Tòa án Quân sự Trung ương: Những dấu son đi cùng năm tháng

Nguyễn Hùng| 12/09/2020 09:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bằng kết quả hoạt động của mình, các TAQS đã góp phần giáo dục quân nhân trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Quân đội...

Trải qua gần 75 năm cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, qua các giai đoạn của lịch sử, các Tòa án Quân sự (TAQS) ngày càng được củng cố, kiện toàn về mọi mặt, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của các đơn vị trong toàn quân.

Tòa án Quân sự Trung ương: Những dấu son đi cùng năm tháng

Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương

Từ những năm tháng kháng chiến…

Bằng kết quả hoạt động của mình, các TAQS đã góp phần giáo dục quân nhân trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đi đôi với việc đập tan chính quyền thực dân, phong kiến phản động, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã sớm thành lập ra các TAQS, các Tòa án binh; khẳng định Tòa án là một trong những công cụ chuyên chính của Nhà nước để trấn áp kịp thời những âm mưu và hành động chống phá cách mạng của bọn đế quốc và các thế lực thù địch, Việt gian, phản động; đấu tranh kiên quyết chống các loại tội phạm xâm phạm an ninh chính trị, kinh tế, quốc phòng…

Theo đà phát triển của lực lượng cách mạng, của công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân và quân đội ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, các TAQS, Tòa án binh ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ độc lập dân tộc, sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Các TAQS, Tòa án binh đã trừng trị kiên quyết, kịp thời những phần tử gián điệp, phản động, tay sai của địch hoạt động chống phá chính quyền cách mạng, điển hình như vụ án xảy ra tại phố Ôn Như Hầu, vụ Quản Dưỡng ở Hà Đông, vụ Nguyễn Trinh Nguyệt ở Nam Bộ, vụ Dương Công Kỉnh, vụ Phạm Hữu Tài ở Trung Bộ…; trấn áp kịp thời những kẻ có hành vi xâm phạm đến sức mạnh chiến đấu của quân đội như vụ Trần Dụ Châu, vụ Ba Nhỏ ở Nam Bộ...

Các Tòa án binh tại mặt trận đã bám sát chiến trường hoạt động rộng khắp, tạo ra hiệu quả trực tiếp, góp phần vào việc duy trì quân lệnh, giữ vững tinh thần, bảo vệ các phương tiện, vũ khí trang bị cho chiến đấu tại các khu vực có chiến sự, trong những cao điểm chiến đấu, trong các chiến dịch quy mô lớn.

Đặc biệt, với vụ án Dương Công Kỉnh, xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên Trung ương và Xứ ủy Trung kỳ đã chỉ đạo sát sao công tác tổ chức và bảo vệ phiên tòa. Phiên tòa được xét xử công khai tại Huế, có đông đảo cán bộ và nhân dân tham dự. Phiên tòa do đồng chí Nguyễn Trác làm Chánh án, đồng chí Lê Lộc làm ủy viên Chính phủ. Tại phiên tòa, Kỉnh đã thú nhận các hành vi phạm tội, y tỏ ra ân hận về tội lỗi đã gây ra cho đồng chí, đồng bào của mình. Căn cứ vào tội trạng của Kỉnh, TAQS đã tuyên phạt tử hình tên phản bội.

Do bị kẻ địch mua chuộc, lôi kéo, Dương Công Kỉnh đã nhận làm tay sai cho thực dân Pháp. Cơ quan mật thám của Pháp tại Huế đã tạo cho Kỉnh cái vỏ bọc bên ngoài là cán bộ cách mạng. Kỉnh liên tục hoạt động cho địch từ năm 1939. Thủ đoạn của địch là giam Kỉnh chung với cán bộ cách mạng trung kiên của ta ở nhà tù của chúng để Kỉnh nắm và cung cấp cho chúng những tin tức và tình hình hoạt động của các đồng chí đảng viên cộng sản bị bắt giam trong nhà tù. Vì vậy mà nhiều lần y đã bí mật chỉ điểm cho thực dân Pháp bắt, đàn áp hơn 200 cán bộ và nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho phong trào cách mạng ở địa phương. Cuối năm 1945, Kỉnh bị phát hiện và đưa ra xét xử.

Qua phiên tòa, đông đảo cán bộ và nhân dân càng hiểu rõ hơn âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ địch. Đồng thời, sau phiên tòa, các cơ sở cách mạng được củng cố, bài học về công tác phòng gian, giữ bí mật, sử dụng và quản lý cán bộ được Đảng, chính quyền địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Các cơ sở cách mạng đã nâng cao thêm ý thức cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu của địch cài cắm người vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại từ trong nội bộ ta.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, các TAQS đã liên tục nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng của cơ quan xét xử của Nhà nước trong Quân đội, được rèn luyện và không ngừng trưởng thành lớn mạnh về tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước của nhân dân, của Quân đội.

Trong những năm tiến hành chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, tập trung đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, các TAQS đã có những điều chỉnh về hoạt động và tổ chức cho phù hợp với hoạt động, tổ chức của Quân đội trong thời chiến; khắc phục mọi khó khăn ở mọi lúc, mọi nơi, mọi chiến trường để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp; đấu tranh có hiệu quả các loại tội , giải quyết số lượng vụ án phát sinh nhiều trong thời chiến.

Điển hình như vụ gián điệp biệt kích C47. Bản án nhấn mạnh đây là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, gây tình hình căng thẳng và đe dọa hòa bình ở khu vực Đông Nam Á, trước mắt là ở Việt Nam và Lào… Một số nhân vật hiếu chiến trong chính giới Mỹ và báo chí phản động Mỹ đều đã nói đến cái gọi là kế hoạch phá hoại và lật đổ của Mỹ ở Đông Âu và miền Bắc Việt Nam, nói đến việc xây dựng các đội quân đặc biệt ở Mỹ và miền Nam Việt Nam.Việc thả biệt kích ra hoạt động phá hoại ở miền Bắc Việt Nam chính là thực hiện âm mưu và kế hoạch của đế quốc Mỹ.

Trong vụ án này, HĐXX kết luận các bị cáo đều can tội “Xâm phạm không phận miền Bắc, hoạt động gián điệp, biệt kích, tổ chức lực lượng vũ trang nhằm phá hoại sự an toàn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” và quyết định xử phạt Đinh Như Khoa 15 năm tù, Phan Thanh Vân 7 năm tù, Phạm Văn Đăng 3 năm tù.

Toàn thể các đại biểu dự phiên tòa đều nhiệt liệt hoan nghênh tán thành bản án. Qua loa phóng thanh và đài truyền thanh, hàng chục vạn đồng bào Hà Nội và các tỉnh đã theo dõi tường thuật diễn biến phiên tòa cũng đồng tình cao.

Tòa án Quân sự Trung ương: Những dấu son đi cùng năm tháng

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng chụp ảnh lưu niệm với các Chánh án, Phó Chánh án TAQS tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020

… Đến thời kỳ đổi mới

 Bước vào thời kỳ đổi mới, theo sự phát triển của đất nước và của Quân đội, các TAQS nói chung và TAQS Trung ương nói riêng đã có bước phát triển toàn diện và vững chắc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Cụ thể, các TAQS đã thụ lý, giải quyết và xét xử gần 10.000 vụ án/hơn 10.000 bị can, bị cáo. Trong đó, TAQS trung ương đã thụ lý, xét xử phúc thẩm hơn 1.000 vụ/hơn 1.500 bị cáo; xét xử giám đốc thẩm hàng chục vụ/hàng chục bị cáo. Trong các vụ án mà TAQS trung ương đã thụ lý, xét xử có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, đặc biệt là án tham nhũng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, có sự cấu kết chặt chẽ của các đối tượng cả trong và ngoài Quân đội, với những thủ đoạn hết sức tinh vi.

Cùng với nhiệm vụ xét xử theo thẩm quyền, hàng năm Chánh án TAQS Trung ương còn tham gia xét xử gần hàng trăm vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Trong các năm 2014 - 2015, TAQS Trung ương đã cử 6 đồng chí Thẩm phán TAQS Trung ương tăng cường, tham gia xét xử trên 700 vụ án hình sự phúc thẩm tại TANDTC; trong đó làm chủ tọa phiên tòa hơn 120 vụ án. Khi thực hiện nhiệm vụ, các Thẩm phán TAQS Trung ương luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nguyên tắc trong hoạt động xét xử, phát huy vai trò độc lập tuân theo pháp luật; thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán Việt Nam.

Song song với việc tổ chức xét xử và chỉ đạo xét xử trong toàn ngành, TAQS Trung ương còn chỉ đạo chặt chẽ công tác thi hành án hình sự đối với các TAQS trong toàn quân với phương châm: "Các quyết định của bản án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành trên thực tế". Những năm qua, các TAQS luôn bảo đảm 100% các bản án có hiệu lực pháp luật đều được ra quyết định thi hành. Công tác xét giảm thời hạn chấp hành án, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, xét giảm thời gian thử thách của án treo được tiến hành chặt chẽ, đúng pháp luật và thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, công tác giám đốc kiểm tra, công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật, xây dựng quy chế, công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại… cũng được phía Tòa án chú trọng và nghiêm túc thực hiện…

Với sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ TAQS Trung ương cùng với đó là những thành tích cao quý đã đạt được trong suốt 75 năm qua, TAQS Trung ương đề nghị Đảng và Nhà nước tặng thưởng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án Quân sự Trung ương: Những dấu son đi cùng năm tháng