Tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp

Mai Thoa| 23/10/2021 08:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào chiều nay (23/10). Đây là một chính sách được đánh giá là rất quan trọng đối với ngành Tòa án trong thời gian tới.

qh-.jpg

Có thể thấy rằng, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được triển khai thực hiện phù hợp với quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng của Đảng như, Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW, Nghị quyết số 52-NQ/TW, của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết mà Đại hội XIII đã đề ra.

Việt Nam tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN và đã cam kết đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử theo Nghị quyết của Hội đồng. Hiện nay, đa số Tòa án các nước khu vực ASEAN đã thực hiện việc xây dựng Tòa án điện tử, (Chỉ còn Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma chưa thực hiện) và tổ chức xét xử trực tuyến. Việt Nam cũng phải từng bước thực hiện cam kết này để phục vụ tốt nhất nhu cầu của Nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển chung và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ngày nay, sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của kỷ nguyên công nghệ, thời đại kỹ thuật số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của Tòa án.

Thực tiễn quốc tế cho thấy, thời gian vừa qua, các nước có nền khoa học công nghệ phát triển (như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore…) đã chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp. Từ cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến; tống đạt điện tử; cung cấp, tiếp nhận chứng cứ điện tử, trực tuyến… đến xét xử trực tuyến đều được các quốc gia này thực hiện một cách thường xuyên và dần thay thế hoạt động tố tụng truyền thống. Kinh nghiệm của các quốc gia đã xét xử trực tuyến cho thấy có hai cơ chế xây dựng hạ tầng pháp lý cho hoạt động này, một là xây dựng đạo luật riêng về tố tụng điện tử, hai là giao cho Tòa án nhân dân tối cao quy định, hướng dẫn thực hiện.

Tại Việt Nam, thời gian qua, để góp phần hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với toàn xã hội nói chung, công tác xét xử nói riêng, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo hệ thống Tòa án áp dụng nhiều giải pháp phù hợp, khẩn trương đưa các vụ án (đặc biệt là các vụ án liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19) ra xét xử, bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân cũng bị ảnh hưởng, nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Nhằm bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần phòng chống dịch bệnh, ổn định trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo đảm công tác xét xử, giải quyết các vụ án được kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Các đạo luật hiện hành về tố tụng tư pháp (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Bộ luật Tố tụng hình sự đã bổ sung quy định nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử, hỏi người làm chứng qua mạng máy tính, mạng viễn thông; Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đã cho phép thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử, thực hiện các thủ tục tố tụng cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, khởi kiện đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử...

Thực tiễn thời gian qua, một số Tòa án khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử vụ án xâm hại tình dục, vụ án tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho Luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.

Thực hiện kế hoạch xây dựng Tòa án điện tử, thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai một số hoạt động như: Ban hành các bghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tố tụng điện tử; công khai bản án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án, tổ chức các hội nghị trực tuyến; cung cấp một số dịch vụ tư pháp công trên nền tảng số,…

Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cũng phải tổ chức họp và điều hành một số hoạt động của mình qua phương thức trực tuyến. Tòa án cũng bị thúc ép và tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh.

Từ những phân tích nêu trên, có thể khẳng định tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn hiện nay.

Bởi lẽ, tổ chức phiên tòa trực tuyến bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời (trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, phiên tòa trực tuyến còn góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh); bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa. Giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa và do đó tiết kiệm chi phí xã hội; góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp