Tin vắn thế giới ngày 17/11: Trung Quốc đề cao vai trò của kinh tế kỹ thuật số tại Hội nghị thượng đỉnh G20

Bạch Dương| 17/11/2022 06:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trung Quốc đề cao vai trò của kinh tế kỹ thuật số tại Hội nghị thượng đỉnh G20; Indonesia đề xuất thành lập nhóm các nước sản xuất niken hàng đầu thế giới; Một tàu chở dầu bị bắn trúng ở ngoài khơi Oman… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Hội nghị thượng đỉnh G20: Trung Quốc đề cao vai trò của kinh tế kỹ thuật số

Ngày 16/11, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra ở Bali, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này sẽ tiếp tục phối hợp với các thành viên G20 để thúc đẩy mô hình kinh tế kỹ thuật số toàn cầu cân bằng, có sự phối hợp và bao trùm, mang lại lợi ích cho tất cả người dân.

Trong những năm gần đây, G20 đã đạt được sự đồng thuận cao hơn và đẩy mạnh hợp tác trong ứng dụng chuyển đổi số và xây dựng kinh tế kỹ thuật số. Ông Tập Cận Bình hy vọng tất cả các bên sẽ thể hiện sự năng động trong hợp tác kỹ thuật số và mang lợi ích của kinh tế kỹ thuật số đến cho mọi người dân ở tất cả các quốc gia.

chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia ngày 15/11/2022.

Quan chức cấp cao Mỹ, Trung Quốc thảo luận vấn đề kinh tế vĩ mô

Ngày 16/11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra ở Bali, Indonesia. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa bà Yellen và một quan chức cấp cao của Trung Quốc.

WTO cảnh báo nhiều nền kinh tế lớn có nguy cơ rơi vào suy thoái

Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala ngày 16/11 cho hay một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ thực sự rơi vào suy thoái, giữa bối cảnh tình hình ở Ukraine còn phức tạp và giá lương thực, năng lượng toàn cầu tăng cao.

Indonesia nhận 20 tỷ USD tài trợ để chuyển đổi năng lượng

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan cho biết khoản đầu tư 20 tỷ USD mà Indonesia nhận được theo một thỏa thuận bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đang diễn ra tại Bali, sẽ được sử dụng để tạo ra một nền kinh tế bền vững cho các thế hệ tương lai.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2022: Lộ trình phục hồi và tăng trưởng bền vững

Ngày 16/11, các lãnh đạo kinh doanh từ Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã thảo luận về lộ trình thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh chóng và bền vững, lấy lại đà tăng trưởng bền vững, bao trùm và bền bỉ.

Trong báo cáo cho các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC, ABAC kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC triển khai những chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát và những chính sách tài khóa nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát xoắn ốc giá tiền lương trong ngắn hạn. Báo cáo cũng nhấn mạnh cần tháo gỡ cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, xóa bỏ những hạn chế đối với dòng chảy hàng hóa và dịch vụ thiết yếu để đối phó với đại dịch.

Indonesia đề xuất thành lập nhóm các nước sản xuất niken hàng đầu thế giới

Indonesia đã đề xuất thành lập nhóm các nhà sản xuất niken hàng đầu thế giới giống khuôn khổ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Theo đó, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia cho biết thông qua những cơ chế phối hợp như vậy, Jakarta hy vọng tất cả các quốc gia sản xuất niken sẽ đều được hưởng lợi nhờ việc tạo ra giá trị tăng thêm một cách công bằng. Ông Bahlil Lahadalia nêu rõ một khuôn khổ giống OPEC có thể giúp tổ chức và hợp lý hóa các chính sách về niken, một loại khoáng sản quan trọng sử dụng trong sản xuất các loại pin dùng cho xe điện, sản xuất thép không rỉ và điện thoại di động.

Nga nối lại xuất khẩu dầu cho Ai Cập, UAE và Cuba

Trong bối cảnh thị trường châu Âu suy giảm mạnh vào năm 2022, các công ty dầu mỏ của Nga đã quay trở lại một số thị trường mà họ từ bỏ vài năm trước.

Theo báo cáo ngày 10/11 của công ty Argus, từ tháng 1 đến tháng 9/2022, nhiều lô dầu Urals nhỏ đã được vận chuyển từ Nga đến Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Cuba và Sri Lanka.

nga-xuatkhau-cuba-aicap.jpg
Các công ty Nga bắt đầu chuyển hướng cung cấp dầu từ Liên minh châu Âu (EU) sang phía Đông. Ảnh: Reuters

Đường ống dẫn dầu Druzhba của Hungary sẽ sớm hoạt động trở lại

Ngày 16/11/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó cho biết máy biến áp bị hư hỏng của đường ống dẫn dầu Druzhba có thể sẽ sớm được đưa vào hoạt động trở lại.

Đường ống vận chuyển dầu từ Nga đến Hungary, Slovakia và CH Czech đã ngừng hoạt động kể từ tối 15/11, khi một tên lửa bắn trúng một máy biến áp cần thiết cho hoạt động nhưng phần đường ống không bị hư hại.

Đức kêu gọi nhanh chóng chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch

Ngày 16/11, trước khi lên đường tới Ai Cập dự Hội nghị COP27, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này đang vận động để sớm chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải.

COP27: UNFCCC khởi động chương trình thúc đẩy các công nghệ khí hậu

Tại Hội nghị COP27, đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, các quan chức cấp cao của một số chính phủ, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã khởi động một chương trình làm việc 5 năm mới nhằm thúc đẩy các giải pháp công nghệ khí hậu ở các quốc gia đang phát triển.

Một tàu chở dầu bị bắn trúng ở ngoài khơi Oman

Công ty tàu biển Đông Thái Bình Dương có trụ sở ở Singapore ngày 16/11 cho biết một vật phóng đã bắn trúng một tàu chở dầu của công ty ngoài khơi bờ biển Oman.

Theo thông báo, tàu Pacific Zircon bị bắn trúng ở cách bờ biển Oman khoảng 290 km ngày 15/11, tuy nhiên chỉ có một hư hại nhỏ cho thân tàu mà không có rò rỉ dầu khí hoặc nước xâm nhập.

pacific-zircon-161122.jpg
Tàu Pacific Zircon bị bắn trúng ở ngoài khơi Oman. Ảnh: Vesselfinder.com

Bỉ nhận định vụ nổ tại Ba Lan nhiều khả năng là do hệ thống phòng không Ukraine

Ngày 16/11, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder nhận định vụ nổ do tên lửa rơi vào làng Przewodow của Ba Lan, gần biên giới Ukraine, có khả năng là do các đơn vị phòng không Ukraine gây ra.

Theo AFP, trong tuyên bố, Bộ trưởng Dedonder nêu rõ cơ quan tình báo Bỉ đang điều tra vụ nổ tại Ba Lan. Dựa theo thông tin ban đầu, vụ nổ có thể là do hệ thống phòng không Ukraine.

Iran: Xả súng tại chợ trung tâm làm 15 người thương vong

Ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương trong một vụ xả súng xảy ra ngày 16/11 tại một khu chợ trung tâm ở thành phố Izeh, tỉnh Khuzestan, miền Tây Nam Iran.

Hãng tin Tasnim dẫn nguồn tin giới chức tỉnh Khuzestan cho biết, vào lúc 17h30 theo giờ địa phương, những đối tượng có vũ trang đi trên 2 chiếc xe máy đã xả súng vào người dân cũng như lực lượng cảnh sát và an ninh tại khu chợ trung tâm của thành phố Izeh.

28 chuyến bay rải 29 tấn muối trên bầu trời Bali dịp Hội nghị thượng đỉnh G20

Indonesia đã sử dụng công nghệ điều chỉnh thời tiết (TMC) để giảm thiểu những tác động thời tiết cực đoan nhằm đảm bảo Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra thuận lợi và thành công.

Ngày 16/11, Giám đốc Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) Dwikorita Karnawati cho biết 2 máy bay Cassa 212 và CN 295 đã thực hiện ít nhất 28 chuyến bay để rải 29 tấn muối trên bầu trời khu vực Bali, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20. Đây là một phần trong hoạt động của TMC và thực hiệnđến hết ngày 16/11.

Viện Y tế Anh khuyến nghị ngừng sử dụng 5 loại thuốc điều trị COVID-19

Ngày 16/11, Viện Y tế và chất lượng điều trị quốc gia (NICE) của Anh đã khuyến nghị ngừng sử dụng 5 loại thuốc điều trị COVID-19 dành cho các bệnh nhân có nguy cơ cao.

Những loại thuốc NICE khuyến nghị ngừng sử dụng trong điều trị COVID-19 gồm: thuốc molnupiravir của Merck; remdesivir của Gilead Science Inc; sotrovimab do GSK và đối tác Vir Biotech phối hợp bào chế; Evasheld của AstraZeneca và Ronapreve của Roche. Trong số này, thuốc kháng thể sotrovimab là loại thuốc mà tháng 9 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị không sử dụng do không có hiệu quả với biến thể Omicron gây bệnh COVID-19.

Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc hủy xét nghiệm COVID-19 đại trà

Nhiều thành phố ở Trung Quốc đã hủy việc xét nghiệm COVID-19 đại trà trong tuần này, vài ngày sau khi Trung Quốc thông báo nới lỏng chính sách “Không COVID” nghiêm ngặt, làm dấy lên hy vọng về việc nước này mở cửa trở lại.

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời các quan chức địa phương cho biết từ ngày 13/11, Thượng Hải đã dừng việc xét nghiệm đại trà bắt buộc. Các thành phố khác như Diên Cát của tỉnh Cát Lâm và thành phố Hợp Phì ở tỉnh An Huy cũng đã hủy xét nghiệm đại trà vào đầu tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 17/11: Trung Quốc đề cao vai trò của kinh tế kỹ thuật số tại Hội nghị thượng đỉnh G20