Phóng viên Nam Phi bị IS bắt cóc trở về an toàn sau 3 năm; Nga ngừng cung cấp dầu mỏ cho Belarus... là những tin tức thế giới nổi bật.
Phóng viên Nam Phi bị IS bắt cóc trở về an toàn sau 3 năm
Phóng viên ảnh Shiraaz Mohamed bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc ở Syria 3 năm trước đã trở về nhà một cách an toàn vào ngày 2/1 với sự giúp đỡ của cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.
Phóng viên ảnh Shiraaz Mohamed
“Gift of the Givers” - tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ công dân Nam Phi gặp hoàn cảnh khó khăn ở nước ngoài - trực tiếp tham gia quá trình xử lý vụ việc trên. Gia đình của Shiraaz Mohamed đã xác nhận sự trở về của phóng viên này.
Shiraaz Mohamed và 2 lái xe khác bị bắt vào tháng 1/2017 gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria khi đang trên đường di chuyển để tác nghiệp. Hai lái xe đã được thả tự do không lâu sau đó, tuy nhiên phóng viên Shiraaz Mohamed tiếp tục bị giam giữ.
Shiraaz Mohamed đã trốn thoát khỏi nơi giam giữ với sự trợ giúp của một số người bạn.
Lũ quét tại Indonesia, con số 43 người thiệt mạng chưa dừng lại
Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết tính đến sáng 3/1, số nạn nhân thiệt mạng trong trận mưa lũ trên đã tăng lên 43 người. Khoảng 400.000 cư dân đã sơ tán đến những nơi tạm trú do mưa bão. Số nạn nhân thiệt mạng có thể tiếp tục tăng do hiện nay nhiều gia đình báo có người thân mất tích chưa được tìm thấy.
Chính quyền các địa phương vẫn đang tích cực tiến hành công tác tìm kiếm, cứu nạn sau mưa lũ và khắc hậu quả thiên tai. Hàng trăm máy bơm đã được sử dụng để hút nước khỏi các khu dân cư và cơ sở hạ tầng như đường ray tàu hỏa. Trước đó, ứng dụng công nghệ làm mưa nhân tạo, sử dụng hóa chất rải từ máy bay để tạo mưa, nhằm "kéo” mưa đến các khu vực thưa dân cư bên ngoài thủ đô được dự kiến bắt đầu vào ngày 3/1.
100 nghĩa trang người Duy Ngô Nhĩ “bị phá hủy”
Trong một cuộc điều tra suốt 1 tháng, tiếp xúc với nhiều nguồn tin trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và phân tích hàng trăm hình ảnh vệ tinh, CNN phát hiện hơn 100 nghĩa trang đã bị phá hủy trong 2 năm qua. Báo cáo cũng được kiểm chứng bằng thông báo chính thức của chính phủ Trung Quốc về việc "di dời" các nghĩa trang.
Chính phủ Trung Quốc không phủ nhận việc phá hủy các nghĩa trang, song khẳng định rằng đây là hành động cần thiết nhằm "đáp ứng nhu cầu quy hoạch thành phố và thúc đẩy xây dựng". Trung Quốc trước đó cũng bác bỏ những cáo buộc giam giữ hàng loạt, giám sát chặt chẽ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác sinh sống ở Tân Cương.
Cựu Chủ tịch Nissan bất ngờ lên tiếng về cuộc đào tẩu bí ẩn
Ngay sau khi Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) phát lệnh truy nã đỏ, cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn ngày 2/1 đã có những bình luận đầu tiên về cuộc trốn chạy khỏi Nhật Bản của mình. “Chỉ 1 mình tôi lên kế hoạch cho vụ bỏ trốn này. Gia đình tôi không liên quan”, ông Ghosn khẳng định. Theo kế hoạch, ông Ghosn sẽ bị xét xử trong năm 2020 này với 4 cáo buộc gian lận tài chính.
Bình luận trên được đưa ra ngay sau khi giới chức Lebanon nhận được lệnh truy nã đỏ đối với ông Ghosn. Bộ trưởng Serhan nhấn mạnh hiện tại giữa Lebanon và Nhật Bản không có hiệp ước dẫn độ, do vậy loại trừ khả năng Lebanon sẽ giao Ghosn cho phía Nhật Bản. Các công tố viên Lebanon sẽ triệu tập để lắng nghe ông Ghosn khai nhận và sẽ quyết định các bước đi tiếp theo.
Thu nhập của các CEO hàng đầu Canada gấp 227 lần người lao động
Theo nghiên cứu của Trung tâm Lựa chọn chính sách Canada (CCPA), nhóm 100 CEO được trả lương cao nhất năm 2018 kiếm được thu nhập gấp 227 lần mức thu nhập của người lao động bình thường. Báo cáo cũng chỉ ra các CEO vẫn được trả "hậu hĩnh" kể cả khi công ty báo lỗ. Ngoài ra, 13% công ty sinh lời trả cho các CEO nhiều hơn mức thuế thu nhập của công ty.
Căn cứ các số liệu trên, CCPA kêu gọi chính phủ Canada quan tâm tình trạng bất bình đẳng thu nhập đồng thời đề xuất một số cách thức giải quyết vấn đề này như áp thuế thu nhập cao hơn với nhóm CEO hàng đầu, bãi bỏ quy định ưu đãi thuế doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có mức trả lương trên một triệu CAD và đánh giá toàn diện những lỗ hổng chi trả thu nhập liên quan tới cổ phiếu.
Thủ tướng Bắc Macedonia từ chức
Ngày 3/1, Thủ tướng nước CH Bắc Macedonia, ông Zoran Zaev đã từ chức, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, dự kiến vào tháng 4 tới.
Cuộc tổng tuyển cử được yêu cầu tiến hành sau khi Liên minh châu Âu (EU) không khởi động tiến trình đàm phán gia nhập của Bắc Macedonia, vốn là một trong những mục tiêu chính sách hàng đầu của chính phủ đương nhiệm.
Tối 3/1, Quốc hội Bắc Macedonia phê chuẩn đơn từ chức của Thủ tướng Zaev và đồng thời tiến hành bỏ phiếu về chính phủ đoàn kết lâm thời điều hành đất nước tới khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Dự kiến, chính phủ lâm thời sẽ bao gồm đại diện của liên minh cầm quyền và phe đối lập, do cựu Bộ trưởng Nội vụ Oliver Spasovski - thành viên đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng vừa từ chức Zaev - đứng đầu.
Nga ngừng cung cấp dầu mỏ cho Belarus
Công ty năng lượng quốc gia Belarus Belneftekhim ngày 3/1 cho biết Nga đã ngừng vận chuyển dầu cho nước này, sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận về việc cung ứng trước hạn chót ngày 1/1 vừa qua.
Thông báo của Belneftekhim cho biết công suất vận chuyển dầu đến 2 cơ sở lọc dầu của Belarus đã giảm xuống mức tối thiểu về mặt kỹ thuật, sau khi các nguồn cung từ Nga tạm ngưng. Belneftekhim cũng cho biết: "Công tác hoàn tất các hợp đồng tháng 1 vẫn đang diễn ra".
Moskva khẳng định lượng dầu trung chuyển qua Belarus - lộ trình trung chuyển quan trọng đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga đến châu Âu - vẫn tiếp diễn.