Tin vắn thế giới ngày 4/4: Saudi Arabia tăng thời gian giới nghiêm

Trâm Anh| 04/04/2020 06:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Saudi Arabia tăng thời gian giới nghiêm, y tá New York biểu tình đòi thiết bị bảo hộ chống dịch Covid-19, Indonesia kêu gọi tín đồ Hồi giáo cầu nguyện tại nhà để tránh Covid-19... là những tin tức thế giới nổi bật.

Saudi Arabia tăng thời gian giới nghiêm

Hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia đưa tin ngày 3/4, nước này đã tăng thêm thời gian giới nghiêm tại 3 khu vực nhằm khống chế dịch Covid-19. Cụ thể, từ ngày 3/4, thời gian giới nghiêm tại thành phố Dammam và các tỉnh gồm Taif và al-Qatif sẽ bắt đầu từ 15h thay vì 19h, và kết thúc vào 6h hôm sau. 

Cùng ngày, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã yêu cầu chi 9 tỷ riyal (tương đương 2,4 tỷ USD) để hỗ trợ chi trả một phần lương cho nhân công làm việc trong các lĩnh vực tư nhân. Động thái mới nhất này của Saudi Arabia nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19, sau khi chính phủ đã tung ra gói cứu trợ khẩn cấp nhằm vực dậy nền kinh tế. 

Tin vắn thế giới ngày 4/4: Saudi Arabia tăng thời gian giới nghiêm

Hơn một triệu người nhiễm SARS-CoV-2 toàn cầu.

Y tá New York biểu tình đòi thiết bị bảo hộ chống dịch Covid-19

Cuộc biểu tình do Hiệp hội Y tá bang New York tổ chức. Đây là sự kiện tập trung đông người hiếm hoi của các nhân viên y tế nhằm yêu cầu được cung cấp thêm khẩu trang, áo choàng và các thiết bị bảo hộ khác trong cuộc chiến với Covid-19. Cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài Trung tâm y tế Montefiore, ở khu vực Bronx. Khoảng 30 y tá đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, giơ các biểu ngữ phản đối tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế (PPE) tại New York.

New York ghi nhận gần 100.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có khoảng 2.300 người thiệt mạng. Các y tá cho biết, tình trạng thiếu thiết bị y tế đang khiến cuộc sống của họ gặp nguy hiểm.

Indonesia kêu gọi tín đồ Hồi giáo cầu nguyện tại nhà để tránh Covid-19

Theo quy định, cầu nguyện thứ Sáu tại nhà thờ là một nghĩa vụ bắt buộc đối với người Hồi giáo, đặc biệt là nam giới. Theo lời răn dạy của đạo này, những người không tham gia cầu nguyện thứ Sáu trên 3 lần sẽ bị coi là mang tội. Tuy nhiên, Thư ký Hội đồng Hồi giáo Indonesia cho biết, sự trừng phạt sẽ không xảy ra với những trường hợp đau ốm, bệnh tật hoặc đang trong mối đe doạ đến sự an toàn của linh hồn, ví dụ như bùng phát dịch Covid-19.

Hiện nay, thủ đô Jakarta đã được chấp thuận thực hiện điều khoản cao nhất của Fatwa, tức là tín đồ Hồi giáo không cần tới nhà thờ cầu nguyện thứ Sáu bởi đây là địa phương có sự lây lan dịch Covid-19 cao nhất tên toàn Indonesia. Rất nhiều nhà thờ Hồi giáo tại Indonesia đã thông báo không tổ chức cầu nguyện tập trung thứ Sáu.

Thủ tướng Đức Merkel quay lại làm việc sau thời gian tự cách ly

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức cho biết ngày 3/4, Thủ tướng Angela Merkel đã trở lại văn phòng làm việc sau thời gian tự cách ly và làm việc tại nhà vì tiếp xúc với một bác sĩ được chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2. Bác sỹ này là người tiêm phòng cho bà hôm 20/3.

Cùng ngày, báo Der Spiegel đưa tin, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer muốn đưa thêm 4 nước vào danh sách kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và buộc các hành khách đi máy bay phải thực hiện cách ly.

Hàn Quốc áp đặt biện pháp nghiêm ngặt hơn

Ngày 3/4, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết đã thực thi lệnh hành chính, theo đó lần đầu tiên hạn chế hoạt động đối với tất cả người nước ngoài do lo ngại sự lây lan dịch Covid-19. Lệnh hạn chế bắt đầu áp dụng cho tất cả những người nước ngoài đã đến Hàn Quốc kể từ hôm 1/4 trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực hạn chế các ca bệnh Covid-19 nhập cảnh nước này. Đây là lần đầu tiên một lệnh giới hạn như thế được thực thi tại Hàn Quốc. Những người vi phạm có thể phải đối mặt với án tù tối đa 3 năm hoặc phạt tiền lên tới 20 triệu won (16.261 USD).

Động thái trên được đưa ra khi một số người nước ngoài mắc Covid-19 không tuân thủ các quy định tự cách ly và đi lại mà không đeo khẩu trang, làm gia tăng nguy cơ nhiễm virus trong cộng đồng. Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu tất cả những người nhập cảnh phải cách ly trong 2 tuần kể từ ngày 1/4. Những người nước ngoài không tuân thủ các nguyên tắc tự cách ly sẽ bị trục xuất.

Trung Quốc khuyến cáo giới chức ngoại giao các nước không đến Bắc Kinh

Ngày 3/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị các nhà ngoại giao nước ngoài không đến Bắc Kinh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại nước này qua các trường hợp nhập khẩu. Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho rằng trong số các trường hợp nhiễm bệnh nhập khẩu, có các nhà ngoại giao nước ngoài tại Trung Quốc. Theo bà, khoảng 66% trong số 84 nhà ngoại giao nước ngoài trở lại Trung Quốc kể từ ngày 23/3 đã tiếp xúc gần gũi với các cá nhân bị nhiễm bệnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước đã tạm thời lắng xuống, Trung Quốc đang lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đến từ những người mang virus nhập cảnh nước này. Những ngày gần đây, các ca nhiễm mới ở Trung Quốc chủ yếu là từ "ngoại nhập". Tính đến 3/4, con số này tổng cộng là 710 trường hợp. Trong ngày 2/4, có đến 29/31 ca nhiễm virus corona chủng mới là nhập ngoại.

Israel bắt giữ bộ trưởng Palestine khi đang chống Covid-19

Cảnh sát Israel đã bắt giữ Bộ trưởng Các vấn đề Jerusalem của Palestine Fadi al-Hidmi vì cáo buộc vi phạm lệnh cấm đối với hoạt động chính trị của người Palestine ở phía Đông Jerusalem. Ông al-Hidmi bị bắt tại nhà riêng gần núi Olives hôm 3/4. Văn phòng của bộ trưởng này sau đó công bố cảnh quay camera giám sát cho thấy cảnh sát Israel lục soát ngôi nhà bằng chó nghiệp vụ. Họ còn tịch thu số tiền 10.000 shekel (khoảng 2.750 USD). Đây là lần thứ tư ông al-Hidmi bị bắt.

Các quan chức Palestine nói rằng ông al-Hidmi đang tiếp quản nhiệm vụ hỗ trợ người dân trong việc chống lại dịch bệnh Covid-19. Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cáo buộc Israel nhắm mục tiêu vào những người làm việc cho Jerusalem, ngay cả trong thời điểm quan trọng này khi Palestine cố gắng cứu người dân khỏi virus chết người. Ông Shtayyeh cũng đề nghị Tel Aviv thả ông al-Hidmi ngay lập tức.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga chặn đứng âm mưu khủng bố

Tại thành phố Neftekumsk ở miền Nam nước Nga, lực lượng an ninh đã chặn đứng hoạt động của một nhóm thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bao gồm một cư dân địa phương và một người dân Dagestan - những đối tượng đã lên kế hoạch tấn công cảnh sát và những nơi đông người. Một đối tượng đã bị bắt giữ, trong khi đối tượng thứ 2 đã kháng cự và bị tiêu diệt. Không có dân thường hay nhân viên thực thi luật pháp nào bị thương vong.

Tại thành phố Lyantore, FSB cùng với Bộ Nội vụ Nga đã ngăn chặn hoạt động của một nhóm gồm 3 cư dân địa phương thuộc tổ chức khủng bố Imarat Kavkaz khi họ đang chuẩn bị tấn công khủng bố một trung tâm mua sắm.

Phiến quân thân TNK tấn công dữ dội Quân đội Syria, gây thương vong

Ngày 2/4, nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã dồn dập nã đạn pháo về phía các căn cứ của Quân đội Syria tại Tal Tamr, tỉnh Hasakah. Vụ tấn công gây thương vong cho lực lượng chính phủ Damascus, trong đó một binh sĩ Syria thiệt mạng. Quân đội Syria vẫn chưa đáp trả vụ tấn công mới nhất này.

Hiện tại, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào tình hình ở khu vực Tây Bắc Syria trong khi các vụ đụng độ vẫn tiếp diễn ở phía Đông Bắc nước này. Các tay súng phiến quân do Ankara hậu thuẫn tiếp tục tiến hành những cuộc tấn công nhằm vào Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), vi phạm thỏa thuận ngừng bắn từ cuối năm ngoái. Trong khi đó, nhóm phiến quân hiện diện ở Đông Bắc Syria gây khó dễ cho người dân ở Hasakah bằng cách cắt nguồn cung cấp nước cho người dân tại thủ phủ hành chính của tỉnh này và các khu vực xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 4/4: Saudi Arabia tăng thời gian giới nghiêm