Trong mỗi chúng ta, hẳn không ít người mặc định trong tiềm thức, chốn pháp đình là nơi đẫm nước mắt, ly tan, buồn thương, là nơi hận thù, đối nghịch… song thực tế không phải hoàn toàn như vậy.
Với tôi, thời gian tác nghiệp, gắn bó với chốn pháp đình chưa đủ nhiều để thấy hết những góc khuất nơi đây nhưng ngần ấy thời gian cũng đủ để trái tim tôi lắng lại, cảm nhận những mảnh đời và tình người đọng lại sau mỗi phiên tòa.
Mỗi phiên tòa là mỗi câu chuyện mang những sắc màu khác nhau, song ở đó, gam màu buồn luôn chiếm phần lớn. Dù bị cáo phạm tội gì, phạm tội như thế nào và cho dù những phán quyết cuối cùng ra sao thì những bản án được tuyên vẫn đọng lại những dư vị mặn đắng. Chứng kiến nhiều phiên tòa, đặc biệt là các vụ án “Giết người”, tôi không khỏi giật mình khi nghe bị cáo trình bày những hành vi phạm tội của mình. Và phần lớn những người dự khán có chung một quan điểm, đối với những kẻ coi thường pháp luật, có tính chất côn đồ, máu lạnh… cần phải có một khung hình phạt thật nặng để thức tỉnh.
Còn nhớ mới đây, TAND TP. Đà Nẵng đưa bị cáo Nguyễn Vỹ Hùng (SN 1995, trú tại Chung cư Nam Tuyên Sơn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) về các tội danh “Giết người”; “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản” trong sự phẫn nộ của đông đảo người dân tham dự phiên tòa. Để đạt được mục đích cuối cùng của mình, Hùng đã dùng dao đâm nhiều nhát vào chị Phan Thị Tâm (hàng xóm) cho đến khi chị Tâm ngã quỵ.
Hành vi của Hùng quá dã man, không còn tính người. Những lời đối đáp tại Tòa cho thấy, thái độ của bị hại hết sức bức xúc trước những gì mà bị cáo gây ra cho mình. Vậy nhưng khi đến phần HĐXX hỏi về các yêu cầu dân sự cũng như hình sự đối với bị cáo, chị Tâm đã khiến mọi người ngạc nhiên. Sau khi bày tỏ thái độ khá căng thẳng về những gì Hùng gây ra cho bản thân mình, giọng chị Tâm lạc đi. Chị cảm thông cho hoàn cảnh gia đình của bị cáo, cha mẹ già yếu, kinh tế khó khăn… rồi chị xin HĐXX xem xét giảm mức hình phạt cho bị cáo. Chị mong những gì bị cáo đã gây ra cho mình là bài học đắt giá cho bản thân và mong muốn Hùng sớm nhận ra được lỗi lầm, cải tạo tốt để trở về làm người có ích cho xã hội, có cơ hội báo hiếu cha mẹ già.
Bị hại (đứng phía sau) xin HĐXX giảm án cho bị cáo
Nghe lời xin giảm án cho con, cha của bị cáo xúc động cảm ơn người bị hại trong nước mắt. Ông thực sự cảm kích trước tấm lòng của người phụ nữ ngồi dãy bàn ngang hàng với mình. Ông biết, chính những lời nói của chị hôm nay khiến những bậc làm cha, làm mẹ như ông phải day dứt về cách nuôi dạy con của mình. Nhưng hơn cả, ông hy vọng con trai của mình biết “ngộ” ra trước cuộc sống. Kết thúc phiên tòa, người ta lại thấy chị Tâm ân cần đến bên cha bị cáo động viên rồi dìu cha bị cáo ra về. Người dự khán thực sự xúc động trước lối hành xử của chị Tâm đối với bị cáo và gia đình bị cáo. Sự bao dung của bị hại trong các vụ án đều được HĐXX xem xét trong lúc lượng hình, bởi đó là một tình tiết giảm nhẹ tội được quy định tại Điều 46 BLHS.
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường thấy tình yêu thương con người là liều thuốc chữa lành mọi vết thương và cảm hóa được cái xấu, cái ác, đồng thời xua đi sự nặng nề, bế tắc. Khi bản án được tuyên cũng đồng nghĩa với cái ác đã bị trừng phạt. Để thanh lọc tâm hồn, để xoa dịu những nỗi đau thì chỉ có thể là tình người đọng lại. Vụ án “Giết người” mà TAND TP. Đà Nẵng xét xử mới đây cũng cho thấy, bị hại là người rộng lượng, bao dung.
Người nhà bị hại động viên vợ bị cáo “đừng buồn nhiều, rồi cậu ấy cũng sớm quay về”
Chỉ vì muốn mượn điện thoại nhưng bất thành, Trần Đình Khá (SN 1994, trú tổ 29, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã dùng kéo đâm một nhát vào cổ xuyên thấu vòm họng anh Nguyễn Văn Thưa. Khá bất bình trước hành vi của Khá cũng như không đồng ý với những lời khai trước sau bất nhất của Khá tại Tòa, nhưng anh Thưa vẫn một mực xin HĐXX giảm án cho Khá. Anh chỉ mong, Khá hiểu ra những sai lầm mà mình gây ra chỉ là nhất thời, đừng để hận thù khiến bản thân không thể tốt lên được.
Nghe những lời của bị hại trước Tòa, bị cáo, gia đình bị cáo mới thấm thía được lòng bao dung của con người là bàn tay ấm nhất, ý nghĩa nhất, vực những tội lỗi, những sai lầm đi về nẻo thiện. Quả chẳng sai khi một vị Thẩm phán hơn 30 năm giữ cán cân công lý đã nói “bản án không phải là một sự trả thù”. Cái họ cần chẳng phải là sự trả thù mà là một chữ “ngộ”: Ngộ ra những lẽ sống, ngộ ra những điều sai trái để làm lại cuộc đời. Và, để có cái “ngộ” đó, cần có một sự sẻ chia. Ai trong đời cũng có lỗi lầm, nhưng quan trọng là biết đứng lên từ lầm lỗi. Với những phạm nhân, những người lầm lỗi, cái ngoảnh mặt của người đời là sự bế tắc khôn cùng. Chỉ cần một cái níu tay, nụ cười cảm thông sẽ giúp họ vượt qua những mặc cảm.
Chúng ta bắt gặp ở chốn pháp đình sự căng thẳng, những nỗi bất hạnh, tuyệt vọng, bức xúc… Thế nhưng, giữa những mất mát và tội ác, chúng ta lại thấy không thiếu những câu chuyện cảm động đầy tình người mà chúng tôi gọi đó là những “văn bản ngoài Tòa” rất nhân văn. Điều đọng lại ở đây, đôi khi tội ác cũng cần nhận được một sự bao dung để giúp phạm nhân đoạt tuyệt với lỗi lầm của mình trong quá khứ.