Gần 12 ca mắc COVID-19 trên toàn cầu; Mỹ chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO; Tổng Giám đốc WHO tuyên bố COVID-19 vẫn chưa tới đỉnh dịch… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Thế giới gần 12 triệu ca mắc COVID-19
Theo worldometers.info, cập nhật đến 6h00 sáng 8/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 11.925.767 ca, trong đó có 545.356 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 6.837.174 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 58.041 và 4.543.110 ca đang điều trị tích cực.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (47.974 ca), Brazil (42.518) và Ấn Độ (23.135 ca); trong khi Brazil đứng đầu về số ca tử vong (với 1.185 người chết), tiếp theo là Mỹ (853 ca) và Ấn Độ (479 ca).
Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Manaus, Brazil.
Mỹ chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO
Thượng Nghị sĩ Robert Menendez ngày 7/7 thông báo Nhà Trắng đã bắt đầu tiến trình chính thức rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cắt đứt mối quan hệ với tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu này trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Trên tài khoản Twitter, Thượng Nghị sĩ Menendez cho biết quyết định rút khỏi WHO có hiệu lực kể từ ngày 6/7 và thông báo đã được gửi tới Tổng Thư ký LHQ.
Tổng Giám đốc WHO tuyên bố COVID-19 vẫn chưa tới đỉnh dịch
Ngày 7/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đang gia tăng, song thế giới vẫn chưa tới đỉnh dịch.
Tổng thống Brazil mắc COVID-19
Ngày 7/7, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết mình đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thông tin này được ông xác nhận khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Đây là lần thứ 4 ông Bolsonaro tiến hành xét nghiệm COVID-19 sau khi có những triệu chứng mắc bệnh như sốt cao.
Israel thông qua luật mới chống COVID-19
Ngày 7/7, Quốc hội Israel đã thông qua luật mới, cho phép chính phủ bỏ qua quyết định của cơ quan lập pháp liên quan đến cuộc chiến chống dịch COVID-19. Theo luật mới, chính phủ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp và thay đổi các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19, mà không cần phải chờ vấn đề này được đem ra tranh luận tại Quốc hội.
Kenya: Năm 2021 mới mở lại trường học
Tại Kenya, chính phủ xác nhận năm học 2020 đã không thể tiếp tục do dịch COVID-19, đồng thời tuyên bố các học sinh tiểu học và trung học sẽ quay trở lại trường vào tháng 1 năm sau.
Năm học của Kenya kéo dài từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm và kết thúc bằng các kỳ thi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Kenya George Magoha nhận định nhiều khả năng dịch bệnh sẽ chỉ hạ nhiệt vào tháng 12 tới. Do đó, không có kỳ thi nào của cấp tiểu học và trung học được tổ chức, khiến năm học 2020 xem như bị hủy bỏ do các biện pháp hạn chế dịch bệnh.
Nga phản đối gia hạn viện trợ nhân đạo qua biên giới ở Syria
Ngày 7/7, các nhà ngoại giao cho biết Nga đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vốn được Đức và Bỉ đề xuất, về việc gia hạn hoạt động viện trợ nhân đạo qua biên giới ở Syria.
Trước đó, dự thảo nghị quyết của Đức-Bỉ có nội dung gia hạn 1 năm việc cho phép hàng viện trợ vào Syria qua 2 trạm kiểm soát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, mà không lo ngại sự can thiệp từ Damascus. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, Nga đã yêu cầu chỉ gia hạn hoạt động này 6 tháng và sử dụng một trong hai cửa khẩu biên giới.
Khủng hoảng nhân đạo tại Syria
Đảng Dân chủ Mỹ đề xuất thúc đẩy cải cách ngành cảnh sát
Ngày 7/7, Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã đề xuất một loạt các cải cách cho ngành cảnh sát, cũng như khoản chi lên tới 596,7 triệu USD cho các chương trình cải cách.
Dự luật có tên “Chi tiêu thương mại, tư pháp và khoa học năm 2021” bao gồm 400 triệu USD cho các sáng kiến nhằm thúc đẩy các cuộc điều tra độc lập về thực thi pháp luật, điều tra thực tiễn và tìm kiếm các vấn đề mang tính hệ thống trong việc trị an, các tổ chức dựa vào cộng đồng đang tìm cách cải thiện việc thực thi pháp luật và các sáng kiến khác.
Nhiều quốc gia phản đối kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel
Ngày 7/7, Ai Cập, Pháp, Đức và Jordan đã cảnh báo việc Israel sáp nhập các phần lãnh thổ của Palestine có thể gây tổn hại cho các mối quan hệ song phương.
WHO đang giám sát trường hợp bệnh dịch hạch tại Trung Quốc
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo cơ quan này đang giám sát một ca bệnh dịch hạch tại Trung Quốc sau khi nhận được thông tin từ giới chức tại thủ đô Bắc Kinh.
Myanmar truy tố các quan chức liên quan đến vụ lở đất làm sập mỏ
Quân đội Myanmar ngày 7/7 đã buộc tội các quan chức liên quan đến vụ lở đất làm sấp mỏ khai thác đá quý ở bang Kachin, miền Bắc Myanmar. Vụ lở đất xảy ra tại địa điểm khai thác mỏ ngọc bích ở làng Sate Mu, thị trấn Hpakant ngày 2/7, làm ít nhất 174 người thiệt mạng và 54 người bị thương. Vụ việc xảy ra sau khi mưa lớn trút xuống khu mỏ này. Các nạn nhân thương vong đều là người lao động tại khu mỏ.
Xe buýt lao xuống hồ, nhiều học sinh thiệt mạng
Ít nhất 21 người thiệt mạng và 15 người bị thương khi một chiếc xe buýt chở học sinh lao xuống hồ ở thành phố An Thuận, tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc.
Theo đài CCTV, các học sinh trên chiếc xe buýt gặp nạn đang trên đường tham dự kỳ thi vào đại học. Hiện công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành và lực lượng chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
Facebook cam kết tăng cường loại bỏ nội dung độc hại
Ngày 7/7, Facebook đã cam kết sẽ tăng cường các biện pháp nhằm gỡ bỏ các nội dung độc hại và thù ghét, trong bối cảnh ban lãnh đạo công ty dự kiến sẽ có cuộc gặp với những người đứng đầu phong trào tẩy chay quảng cáo trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này.