Với 458/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 99,78%, sáng 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Đảm bảo nguyên tắc địa phương tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 50 Điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025. Theo luật, đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn; đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
Luật quy định 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Trong đó, tổ chức chính quyền địa phương tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, bảo đảm trách nhiệm giải trình gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực.
Luật cũng quy định, HĐND gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Không quy định cứng số lượng Ủy viên UBND các cấp trong Luật
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, Thường trực HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp và thống nhất với các quy định có liên quan.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp bảo đảm có sự phân biệt nhất định về phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng cấp, tạo cơ sở cho việc tiếp tục quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, ổn định, lâu dài của Luật.
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục kế thừa cách thức quy định của Luật hiện hành về số lượng đại biểu HĐND, số lượng Phó Chủ tịch HĐND, số lượng các Ban của HĐND thay vì giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể. Đồng thời, chỉnh lý quy định về cơ cấu tổ chức của UBND các cấp bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến nêu trên và bổ sung thêm một điều (Điều 28) quy định cụ thể về số lượng đại biểu HĐND các cấp trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành; đồng thời bổ sung quy định về số Phó Chủ tịch HĐND, số lượng Ban của HĐND tại các điều khoản tương ứng trong dự thảo Luật để bảo đảm thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật và việc tổ chức công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Đối với cơ cấu tổ chức của UBND, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể số lượng Ủy viên UBND các cấp để tạo sự chủ động trong việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức của UBND các cấp, phù hợp với chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo từng giai đoạn.