Nhà Trắng công bố chiến lược hành động hướng tới 'net-zero' vào năm 2050; Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi được bổ nhiệm làm Tổng thư ký đảng LDP; Indonesia cấp phép sử dụng vaccine của Sinovac cho trẻ em từ 6-11 tuổi… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Nhà Trắng công bố chiến lược hành động hướng tới 'net-zero' vào năm 2050
Ngày 1/11, Mỹ đã công bố chiến lược nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050, theo đó nước này sẽ cố gắng loại bỏ lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường và gây biến đổi khí hậu.
Báo cáo mới đưa ra một lộ trình chính sách cụ thể hơn để đạt được mục tiêu này, trong đó Cố vấn về vấn đề Khí hậu quốc gia Gina McCarthy cho biết Mỹ sẽ tăng cường các khoản đầu tư nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế Xanh, củng cố cấu trúc xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tổng thống Mỹ thể hiện quyết tâm đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu diễn ra ngày 1/11 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ không tụt hậu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và những cam kết khí hậu không chỉ dừng ở lời nói mà được thể hiện bằng hành động.
Ông khẳng định Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết muốn có thêm nhiều hành động để hỗ trợ các nước đang phát triển thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.
Tổng Thư ký LHQ: Cần những cam kết thiết thực về chống biến đổi khí hậu
Tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị COP26 ngày 1/11, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị lần này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Người đứng đầu LHQ khẳng định các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ phải nhóm họp xem xét kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu vào mỗi năm, thay vì 5 năm 1 lần như hiện nay, nếu hội nghị này kết thúc mà vẫn thiếu đi cam kết thiết thực nhằm hiện thức hóa mục tiêu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Nhật Bản: Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi được bổ nhiệm làm Tổng thư ký đảng LDP
Chiều 1/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người đang giữ chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi làm Tổng thư ký đảng LDP thay cho ông Akira Amari.
Thái Lan hoàn tất phê chuẩn RCEP
Ngày 1/11, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit thông báo nước này đã hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và tái khẳng định rằng thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 theo lịch trình.
Mỹ, Nga nhất trí cần tiếp xúc cấp cao nhất
Ngày 1/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Nga và Mỹ nhất trí rằng cần tổ chức các cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai nước, đồng thời đánh giá ý nghĩa quan trọng của cuộc gặp gần đây giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Hàn Quốc, Trung Quốc thảo luận về đề xuất tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo ngày 1/11, các đặc phái viên hàng đầu của Hàn Quốc và Trung Quốc đã có cuộc họp trực tuyến thảo luận về những biện pháp sớm khôi phục tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó bao gồm tuyên bố như đã đề xuất về việc chính thức khép lại Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Phó Thủ tướng Ukraine Oleksii Reznikov từ chức
Phó Thủ tướng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 1/11 thông báo ông đã đệ đơn từ chức, nhưng ông không cho biết lý do của hành động này.
Theo truyền thông Ukraine, ông Reznikov có thể sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng nước này.
Indonesia là quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine của hãng Novavax
Ngày 1/11, hãng dược phẩm Novavax (Mỹ) thông báo Indonesia đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hãng này phát triển, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận loại vaccine sản xuất tại Ấn Độ với tên thương mại là Covovax này.
Theo hãng Novavax, vaccine Covovax được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và sẽ sớm được bàn giao cho Indonesia.
Malaysia nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất vaccine
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 1/11 đã giới thiệu Lộ trình Phát triển vaccine quốc gia (PPVN) và đổi tên Viện Nghiên cứu gene Malaysia thành Viện Nghiên cứu gene và vaccine Malaysia (MGVI), nhằm đưa nước này trở thành trung tâm vaccine cũng như tăng cường niềm tin của người dân đối với việc sử dụng vaccine.
Nga khẳng định Sputnik Light là vaccine độc lập
Ngày 1/11, Điện Kremlin khẳng định vaccine Sputnik Light do Nga bào chế và sản xuất là vaccine độc lập phòng COVID-19.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng nước này sẽ khuyến nghị chỉ sử dụng loại vaccine trên làm mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm chủng.
Indonesia cấp phép sử dụng vaccine của Sinovac cho trẻ em từ 6-11 tuổi
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã cấp giấy phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 6-11 tuổi dựa trên đánh giá an toàn và miễn dịch.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 1/11, người đứng đầu BPOM Penny Lukito thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine của Sinovac cho thấy vaccine này an toàn đối với trẻ em từ 6-11 tuổi.
Đức kêu gọi các bang mở cửa trở lại các trung tâm tiêm chủng
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 1/11 đã kêu gọi nhà chức trách tất cả các bang trong cả nước mở cửa trở lại các trung tâm tiêm chủng nhằm đẩy nhanh tỷ lệ tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi.
Gần 75% dân số Malaysia đã được tiêm phòng đầy đủ
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cho biết đến hết ngày 31/10, 74,9% dân số Malaysia, tương đương 24.453.198 người, đã tiêm chủng đầy đủ. Bộ trên nêu rõ tính đến hết ngày 31/10, có 22.872.309 người, tương đương 97,7% dân số Malaysia từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 22.361.734 người (95,5% dân số) đã hoàn thành tiêm chủng.
Nhật Bản tiếp tục nới lỏng các quy định hạn chế phòng, chống dịch
Trong nỗ lực khôi phục các hoạt động kinh tế và xã hội khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục chuyển biến tích cực, Chính phủ Nhật Bản ngày 1/11 công bố quyết định nới lỏng quy định về hạn chế số người tham gia các sự kiện quy mô lớn như các giải đấu thể thao chuyên nghiệp, các buổi hòa nhạc đã được áp dụng tại 27/47 tỉnh.
Hàn Quốc sẽ nới lỏng quy định nhập cảnh với lao động nước ngoài
Trong thông báo đưa ra ngày 1/11, Bộ trưởng Lao động An Kyung-duk cho biết Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện Kế hoạch 3 giai đoạn sống chung với COVID-19, nên Bộ Lao động nước này chủ trương nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh đối với lao động nước ngoài.
Theo đó, người lao động nước ngoài thuộc các nước phái cử sẽ được phép nhập cảnh vào Hàn Quốc nếu có xác nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở trong nước và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính.
Campuchia mở cửa trở lại hoàn toàn
Ngày 1/11, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thông báo nước này chính thức mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực.
Phát biểu trong khuôn khổ lễ khai mạc chiến dịch tiêm phòng cho trẻ từ 5 tuổi trở xuống tại Cung Hòa Bình, Thủ tướng Hun Sen nêu rõ: "Từ hôm nay trở đi, các cửa hàng và đường phố dự kiến sẽ đông đúc trở lại".
Mỹ điều tàu chỉ huy USS Mount Whitney vào Biển Đen
Trên tài khoản Twitter ngày 1/11, Hạm đội 6 của Mỹ thông báo tàu chỉ huy USS Mount Whitney đã đi vào Biển Đen để tham gia các hoạt động chung với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, Hạm đội 6 thông báo về kế hoạch của Mỹ điều một tàu chỉ huy cùng các sĩ quan thuộc Bộ chỉ huy hạm đội và Lực lương Tấn công-Hỗ trợ Hải quân NATO trên tàu ở Biển Đen. Tuy nhiên, thời điểm khởi hành chưa được xác định.
Giao tranh ác liệt giữa quân đội Ethiopia và lực lượng kiểm soát vùng Tigray ở miền Bắc
Ngày 1/11, quân đội Chính phủ Ethiopia và các lực lượng trung thành với đảng Mặt trận giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) đã giao tranh ác liệt trong bối cảnh lực lượng này được cho là đang tìm cách giành quyền kiểm soát thành phố Kombolcha.
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi TPLF tuyên bố kiểm soát thành phố Dessie, thành phố thứ hai do phe này kiểm soát sau 2 ngày. Tuy nhiên, thông tin này chưa được Chính phủ Ethiopia xác thực.
Vụ tấn công bằng dao trên tàu điện ở Tokyo: Kẻ thủ ác tiết lộ động cơ phạm tội
Ngày 1/11, cảnh sát Tokyo cho biết Kyota Hattori, nam thanh niên gây ra vụ tấn công bằng dao trên tàu điện ngầm vào tối 31/10, đã khai với các nhân viên điều tra rằng anh ta nhắm vào chuyến tàu này bởi vào thời điểm đó, chuyến tàu này chở rất đông người đi chơi Halloween.
Sập tòa nhà cao 25 tầng ở Nigeria, nhiều người bị chôn vùi
Ngày 1/11, một tòa nhà cao tầng đang thi công tại thành phố Lagos ở Nigeria bất ngờ đổ sập khiến nhiều người bị chôn vùi. Hiện chưa rõ số người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Đồng nội tệ Israel tăng giá lên mức kỷ lục
Đồng nội tệ Shekel của Israel đã tăng lên mức kỷ lục so với đồng USD, lên mức 1 USD đổi được 3,16 Shekel vào cuối tuần qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, bất chấp những nỗ lực can thiệp của giới chức nước này. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm nay, tỷ giá hối đoái của đồng USD giảm xuống dưới mức 3,2 Shekel.
Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt cho Moldova theo hợp đồng mới
Thư ký báo chí của công ty liên doanh Nga - Moldova “Moldovagaz” Aleksandr Barbov ngày 1/11 cho biết Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho Moldova theo bản hợp đồng mới.
Trước đó, ngày 29/10, lãnh đạo Gazprom và Moldova đã đồng ý về các điều khoản của hợp đồng cung cấp nhiên liệu, cũng như kế hoạch trả nợ của nước này. Sau cuộc hội đàm với người đứng đầu Gazprom Aleksey Miller, Phó Thủ tướng Moldova Andrey Spinu cho biết theo các điều khoản của hợp đồng mới, giá khí đốt trong tháng 11 là 450 USD/1.000 m3.
Kuwait, Iraq ủng hộ tăng sản lượng khai thác dầu mỏ
Tại cuộc họp ngày 1/11 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), Kuwait và Iraq đã thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu mỏ thêm 400.000 thùng/ngày trong bối cảnh Mỹ tiếp tục kêu gọi tổ chức này tăng sản lượng để ứng phó với tình trạng giá "vàng đen" tăng vọt trong thời gian gần đây do cung không đủ cầu.
Tình trạng băng tan ở Greenland làm gia tăng nguy cơ lũ lụt trên toàn cầu
Khoảng 3.500 tỷ tấn băng ở dải băng Greenland tan chảy trong thập kỷ qua đã khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm ít nhất 1 cm, cũng như làm gia tăng nguy cơ lũ lụt trên toàn thế giới. Đây là kết luận mới của một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communications số ra ngày 1/11.
Các dải băng trên đỉnh hòn đảo lớn nhất thế giới chứa lượng nước băng đủ để khiến mực nước tại đại dương trên toàn cầu tăng lên 6m, và tình trạng băng tan cực đoan tại hòn đảo này đã diễn ra nhiều hơn trong ít nhất 40 năm gần đây.