Thời đại công nghệ 4.0 phát triển đồng nghĩa với xu hướng đơn giản hóa thủ tục tố tụng tại Tòa án và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa án cũng được đẩy mạnh thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong ngành Tòa án.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII cũng nêu rõ: “Cải cách nền hành chính Nhà nước là trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước trong những năm trước mắt”.
Mô hình tổng thể một phần mềm hội nghị trực tuyến
Từng bước chuyển đổi hiện đại
Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị ban hành ngày 02/06/2005 về cải cách tư pháp (CCTP) đã đặt ra mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Trọng tâm của hoạt động tư pháp là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.
Thực hiện Nghị quyết số 49 về CCTP, các cơ quan tư pháp trong đó có Tòa án đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế. Hiến pháp năm 2013 và 70 đạo luật liên quan đến hoạt động tư pháp, quyền con người, quyền công dân được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Lần đầu tiên Hiến pháp quy định 9 quyền và nguyên tắc tư pháp, đó là: Quyền được suy đoán vô tội; Quyền được xét xử công bằng; Xét xử công khai; Xét xử kịp thời trong thời hạn luật định; Bảo đảm quyền bào chữa; Xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật; Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng; Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu xảy ra oan sai (không phải quốc gia nào cũng có quy định về nguyên tắc này; đặc biệt là Tòa án phải bồi thường); Trách nhiệm cung cấp chứng cứ, chứng minh trong dân sự thuộc về đương sự; kiểm soát quyền lực.
Luật Tổ chức TAND và các Bộ luật về tố tụng được ban hành cũng có nhiều đổi mới theo hướng đề cao quyền con người, quyền công dân, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tư pháp. Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nhiều quy định về đổi mới phiên tòa đã được ban hành và thực hiện.
Năm 2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nhiều nghị quyết về mô hình xét xử mới được đánh giá cao. Trong đó, Tòa án điện tử là một trong những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), có thể làm thay đổi nhiều vấn đề của Tòa án nói riêng và tố tụng tư pháp nói chung.
Hiện nay, Hội nghị trực tuyến đang được ngành Tòa án sử dụng đã được coi là một cải cách mạnh mẽ về phương thức hội họp, đem lại hiệu quả cao, mang lại sự thuận tiện, tiết kiệm chi phí và thời gian rất nhiều so với việc tổ chức hội nghị, phiên họp, đào tạo truyền thống.
Đến nay, Phòng xét xử đã được trang bị hệ thống âm thanh, hình ảnh: ampli, loa, micro, máy vi tính, màn hình hiển thị (tivi hoặc máy chiếu), camera, máy fax, scan… Kết nối internet: đường truyền riêng cho ngành Tòa án (đang phục vụ cho hội nghị trực tuyến) và các đường truyền dịch vụ khác (do mỗi Tòa địa phương thuê để phục vụ riêng) có tính ổn định cao, tốc độ nhanh đủ để đáp ứng nhu cầu để thiết lập hệ thống trực tuyến. Các phần mềm: Vmeet (đang dùng để sử dụng hội nghị trực tuyến), các phần mềm gọi video trên máy tính (SureMeet – Lạc Việt, MegaMeeting – Mob ifone, Zoom, Google Meet, …), đa số miễn phí nhưng chất lượng ổn định, và lưu lại được video diễn biến cả phiên tòa.
Hiện nay trên thế giới, hệ thống Tòa án của một số quốc gia đã tiến hành và thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình như: Hệ thống Tòa án của Thái Lan, Philippines, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, việc tổ chức phiên tòa điện tử là một giải pháp hợp lý nhằm giảm tiếp xúc, tụ tập đông người, tránh lây lan tạo thành ổ dịch mới.
Điển hình, từ năm 2013, Tòa án tối cao Philippines bắt đầu đưa vào thí điểm thi hành hệ thống Tòa án điện tử. Hệ thống này tại Philippines tích hợp một số chức năng như tự động đẩy hồ sơ các vụ án tương tự đến các chi nhánh tòa án; các phiên điều trần, phiên xét xử được tổ chức trực tuyến và người dân theo dõi vụ án có thể truy cập trực tiếp trên mạng internet; việc xét xử diễn ra tự động, trong đó các phán quyết của tòa án được đưa ra cũng như được đăng tải lên hệ thống ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Quy trình xét xử nhờ đó được đẩy nhanh tốc độ, loại bỏ tối đa các sự vụ tham nhũng, nhận hối lộ và mang lại tính minh bạch cao hơn. Tính đến năm 2017, hơn 300 tòa án tại nước này đã áp dụng hệ thống tòa án điện tử.
Là một nước tiên phong trong việc tổ chức Tòa án điện tử, tính đến năm 2020, Tòa án điện tử của Thái Lan phát triển các dịch vụ như: Nộp đơn điện tử đối với các trường hợp khiếu nại và kiến nghị; người tham dự phiên tòa được nhận thông cáo online trong việc cung cấp tài liệu và lịch xét xử; thanh toán điện tử đối với các khoản phí tại phiên tòa; người dân có thể theo dõi tiến độ phiên tòa trên hệ thống tòa án điện tử mà không cần đăng ký thành viên; tổ chức phòng xử án ảo đối với các phiên hòa giải, việc kiểm tra nhân chứng cũng như các thủ tục tố tụng khác của tòa án…
Qua kinh nghiệm của các nước, có thể thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án mang lại rất nhiều lợi ích, phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, đúng với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong xét xử; trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, tổ chức phiên tòa điện tử giúp đảm bảo không tập trung đông tại một phòng xử án, hạn chế sự lấy lan của dịch bệnh, ngành y tế dễ dàng kiểm soát dịch bệnh hơn trong giai đoạn hiện tại; tòa án giảm bớt được chi phí, thời gian đi lại, ăn ở, tổ chức phiên tòa lưu động khi xét xử ở các địa phương.
Ngoài ra, việc tổ chức phiên tòa điện tử cũng đảm bảo an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng cũng như hồ sơ vụ án khi không phải di chuyển xa. Người tiến hành tố tụng không bị hành hung hay phát sinh các vấn đề khác từ các đương sự thiếu kiềm chế trong phòng xử cũng như trên đường di chuyển. Người tham gia tố tụng, tham gia phiên tòa qua đó cũng được tạo điều kiện để di chuyển thuân tiện hơn, hạn chế việc vắng mặt, đến phiên xử trễ. Các phiên tòa điện tử được tự động ghi âm, ghi hình lại và lưu trữ tại điểm cầu trung tâm làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm… Các Thẩm phán, bất kể ở khu vực địa lý nào, đều có thể được hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả hơn; bộ phận quản lý hành chính tư pháp Tòa án cũng nhờ đó thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được dễ dàng hơn.
Đồng thời, đông đảo người dân quan tâm đến vụ kiện có thể theo dõi quá trình xét xử, không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường, nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân, đặc biệt là những đương sự ở các khu vực xa trung tâm hay khu vực nông thôn.
Triển khai bước đầu trong tổ chức Tòa án điện tử
Tòa án điện tử là một mô hình xét xử đầy mới mẻ, do đó không thể tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai rộng rãi. Cụ thể, về tâm lý của người mới sử dụng, việc đổi mới phương thức xét xử sẽ dẫn đến một số khó khăn khi tiếp xúc phương tiện, tâm lý e ngại khi thay đổi thói quen, nóng vội khi có sự cố về kỹ thuật. Với vấn đề này, các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên Tòa án cần kiên trì thực hiện, tham gia các lớp tập huấn về xét xử trực tuyến, các phiên tòa trực tuyến mẫu để rút kinh nghiệm.
Về trang thiết bị kỹ thuật tận dụng các thiết bị hiện có: Tivi, máy tính, dàn âm thanh, camera, máy fax, scan hoặc trang bị thêm. Về triệu tập người tham gia tố tụng, trên quyết định đưa vụ án ra xét xử ghi xét xử trực tuyến, yêu cầu phải có mặt tại một trong hai điểm cầu (đương sự tự chọn nơi thuận tiện nhất để tham gia), yêu cầu nộp các tài liệu có liên quan đến vụ án trong thời gian sớm nhất. Về luật sư chỉ định, vì hồ sơ thụ lý được lưu tại trụ sở nên sẽ chỉ định luật sư tại địa phương nơi đặt trụ sở, hoặc tùy trường hợp mà mời Luật sư địa phương để thuận tiện cho việc bào chữa nhằm đảm bảo tốt nhất cho bị cáo.
Tuân theo sự điều khiển của HĐXX, cảnh sát hỗ trợ tư pháp thực hiện nghiêm khi có yêu cầu từ HĐXX đối với những trường hợp không chấp hành nội quy phiên tòa. Phát sinh chi phí lắp đặt thiết bị cần thiết, nâng cấp đường truyền internet.
Có thể thấy, những khó khăn vướng mắc này không lớn, sau những lúng túng ban đầu, việc xét xử trực tuyến từ đó sẽ nhanh chóng trở nên quen thuộc, thành thạo, sẽ mang lại lớn ích rất lớn về nhiều mặt cho không chỉ cơ quan xét xử mà các bên liên quan, những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
Chia sẻ về việc tổ chức Tòa án điện tử, Thẩm phán Hồ Vinh Phú, TAND TX. Hương Trà (Thừa Thiên Huế) cho rằng: “Việc áp dụng hình thức xét xử trực tuyến vừa là thời cơ, vừa là thách thức cho các đơn vị Tòa án để tiến tới triển khai thực hiện Tòa án điện tử trong tương lai. Lúc này, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của TANDTC, sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng, các sở ban ngành. Bản thân tôi kiến nghị các đơn vị Tòa án cần có sự quyết tâm, linh hoạt trong việc triển khai phiên xử trực tuyến; thông qua đó chúng ta có thể tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý báu để nhân rộng mô hình này trong tương lai.”
Cũng theo ông Phú, TANDTC cần yêu cầu các đơn vị phải đăng ký phiên tòa xét xử trực tuyến tương tự như phiên tòa rút kinh nghiệm đã được thực hiện rất tốt trong thời gian vừa qua, nhằm khuyến khích các đơn vị Tòa án tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Sau một thời gian, hoàn toàn có thể mở rộng ra các vụ án khác như các vụ án có yếu tố nước người (người nước ngoài có yêu cầu tham gia phiên tòa), các vụ án có đương sự yêu cầu được sử dụng hình thức xét xử trực tuyến…
Với những điều kiện về công nghệ cũng như diễn biến quốc tế và việc vận dụng thực hiện thông qua các hội nghị trực tuyến đang được ngành Tòa án sử dụng, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện Tòa án điện tử tại nước ta là điều tất yếu và chỉ còn là vấn đề thời gian.