Tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND thành công, đúng pháp luật

Ngọc Mai| 25/03/2021 15:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội đồng Bầu cử quốc gia đã khẩn trương triển khai công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp theo đúng quy định pháp luật, tiến độ đề ra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết.

nhp.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo

Sáng 25/3, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, từ khi thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia đến tháng 3/2021.

Bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử

Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã khẩn trương triển khai công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong phạm vi cả nước theo đúng quy định pháp luật, tiến độ đề ra, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh nhằm bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công.

Theo đó, các cơ quan phụ trách bầu cử ở Trung ương và địa phương đã được thành lập đúng tiến độ, số lượng và thành phần theo quy định của pháp luật, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm tổ chức cuộc bầu cử theo kế hoạch đề ra với tinh thần khẩn trương, cẩn trọng và trách nhiệm cao. Trong đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia được Quốc hội Khóa XIV thành lập tại Kỳ họp thứ Chín với 21 thành viên, gồm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên.

Xác định công tác ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn bầu cử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã sớm triển khai việc lập kế hoạch phân công cơ quan ban hành các văn bản liên quan về công tác bầu cử.

Tính đến thời điểm này, các cơ quan có thẩm quyền đã hoàn thành việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bầu cử; trong đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành Nghị quyết về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kịp thời chỉ đạo ban hành nhiều văn bản trả lời, hướng dẫn địa phương và các cơ quan, tổ chức về các vấn đề cụ thể; xây dựng cuốn sách Hỏi - đáp về bầu cử.

Việc sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác bầu cử đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan phụ trách bầu cử các cấp và các cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện.

Ngày 21/1/2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử để quán triệt Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20.6.2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử và phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử…

Sau Hội nghị toàn quốc, các địa phương đã khẩn trương tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử tại địa phương mình để quán triệt Chỉ thị và các văn bản do Trung ương và địa phương ban hành. Các cơ quan, tổ chức hữu quan cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn về công tác bầu cử.

Công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ “trong quá trình hiệp thương đã cân đối hợp lý cơ cấu kết hợp, cơ cấu định hướng thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; chú ý đến việc bảo đảm tỷ lệ ứng cử là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội”.

Đến nay, thống kê sơ bộ, đã nhận được 1.136 hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV; 7.495 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Tính đến ngày 19/3/2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu HĐND ở các cấp.

Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người (trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.

Trên cơ sở chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử cũng đã được triển khai rộng khắp trong cả nước với nhiều hoạt động, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú…

Tập trung các nhiệm vụ

Căn cứ quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các quy định liên quan, trong thời gian tới, Hội đồng bầu cử quốc gia phối hợp với các cơ quan tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ.

Một là, tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Hai là, phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương theo đúng nguyên tắc và tiêu chí phân bổ.

Ba là, tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Bốn là, công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước và danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử đúng thời hạn quy định.

Năm là, thành lập Tổ bầu cử ở mỗi khu vực bỏ phiếu theo đúng tiến độ. Rà soát danh sách cử tri; niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Sáu là, tổ chức để người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gặp gỡ, tiếp xúc cử tri thực hiện vận động bầu cử, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bảy là, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở trung ương và địa phương. Thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương về công tác bầu cử.

Tám là, chỉ đạo việc cấp phát kinh phí, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử.

Chín là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử theo các giai đoạn với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, có chiều sâu nhằm tuyên truyền về cuộc bầu cử, nhất là ý nghĩa của cuộc bầu cử, danh sách những người ứng cử; củng cố các cụm khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tranh cổ động tại các khu vực đông dân cư và các địa điểm bỏ phiếu; đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Cuối cùng, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế; phòng, chống sự phá hoại của các thế lực thù địch thông qua nhiều biện pháp; có phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thiên tai, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ hiệu quả để bảo đảm tổ chức ngày bầu cử thành công, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND thành công, đúng pháp luật