Phải đặt hạnh phúc của con lên trên tất cả, để con được sống đúng với bản năng giới của mình thì con mới hạnh phúc, chứ không nên đè nén, chối bỏ nó…
Đây là câu chuyện của một người cha, nguyên là cán bộ một viện khoa học tại Hà Nội, có đứa con trai duy nhất là người đồng tính. Anh năm nay 30 tuổi, sau khi hoàn thành khóa học nghiên cứu sinh tại Pháp đã trở về Việt Nam sinh sống và làm việc.
Vị phụ huynh này cũng tham gia cộng đồng PFALG (hội phụ huynh có con là đồng tính), tham gia nhiều hội thảo dành cho những người có con là LGBT (Lesbian - Gay - Bisexual -Transgender, đó là Cộng đồng những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới), nhưng ông cũng chia sẻ “chưa muốn chia sẻ rộng rãi trên báo chí”. Tôn trọng nguyện vọng của ông, chúng tôi xin giấu tên và nơi công tác của người cha này.
Câu chuyện của ông được xem như lời chia sẻ đến những người làm cha làm mẹ có con mang xu hướng giới tính khác bản dạng sinh học có cách ứng xử đúng đắn, hợp lý để giúp con có thêm niềm tin và nghị lực hòa nhập cộng đồng…
Niềm kỳ vọng bị dập tắt
Năm 2011, khi đang làm nghiên cứu sinh bên Pháp, qua một lần chat voice, con trai tôi nói với mẹ nó rằng “con là người đồng tính”. Con kể hồi cấp 3 có thích một vài bạn trai. Rồi vợ tôi nói với tôi. Shock. Tôi như chết đứng. Vợ tôi cũng không khác gì.
Quả thật vợ chồng tôi chưa chuẩn bị tinh thần để đón nhận một thông tin như thế này. Nó ngoan ngoãn, học giỏi, suốt ngày chỉ biết học. Tốt nghiệp đại học xong, nó lại lao vào học ngoại ngữ rồi xin học bổng đi du học bên Pháp. Có ai ngờ…
Vợ chồng tôi đều là trí thức, nên những chuyện như thế này cũng không lạ gì. Nhưng tôi nghĩ nó chỉ ở đâu đó thôi, chứ không bao giờ có thể nghĩ rằng con mình lại như thế. Đứa con trai duy nhất mà tôi kỳ vọng, đặt bao nhiêu niềm tin hi vọng và dự định tương lai, cuối cùng lại là một người đồng tính. Nó sẽ không lấy vợ. Sẽ không sinh con đẻ cái. Sẽ không có người nối dõi tông đường. Tôi sẽ không có cháu nội để bồng bế. Chỉ nghĩ đến viễn cảnh ấy thôi, tôi cảm giác như đất trời sập xuống. Vậy là hết tất cả sao?
Ký ức tuổi thơ về đứa con sống nội tâm
Lần giở lại những dòng hồi ức từ khi cháu còn nhỏ. Ở cái tuổi mẫu giáo đúng là con tôi có một số biểu hiện hơi khác. Cháu ít nói, ít thể hiện, không cởi mở, sống nội tâm, khép kín. Cháu không có mấy bạn bè, kể cả con trai lẫn con gái.
Khi đó, thực sự chúng tôi cũng chỉ cho rằng cháu là người sống nội tâm, chỉ biết học hành nên không chơi bời với bạn bè thôi. Học hết cấp 3, vào đại học. Cháu vẫn là một thằng con trai ngoan ngoãn chỉ biết vùi đầu vào sách vở. Rồi sau đó, cháu lại tiếp tục đi du học 5 năm. Gia đình tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng con muốn tập trung vào hướng nghiệp trước, yêu đương sau cũng được nên không giục giã gì.
Ảnh minh họa
Chấp nhận và ủng hộ
Khi con công khai giới tính của mình, chúng tôi shock. Bất cứ cha mẹ nào cũng vậy thôi. Với nhiều gia đình không có kiến thức về đồng tính nên hoang mang, giận dữ, thậm chí mắng chửi con. Nhưng tôi không có chuyện đó. Dù là vậy thì hình ảnh con trong mắt tôi cũng trở nên khác đi bởi tôi đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào đứa con trai duy nhất của mình.
Tôi đã mất ba năm để chấp nhận hoàn toàn chuyện này. Nhưng sự chấp nhận ban đầu đối với tôi chỉ là sự khiên cưỡng. Cháu đã gửi cho chúng tôi khá nhiều tài liệu liên quan đến LGBT. Sau đó, tôi đến các tổ chức hoạt động vì quyền các nhóm dễ bị kỳ thị trong xã hội, các buổi hội thảo để chia sẻ và nhờ tư vấn. Dần dần tôi có kiến thức chuẩn hơn về đồng tính, và từ đó tương đối yên tâm và chấp nhận. Thế nhưng, sự chấp nhận này vẫn chưa đủ.
Sau đó tôi tiến thêm một bước là tìm hiểu xem con đã trải qua thời kỳ gì, đã phải chịu đau khổ như thế nào. Bằng kiến thức thu lượm được, tôi hiểu con đã từng có thời kỳ cảm thấy xa lạ, cảm thấy khác biệt với các bạn cùng lớp… và cảm thấy lạc lõng vì sợ bị chê cười…
Vì con là người sống nội tâm, ít cởi mở, nên tôi thấy rằng càng cần phải gần gũi tâm sự với con nhiều hơn để tìm hiểu xem con nghĩ gì, muốn gì. Tôi hiểu khi con người ta có một cái gì mà phải giấu thì sẽ thấy bức bối, khó chịu lắm, không giải tỏa tinh thần được. Nhất là khi tuổi đã lớn rồi mà bố mẹ cứ gợi ý yêu cô này, lấy cô kia thì sức ép ngày càng tăng…
Tôi cũng tìm hiểu xem con mình muốn ở mình cái gì, vì khi con mình đã nói với bố mẹ có nghĩa là rất cần sự giúp đỡ về tinh thần và tâm lý. Thái độ của bố mẹ khi này rất quan trọng và tác động nhiều tới con. Nếu như cha mẹ giận dữ, mắng chửi, đuổi đánh thì sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của con rất nhiều. Con sẽ suy sụp bởi con cái chỉ có gia đình là nơi trông cậy, dựa vào, nếu không khéo sẽ đẩy con vào tâm lý tiêu cực, trầm cảm.
Chúng tôi tham gia tích cực các hội thảo, tọa đàm, gặp những phụ huynh có con như mình trao đổi, chia sẻ với nhau, tham gia các cuộc vận động trong xã hội, rồi tham gia đóng góp ý kiến trong dự thảo luật hôn nhân đồng giới, đấu tranh, vận động… để những người LGBT có thể được công nhận, và có một vai trò trong xã hội. Chính những việc làm này đã giúp con tôi phấn khởi và suy nghĩ tích cực hơn.
Đặt hạnh phúc của con trên tất cả
Tôi rút ra được một kinh nghiệm rất quý báu và có thể phổ biến cho tất cả các phụ huynh. Đối với tôi, có một con trai duy nhất mà ở Việt Nam nặng nề cái nối dõi tông đường. Ai cũng mong con lớn lên, lấy vợ, có cháu bồng… Nhưng thực ra tôi cũng nghĩ mãi rồi, đây là điều không thể thay đổi được nên đừng nghĩ đến để chống lại nó mà để mất sức, làm suy hao về trí lực mà không giải quyết được vấn đề gì. Mình có thể nhìn trên một lăng kính tích cực hơn.
Vũ khí, bí quyết hóa giải tất cả những chuyện đau buồn, sĩ diện với hàng xóm, bạn bè, thậm chí hoang mang, bế tắc mà tôi tìm ra được là dựa vào tình yêu thương con vô bờ bến của cha mẹ với con. Phải đặt hạnh phúc của con lên trên tất cả, để con được sống đúng với bản năng giới của con thì con mới hạnh phúc, chứ không nên đè nén, chối bỏ nó. Hãy nghĩ con hạnh phúc thì mình sẽ cảm thấy hạnh phúc.