Việc xét xử các vụ án hành chính hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có những bất cập từ các quy định của pháp luật, như việc hủy đăng ký kết hôn trái pháp luật, khiếu kiện chứng thực của UBND, kết quả đấu thầu…
Tòa có quyền hủy đăng ký kết hôn trái luật không?
Một trong những vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ án hành chính là thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết vụ án về yêu cầu hủy giấy đăng ký kết hôn trái pháp luật theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Với dạng vụ việc này, có quan điểm cho rằng đối chiếu với quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là quyết định hành chính nên khiếu kiện này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng hủy giấy chứng nhận đăng ký kết hôn là loại yêu cầu về xử lý việc kết hôn trái pháp luật. Tại khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại luật này và pháp luật về tố tụng dân sự”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, gồm có:“Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”.
Phiên tòa hành chính
Đồng thời, điểm e Điều 69 và điểm h Điều 70 Luật hộ tịch 2014 quy định UBND cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch do UBND cấp huyện hoặc cấp xã cấp trái quy định của Luật này, trừ trường hợp kết hôn trái pháp luật. Do đó, yêu cầu trên phải được thụ lý theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.
Chúng tôi cho rằng, với các vụ án này, trong thời gian chưa có hướng dẫn thống nhất của cơ quan có thẩm quyền, khi có đơn kiện yêu cầu hủy giấy giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì Tòa án không áp dụng Luật Tố tụng hành chính mà áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để xem xét thụ lý vụ án.
Về khiếu kiện đối với việc chứng thực của UBND, hiện có nhiều Tòa án đang vướng về thụ lý dạng việc này.
Có quan điểm cho rằng việc chứng thực của UBND là một loại dịch vụ công giống như hoạt động công chứng. Do đó, khiếu kiện về loại này phải được thụ lý theo thủ tục tố tụng dân sự giống như các loại khiếu kiện đối với các hoạt động của công chứng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù chứng thực của UBND có tính chất giống như hoạt động công chứng nhưng chứng thực là một hoạt động thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước, nên khiếu kiện về loại này phải được xác định là khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính. Chính vì vậy Tòa án có quyền thụ lý giải quyết.
Khiếu kiện về khấu trừ thuế không phải khiếu kiện hành chính
Về khiếu kiện đối với việc phê duyệt kết quả đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu cũng là loại việc mà các Tòa án gặp nhiều trong quá trình thụ lý vụ án hành chính.
Theo quy định của Luật Đấu thầu, thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu có trường hợp thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư, có trường hợp thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước, làm thế nào để xác định được thủ tục tố tụng để thụ lý đối với loại khiếu kiện này.
Kinh nghiệm từ Tòa án hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Nếu đã xác định khiếu kiện đối với việc phê duyệt kết quả đấu thầu của chủ đầu tư thì khiếu kiện trên được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trường hợp khiếu kiện đối với việc phê duyệt kết quả đấu thầu của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu thì khiếu kiện trên được giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính.
Loại khiếu kiện thường gặp nữa là khiếu kiện đối với việc khấu trừ thuế mà cá nhân, người sử dụng lao động khấu trừ trước khi thanh toán các khoản thu nhập cho người có thu nhập.
Có quan điểm cho rằng, theo quy định của pháp luật người chi trả thu nhập phải thực hiện việc khấu trừ thuế mà cá nhân, người sử dụng lao động khấu trừ trước khi thanh toán các khoản thu nhập cho người có thu nhập. Cơ quan thuế có trách nhiệm ký hợp đồng ủy quyền thu cho người chi trả thu nhập để thực hiện việc khấu trừ. Do đó, khiếu kiện này là khiếu kiện hành chính.
Với dạng việc này, Tòa án hai cấp TP. Hồ Chí Minh đã xác định việc khấu trừ thuế này tương tự như việc khấu trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc của người sử dụng lao động đối với người lao động. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp về việc khấu trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc của người sử dụng lao động đối với người lao động được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Do đó, khiếu kiện đối với việc khấu trừ thuế mà cá nhân, người sử dụng lao động khấu trừ trước khi thanh toán các khoản thu nhập cho người có thu nhập không phải là khiếu kiện hành chính. Tùy theo quan hệ giữa các bên tranh chấp nêu trên có thể là tranh chấp về dân sự, lao động hoặc kinh doanh thương mại và việc giải quyết sẽ được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
Gần đây, TAND TP Hồ Chí Minh cũng thụ lý vụ án liên quan đến việc khiếu kiện đối với quyết định của Bộ Tư pháp thu hồi quyết định bổ nhiệm thừa phát lại. Đây là loại vụ việc mới và cũng có nhiều ý kiến khac nhau.
Có quan điểm cho rằng, thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan nên quyết định của Bộ Tư pháp thu hồi quyết định bổ nhiệm thừa phát lại là quyết định hành chính mang tính nội bộ của Bộ Tư pháp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Chúng tôi cho rằng, các quy định của pháp luật về thừa phát lại còn nhiều vấn đề chưa cụ thể, Thừa phát lại không phải là công chức nhà nước. Việc quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đối với thừa phát lại là hoạt động quản lý nhà nước đối với một lĩnh vực nghề nghiệp tương tự như quản lý nghề luật sư, nghề công chứng viên… quyết định bổ nhiệm thừa phát lại gần giống như là một loại chứng chỉ hành nghề, không phải là một quyết định mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Do đó, loại khiếu kiện này là khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.