Tòa án Canada bắt đầu phiên tòa xét xử dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu

Trâm Anh (theo AFP)| 21/01/2020 22:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giám đốc điều hành viễn thông Trung Quốc bị bắt tại Vancouver làm căng thẳng quan hệ Canada-Trung Quốc đã ra tòa vào thứ Hai để chống lại việc bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.

Bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của gã khổng lồ công nghệ Huawei và là con gái lớn của người sáng lập Ren Zhengfei, đã bị nhà chức trách Mỹ truy nã vì những cáo buộc gian lận.

Tòa án Canada bắt đầu phiên tòa xét xử dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu

Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu rời nhà ở Vancouver để bắt đầu phiên xử dẫn độ tại Tòa án tối cao British Columbia, vào ngày 20 tháng 1 năm 2020 tại Vancouver, British Colombia

Bà Mạnh không đưa ra bình luận nào khi vội vã đi qua các nhà báo và người biểu tình với những biểu ngữ “Tự do cho bà Mạnh” và “Ông Trump hãy dừng việc bắt nạt chúng tôi" bên ngoài Tòa án tối cao British Columbia. Chồng cô và các viên chức lãnh sự Trung Quốc ngồi trong một phòng xử án chật cứng người theo dõi quá trình tố tụng.

Để đảm bảo quyền tự do của mình, bà Mạnh, được mệnh danh là "công chúa của Huawei", phải thuyết phục một thẩm phán Canada rằng các cáo buộc của Mỹ - liên quan đến các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran - không phù hợp với luật pháp Canada và có động cơ chính trị .

Hoa Kỳ cáo buộc bà Mạnh nói dối Ngân hàng HSBC về mối quan hệ của Huawei với công ty liên kết Skycom có ​​trụ sở tại Iran, khiến ngân hàng có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran. "Nói một cách đơn giản, có bằng chứng cô ấy đã lừa dối HSBC để khiến họ tiếp tục cung cấp dịch vụ ngân hàng cho Huawei," Bộ Tư pháp Canada cho biết trong hồ sơ tòa án. Bà Mạnh đã bác bỏ các cáo buộc. 

Canada đã bắt bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ hồi đầu tháng 12/2018. Bà đã được tại ngoại, sống ở một trong hai biệt thự của mình ở Vancouver trong năm qua nhưng phải đeo vòng theo dõi điện tử trong thời gian chờ phiên tòa diễn ra.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi trường hợp dẫn độ này là "sự cố chính trị nghiêm trọng" và kêu gọi Ottawa trả tự do cho giám đốc điều hành Huawei nhằm bình thường hóa quan hệ.

"Hoa Kỳ và Canada đang lạm dụng hiệp ước dẫn độ song phương của họ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.

Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cho biết Ottawa sẽ không can thiệp vào vụ việc, đồng thời bổ sung rằng Canada "tôn trọng các cam kết hiệp ước dẫn độ".

Bộ Tư pháp Canada tuyên bố sẽ biện minh cho việc dẫn độ bằng cách lập luận rằng các cáo buộc của Mỹ đối với bà Mạnh sẽ bị coi là có tội ở Canada nếu chúng xảy ra ở đó - được gọi là nguyên tắc định tội danh kép.

Luật sư bào chữa Richard Peck nói trước tòa rằng nguyên tắc định tội danh kép là trọng tâm của phiên tòa. "Trong trường hợp điển hình, nguyên tắc định tội danh kép không gây tranh cãi. Tuy nhiên, trường hợp này được thành lập dựa trên các cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ mà Canada rõ ràng không thừa nhận" - ông Richard nói thêm.

Giai đoạn 1 này sẽ kéo dài ít nhất 4 ngày trong khi Bắc Kinh lặp lại lời kêu gọi chính phủ Canada thả bà Mạnh ra ngay lập tức. Giai đoạn 2 của phiên tòa sẽ được tiến hành vào tháng 6/2020 để tranh luận liệu quyết định bắt giữ bà Mạnh tại sân bay quốc tế Vancouver ngày 1/12/2018 có vi phạm quyền của bà hay không.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho biết có thể phải mất nhiều năm trước khi có phán quyết cuối cùng của phiên tòa xét xử bà Mạnh bởi vì hệ thống tư pháp Canada cho phép kháng cáo nhiều quyết định của tòa.

Huawei nói trong một tuyên bố rằng tập đoàn này sẽ sát cánh cùng với bà Mạnh trong việc theo đuổi công lý và tự do. "Chúng tôi tin tưởng vào hệ thống tư pháp của Canada, điều này sẽ chứng minh sự vô tội của bà Mạnh" - Huawei nói.

Việc bắt giữ bà Mạnh đã đẩy Canada vào tình thế khó khăn khi bị kẹp giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Huawei là tập đoàn viễn thông hàng đầu tại Trung Quốc.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án Canada bắt đầu phiên tòa xét xử dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu