Tình mẫu tử trong chốn lao tù

Đoàn Nga| 17/02/2016 14:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ghì xiết cậu con trai thông minh, xinh xắn vào lòng như muốn truyền hết tình yêu thương mẫu tử vào con bởi Nguyễn Thị Xuân Nhàn hiểu rằng, những ngày phải rời xa con trai đã đến gần.

Mong mỏi có con từ những ngày còn tự do, nhưng mãi đến khi bị bắt Nhàn mới hay trong cơ thể mình đang có một mầm sống. “Lúc biết mình có thai, em nhắn tin cho chồng lo trả nợ cho mọi người xong đi thì đến lúc ra tòa chắc cũng hết tội, về giải quyết cái thai là vừa. Em không nghĩ tới chuyện sinh con vì có hai con rồi”.

Thế rồi người tính không bằng trời tính, mầm sống trong bụng Nhàn vẫn vươn lên mạnh mẽ, chồng cô không lo được tiền trả nợ và ngày ra tòa, Nhàn phải cúi đầu nhận án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau đó, cô về thụ án tại trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình).

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Nghệ An, ngay từ bé Nhàn đã có khát vọng thoát khỏi cảnh “chân lấm tay bùn” nên vừa học xong Nhàn quyết định khăn gói lên Thủ đô lập nghiệp.

Sau khi lập gia đình, Nhàn mạnh dạn thành lập công ty TNHH dịch vụ và thương mại Kim Tín Phát, với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là dịch vụ ăn uống và nhà hàng.

Tháng 10/2010, vợ chồng Nhàn đã thế chấp ngôi nhà đang ở tại ngõ 312 Bạch Đằng, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho ngân hàng để vay 2 tỷ đồng để lấy vốn làm ăn. Một năm sau, cũng ngôi nhà này, Nhàn tiếp tục thế chấp cho một ngân hàng khác để vay 3,5 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, “nữ quái” này còn thuê người làm giả thêm 3 bản chính sau đó lừa bán cho những người có nhu cầu mua nhà, chiếm đoạt của họ số tiền gần 10 tỷ đồng.

Mỗi khi bán nhà cho ai đó, Nhàn thường đưa lý do muốn chuộc lại nhà để làm nơi thờ cúng rồi xin người mua cho chị ta vài tháng để thu xếp tiền chuộc lại nhà. Mục đích của Nhàn là tạo lòng tin ở người mua hòng kéo dài thời gian để chị ta kịp sử dụng số tiền lừa đảo cho đến khi “khổ chủ” đi làm thủ tục sang tên nhà đất mới phát hiện ra giấy tờ mua bán của mình là giả mạo. Bằng cách làm này, Nhàn đã lừa được 3 người và tất cả chỉ biết được màn kịch lừa gạt của Nhàn khi đi làm lại giấy tờ.

Tình mẫu tử trong chốn lao tù

Phạm nhân Nguyễn Thị Xuân Nhàn và con trai

Lĩnh án chung thân, đường về của Nhàn mịt mù tăm tối, chị ta chỉ còn lại cậu con trai là niềm an ủi, động viên tinh thần. Ngày con trai ra đời, bên cạnh mẹ con Nhàn chỉ có những cán bộ quản giáo quan tâm, an ủi, động viên. “Mẹ tròn con vuông”, Nhàn quyết định giữ con lại chăm sóc bởi cô hiểu rằng với mức án phải chịu, Nhàn sẽ không có nhiều thời gian cho con nên thời điểm con còn bé là cơ hội để cô cận kề, yêu thương, vun đắp tình mẫu tử cho con trai. “Em chẳng biết sau này con còn nhớ gì về mẹ nó không nhưng em vẫn muốn giữ con bên cạnh được ngày nào hay ngày ấy”, Nhàn buồn bã tâm sự.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Nhàn lĩnh án, với một vài ba bận lên thăm cho phải phép, chồng Nhàn tuyên bố ly thân với cô. Nhắc đến chồng con, đôi mắt u uất của người đàn bà sinh năm Kỷ Mùi này rơm rớm, xót xa. Nhàn đã phải trả một cái giá quá đắt cho lòng tham của mình. Nhàn mất tự do, mất chồng và quan trọng nhất là mất đi sự chăm sóc, tình mẫu tử với những đứa con mà mình đã sinh ra.

Cậu con trai út thiệt thòi được sinh ra khi mẹ nó là một tù nhân, thiếu đi sự quan tâm, yêu thương của bố nhưng may mắn cậu vẫn được sự quan tâm của Ban giám thị trại giam, cán bộ quản giáo, đến cả những người cùng cảnh như mẹ của nó. Có thứ gì ngon, mọi người đều nhường nhịn, san sẻ cho cháu bé và cả những đứa trẻ khác đang sống trong trại.

Những ngày tết, bọn trẻ ở đây cũng được mọi người mừng tuổi, cho quà bánh rất nhiều, đấy là chưa kể những gia đình nào có điều kiện còn gửi đường sữa vào cho con ăn uống bồi bổ thêm.

Con trai Nhàn quá nhỏ để hiểu về hoàn cảnh của mình, cậu bé hồn nhiên, lon ton chạy tới sà vào lòng các cô quản giáo như những người thân trong gia đình. Theo quy định, khi tròn 36 tháng bé sẽ được giao về cho gia đình chăm sóc. Rồi thời gian, trong trí óc non nớt của cậu bé sẽ quên đi những tháng ngày sống với mẹ trong trại giam, quên đi những câu “chào cán bộ” hay “kẻng rồi, đi ngủ thôi”.

Với Nhàn, cô rất sợ con trai sẽ quên cô, quên đi những ấm áp mà cô đang tranh thủ từng giây từng phút truyền cho cậu con trai bé bỏng. Ôm con thật chặt vào lòng nhưng Nhàn cũng hiểu rằng, ngày rời xa con cũng đang đến thật gần...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình mẫu tử trong chốn lao tù