Theo kế hoạch, ngày 31/3 và 1/4/2016, TANDTC Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh.
Để chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị này, ngày 17/3/2016, TANDTC tổ chức Tọa đàm “Hội nhập ASEAN và hài hoà hóa tư pháp trong các nước ASEAN”.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi Tọa đàm
Tham dự buổi Tọa đàm có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC; Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; các Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hạnh, Tống Anh Hào; Thẩm phán TANDTC; các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; Ban tổ chức Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4… Đồng chí Trương Hòa Bình, Bùi Ngọc Hòa, Nguyễn Thúy Hiền chủ trì buổi Tọa đàm.
Hài hòa tư pháp trong các nước ASEAN là xu thế tất yếu
Hội nghị Chánh án các nước ASEAN là hội nghị thường niên, được các nước thành viên của ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức. Hội nghị là diễn đàn để Chánh án và Thẩm phán cấp cao các nước ASEAN thảo luận trực tiếp, chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất các mục tiêu ưu tiên hàng đầu mà Tòa án các nước ASEAN cùng quan tâm. Hội nghị cũng là cơ hội để các nước ASEAN tăng cường trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực pháp luật, đóng góp chung vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước thành viên ASEAN. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 8/2013 tại Sigapore; Hội nghị lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 9/2014 tại Malaysia; Hội nghị lần thứ 3 được tổ chức vào tháng 3/2015 tại Phinppines và Hội nghị lần thứ 4 sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh của Việt Nam vào 2 ngày (31/3 và 1/4/2016).
Hội nghị lần thứ 4 do TANDTC Việt Nam tổ chức sẽ tập trung vào chủ đề “Hội nhập ASEAN và hài hoà hóa tư pháp trong các nước ASEAN” và đây là nội dung chính xuyên suốt 2 ngày của Hội nghị nhằm mục tiêu tăng cường tính chủ động của các cơ quan tư pháp của các nước ASEAN, xử lý những xung đột luật pháp quốc tế trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được thành lập vào ngày 31/12/ 2015. Trong bối cảnh đó, việc hội nhập ASEAN và hài hòa hóa tư pháp trong ASEAN là xu thế tất yếu, trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan tư pháp ASEAN.
Cần thiết lập một khuôn khổ pháp lý chung của ASEAN
Tại buổi Tọa đàm, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Hòa Bình, Bùi Ngọc Hòa, Nguyễn Thúy Hiền, các đại biểu đã làm sâu sắc nội hàm của hội nhập ASEAN và hài hòa tư pháp trong các nước ASEAN. Tham luận của các đại biểu đến từ Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu ASEAN, Đại học quốc gia Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đều khẳng định vấn đề hài hoà hoá về tư pháp trong các nước ASEAN là rất cần thiết; mỗi quốc gia phải đóng vai trò tích cực trong việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý chung của ASEAN nhằm giảm sự khác biệt của những rào cản pháp lý và hội tụ pháp luật. Chính quá trình hội nhập sẽ phát sinh nhu cầu hài hòa hóa tư pháp; ngược lại việc hài hòa hóa tư pháp sẽ làm cho quá trình hội nhập càng trở nên sâu rộng hơn; giúp hệ thống tư pháp của các quốc gia thành viên có thể xích lại gần nhau hơn, giảm thiểu các xung đột pháp luật, từ đó tạo cơ sở cho việc hình thành thể chế liên kết khu vực. Việc thực hiện hội nhập ASEAN và hài hòa hóa tư pháp giúp hệ thống tư pháp các quốc gia thành viên duy trì thường xuyên quá trình liên kết, xử lý kịp thời những xung đột phát sinh góp phần xây dựng một ASEAN thống nhất trong đa dạng.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Tọa đàm đã làm nổi bật yêu cầu hài hóa hóa tư pháp trong các nước ASEAN về pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng. Về pháp luật nội dung, cần hài hòa hóa pháp luật giữa các quốc gia trong hợp đồng thương mại, chứng khoán, giao dịch và đầu tư xuyên quốc gia, phá sản xuyên quốc gia, sở hữu trí tuệ. Vì vậy ASEAN phải đẩy mạnh việc áp dụng nội luật hóa các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế như nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế, công ước về mua bán hàng hóa quốc tế... Về pháp luật tố tụng, vấn đề ưu tiên hàng đầu giữa các quốc gia trong khu vực là hợp tác trong lĩnh vực như tống đạt giấy tờ dân sự, việc công nhận và cho thi hành bản án quyết định của Tòa án, trọng tài nước ngoài. Đặc biệt là việc kêu gọi các quốc gia cùng gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại hay việc xây dựng thỏa thuận giữa Tòa án các nước ASEAN về tống đạt giấy tờ là một trong những giải pháp then chốt và cấp bách.
Vai trò quan trọng của Tòa án trong quá trình hội nhập ASEAN
Về vai trò của Tòa án trong quá trình hội nhập ASEAN và hài hòa hóa tư pháp ASEAN, quá trình thảo luận, các đại biểu cho rằng Tòa án có vai trò rất quan trọng trong hoạt động này. Từ ngày 1/1/2016, ASEAN đã trở thành một cộng đồng với 10 nước thành viên. Với việc hình thành Cộng đồng ASEAN và sự hợp tác trong từng các lĩnh vực cụ thể giữa các nước ASEAN, các quan hệ dân sự, thương mại giữa công dân các nước ASEAN phát triển mạnh mẽ, phong phú đa dạng cả về nội dung và hình thức. Bên cạnh những cơ hội mà Cộng đồng ASEAN mang lại, các nước cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định, trong đó có những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Việc các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại xuyên biên giới sẽ ngày càng gia tăng và phức tạp hơn nên giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài tất yếu phát sinh nhu cầu tương trợ tư pháp giữa các nước - và Tòa án là cơ quan đóng vai trò rất quan trọng để giải quyết những xung đột tư pháp quốc tế trong Cộng đồng ASEAN.
Riêng đối với TAND Việt Nam, trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực liên quan đến hợp tác ASEAN và hài hòa hóa tư pháp trong ASEAN. Lãnh đạo TANDTC đã đưa các quy định, hướng dẫn vào Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của Tòa án; đẩy mạnh công nhận và thực thi bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết của trọng tài giữa các nước; kiến nghị với Quốc hội sửa bổi, bổ sung các luật, đặc biệt là luật tố tụng bảo đảm hài hòa, phù hợp với các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế. Tòa án Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào các diễn đàn trong khu vực, tăng cường hợp tác tư pháp; chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, con người để sẵn sàng tham gia vào quá trình hội nhập tư pháp trong ASEAN. Đồng thời, TANDTC cũng đang chuẩn bị nghiên cứu các đề án về thành lập các Tòa chuyên trách giải quyết những tranh chấp về môi trường, sở hữu trí tuệ. Hiện nay, những vụ kiện có yếu tố nước ngoài trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại sẽ ngày càng gia tăng mà năng lực tư pháp phải đáp ứng. Chính vì vậy, TANDTC đang tính đến trong tương lai Việt Nam sẽ thành lập Tòa án thương mại quốc tế để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.
Theo kế hoạch, TANDTC Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh, đây là cơ hội để các chuyên gia tư pháp quốc tế chia sẽ thông tin về khung pháp luật tư pháp các nước ASEAN, những thuận lợi và khó khăn vướng mắc khi hài hòa hóa tư pháp. Trên cơ sở kết quả của buổi Tọa đàm “Hội nhập ASEAN và hài hoà hóa tư pháp trong các nước ASEAN”, các vấn đề về thực tiễn tương trợ tư pháp trong hoạt động tố tụng của Tòa án các nước ASEAN cũng sẽ được đi sâu phân tích như: tống đạt giấy tờ, thẩm quyền xét xử, pháp luật áp dụng và thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài nước ngoài... Tất cả những nội dung trên sẽ được đem ra bàn thảo nhằm thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng về tư pháp trong ASEAN, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình và phồn thịnh.