm phán hoặc thành viên nào của Viện Tư pháp toàn cầu về Môi trường và Ban chỉ đạo Ủy ban Thế giới về luật môi trường (WCEL)./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Toàn văn Tuyên bố Brasilia của Thẩm phán về Tư pháp nước