Tổ chức thành công xét chọn, vinh danh “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”: Nhiều bài học quý

17/01/2014 20:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2013, Chánh án TANDTC đã chỉ đạo nghiên cứu, tổ chức các cuộc thi người “Thẩm phán giỏi”, “Cán bộ Tòa án năng động sáng tạo”.

 Triển khai thực hiện chỉ đạo này, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy chế thi tuyển danh hiệu “Thẩm phán giỏi” và xét tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”. Sau gần một năm nghiên cứu, bổ sung, tổ chức tập huấn, hội thảo lấy ý kiến góp ý của TAND các cấp, trao đổi, xin ý kiến của Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương), ngày 26/12/2013, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND đã chỉ đạo Vụ Thi đua - Khen thưởng tiếp thu, tổng hợp ý kiến và trình Chánh án TANDTC ký Quyết định số 223/QĐ-TA-TĐKT ban hành Quy chế thi tuyển danh hiệu “Thẩm phán giỏi” và xét tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”. 

 

Đây là văn bản quan trọng quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ thi tuyển, xét tặng và thu hồi danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”; quy định các chế độ đối với Thẩm phán được tặng danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực” và được áp dụng đối với Thẩm phán TAND và Tòa án quân sự các cấp (bao gồm cả Thẩm phán giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý). Đây cũng là lần đầu tiên có quy định chính thức về danh hiệu vinh dự, cao quý của TAND, gồm danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực”, “Thẩm phán tiêu biểu” và “Thẩm phán giỏi”. Những danh hiệu này được tặng cho các Thẩm phán có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác xét xử, có những đóng góp đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của TAND và Tòa án quân sự các cấp.

 

Đồng thời với quá trình hoàn thiện dự thảo Quy chế thi tuyển danh hiệu “Thẩm phán giỏi” và xét tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TANDTC đã chỉ đạo Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TANDTC phối hợp với TAND và Tòa án quân sự các cấp rà soát, lựa chọn ra những Thẩm phán có thành tích xuất sắc trong công tác xét xử, đã trực tiếp giải quyết, xét xử liên tục từ 500 vụ, việc trở lên mà không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan, số án bị sửa nghiêm trọng vì lý do chủ quan dưới 1,5%. Đây chính là những tiêu chí quan trọng để đặc cách xét, tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”. Kết quả là TAND các cấp đã lựa chọn được 13 Thẩm phán có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác xét xử, đã trực tiếp giải quyết, xét xử liên tục trên 900 vụ, việc mà không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan, số án bị sửa nghiêm trọng vì lý do chủ quan dưới 1%; 41 Thẩm phán có thành tích xuất sắc trong công tác xét xử, đã trực tiếp giải quyết, xét xử liên tục trên 500 vụ, việc trong đó không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan, số án bị sửa nghiêm trọng vì lý do chủ quan dưới 1,5%. 

 

Tổ chức thành công xét chọn, vinh danh “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”: Nhiều bài học quý

 

Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ TANDTC Nguyễn Văn Thuân phát biểu tại Hội nghị

 

Ngày 6/1/2014, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TANDTC đã họp, xét và thống nhất đề nghị Chánh án TANDTC tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” cho 38 Thẩm phán có thành tích xuất sắc trong công tác xét xử; đề nghị tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực” cho 13 Thẩm phán có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác xét xử. Căn cứ vào khoản 3 Điều 18 của Quy chế này, Thường trực Hội đồng đã phối hợp với Cổng thông tin điện tử TANDTC thông báo công khai danh sách các Thẩm phán được đề nghị tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” và “Thẩm phán mẫu mực” để lấy ý kiến của cán bộ, công chức TAND các cấp. 

 

Đây là lần đầu tiên TANDTC tổ chức vinh danh Thẩm phán, Chánh án TANDTC đã chỉ đạo sát sao quá trình xét chọn và yêu cầu chỉ khen thưởng cho những Thẩm phán có những thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu trong công tác xét xử; đã trực tiếp giải quyết số lượng án lớn mà không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy do chủ quan và số lượng bình quân xét xử hàng tháng phải cao hơn các Thẩm phán khác. Trên cơ sở các ý kiến đánh giá tổng thể quá trình công tác của các Thẩm phán, số lượng vụ án đã giải quyết, xét xử trong cả quá trình công tác và số lượng vụ án đã giải quyết bình quân hàng tháng, theo đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND, Chánh án TANDTC đã quyết định tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực” cho 7 Thẩm phán; tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” cho 27 Thẩm phán.

 

Có thể nói rằng, để đạt được danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực” và được vinh danh đợt này, mỗi đồng chí Thẩm phán phải có quá trình rèn luyện bền bỉ, phấn đấu liên tục trong suốt nhiều năm thực hiện trọng trách của người Thẩm phán. 

Trong số các Thẩm phán được vinh danh đợt này, có một Thẩm phán TANDTC, có 14 Thẩm phán trung cấp và có 19 Thẩm phán sơ cấp, có hai Thẩm phán Tòa án cấp quân khu. 

 

Có một Thẩm phán là Chánh án TAND cấp tỉnh, hai Thẩm phán là Phó Chánh án TAND cấp tỉnh, có 14 Thẩm phán là Chánh án TAND cấp huyện. Cùng với việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của người lãnh đạo đơn vị, các Thẩm phán này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử. Điển hình như:

 

Thẩm phán Đặng Công Lý, Chánh án TAND tỉnh Bình Định, từ khi đảm nhiệm chức vụ Chánh án TAND tỉnh Bình Định đã lãnh đạo đơn vị tích cực tổ chức tốt các phong trào thi đua. Bản thân đồng chí Đặng Công Lý có nhiều công lao, thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển của ngành; tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua của Tòa án và của địa phương. Chỉ tính từ năm 2009 đến hết 30/9/2013, đồng chí Đặng Công Lý đã trực tiếp giải quyết, xét xử 527 vụ, việc không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan; số lượng án giải quyết bình quân hàng tháng là 10,9 vụ, việc.

 

Thẩm phán Lê Thị Toàn, Chánh án TAND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa được bổ nhiệm Thẩm phán từ năm 1994, từ đó đến nay đã trực tiếp giải quyết, xét xử hàng ngàn vụ, việc. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2009 đến hết 30/9/2013, đồng chí Lê Thị Toàn đã trực tiếp giải quyết, xét xử 1.076 vụ, việc không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan, số án bị sửa nghiêm trọng vì lý do chủ quan dưới 1%; số lượng án giải quyết bình quân hàng tháng là 22,4 vụ, việc. 

 

Thẩm phán Bùi Thu Hiến, Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk từ năm 2001 đến nay đã trực tiếp giải quyết, xét xử 1.162 vụ, việc không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan, số án bị sửa nghiêm trọng vì lý do chủ quan dưới 1%; số lượng án giải quyết bình quân hàng tháng là 8 vụ, việc.

 

Thẩm phán Lại Văn Trình, Chánh án TAND quận 10, TP. Hồ Chí Minh đã trực tiếp giải quyết, xét xử 621 vụ, việc không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan, số án bị sửa nghiêm trọng vì lý do chủ quan dưới 1%; số lượng án giải quyết bình quân hàng tháng là 8,6 vụ, việc.

 

 Thẩm phán Ma Hồng Thắng, Chánh án TAND huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2009 đến nay đã trực tiếp giải quyết, xét xử 509 vụ, việc không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan, số án bị sửa nghiêm trọng vì lý do chủ quan dưới 1%; số lượng án giải quyết bình quân hàng tháng là 10,6 vụ, việc.

 

Thượng tá Trương Công Nhằm, Chánh án Tòa án quân sự Khu vực 1, Quân khu 5 có ba năm liền được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; đã trực tiếp xét xử 365 vụ án hình sự mà không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy và bị sửa vì lý do chủ quan.

 

Trong số các Thẩm phán không giữ chức vụ lãnh đạo có nhiều Thẩm phán đã giải quyết số lượng lớn các loại vụ án, điển hình như: Thẩm phán Nguyễn Thị Hương, công tác tại TAND TP. Vinh, tỉnh Nghệ An; đã trực tiếp giải quyết, xét xử 849 vụ, việc không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan; số lượng án giải quyết bình quân hàng tháng là 10 vụ, việc. Thẩm phán Trần Thị Ngọc Dung, công tác tại TAND huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; từ tháng 9/2011 đến nay đã trực tiếp giải quyết, xét xử 502 vụ, việc không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan; số lượng án giải quyết bình quân hàng tháng là 20,9 vụ, việc. Thẩm phán Văn Thảo Linh Phương, công tác tại TAND TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; từ năm 2009 đến nay đã trực tiếp giải quyết, xét xử 578 vụ, việc không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan; số lượng án giải quyết bình quân hàng tháng là 12 vụ, việc. 

 

Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức vinh danh các Thẩm phán - những người cầm cân, nảy mực, bảo vệ công lý, một sự kiện quan trọng được TANDTC tổ chức theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 39/CT-TW của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến” gắn với phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” gắn với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, đây cũng là hoạt động thiết thực trong việc đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị TW4 (khóa XI) của Đảng, nhất là khắc phục những tồn tại, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình của cán bộ, đảng viên; là cơ hội tốt để từng đồng chí Thẩm phán đánh giá lại chính bản thân mình, cả về phẩm chất, kiến thức, năng lực nghiệp vụ; đồng thời khích lệ, động viên toàn thể cán bộ, công chức TAND và Tòa án quân sự các cấp học hỏi, noi gương những Thẩm phán được vinh danh hôm nay. Qua sự kiện quan trọng này, góp phần để lãnh đạo TAND và Tòa án quân sự các cấp đánh giá đúng thực trạng trình độ năng lực của đội ngũ Thẩm phán, tạo tiền đề cho việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ, công chức Tòa án.

 

Mặc dù thời gian chuẩn bị không nhiều, có những khó khăn nhất định, nhưng với quyết tâm xây dựng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tập thể lãnh đạo TAND và Tòa án quân sự các cấp đã thực hiện đúng yêu cầu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND về việc lựa chọn Thẩm phán có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để vinh danh. Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND và các Vụ chức năng của TANDTC đã làm tốt công tác tham mưu để giúp cho việc xét chọn được thực hiện đúng quy định. Đó chính là một trong những yếu tố bảo đảm cho sự thành công của đợt vinh danh này.

 

Với kết quả đạt được, cho phép chúng ta khẳng định: Đợt xét chọn để vinh danh những Thẩm phán có thành tích xuất sắc trong công tác xét xử lần thứ nhất đã được tổ chức thực hiện thành công. Từ kết quả của đợt vinh danh này đã cho chúng ta những kinh nghiệm tốt để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đánh giá cán bộ, có các chuyên đề để phát hiện, bồi dưỡng chuyên sâu cho các Thẩm phán và là tiền đề quan trọng để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn việc xét chọn và vinh danh Thẩm phán trong những năm tới.

 

Đ/c Nguyễn Văn Thuân (Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức thành công xét chọn, vinh danh “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”: Nhiều bài học quý