Tin vắn thế giới ngày 16/11: Australia chưa khuyến nghị tiêm liều vaccine thứ 5 trước làn sóng COVID-19

Bạch Dương| 16/11/2022 07:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Australia chưa khuyến nghị tiêm liều vaccine thứ 5 trước làn sóng COVID-19; Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi các nước G20 chấm dứt 'chủ nghĩa bảo hộ quá mức'; Mỹ treo thưởng 10 triệu USD cho các thông tin giúp triệt phá mạng lưới Al-Shabaab… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Australia chưa khuyến nghị tiêm liều vaccine thứ 5 trước làn sóng COVID-19 mới

Theo Reuters, tại cuộc họp báo ngày 15/11, Bộ trưởng Y tế Australia Mark Butler cho biết số ca mắc trung bình ghi nhận hàng ngày trong tuần này đã cao hơn 47% so với tuần trước. Tuy nhiên, số ca vẫn dưới 85% so với mức đỉnh hồi cuối tháng 7.

Bộ trưởng Butler lưu ý Nhóm tư vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia (ATAGI) đã khuyến nghị không cần tiêm liều vaccine COVID-19 thứ năm, hay là mũi nhắc lần 3 sau khi các dữ liệu bằng chứng từ làn sóng gần đây của Singapore cho thấy các trường hợp diễn biến nặng và tử vong rất hiếm xảy ra ở những người được tiêm chủng đầy đủ và liều tiêm vaccine thứ 5 không có mấy tác dụng đối với sự lây lan của virus.

1511-covid.jpg
Ảnh minh họa ống đựng vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Reuters

Trung Quốc nới lỏng quy định phòng dịch COVID-19 kích thích du lịch nội địa

Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ngày 15/11 thông báo nước này nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, theo đó cho phép các công ty du lịch khôi phục dịch vụ du lịch nội địa.

Cụ thể, các du khách sẽ được tham quan, du lịch giữa các tỉnh do các công ty lữ hành tổ chức nếu có chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2, không còn bị hạn chế theo quy định trước đó về cấm tiến hành các chuyến đi du lịch khi có ổ dịch COVID-19 bùng phát.

Nhật Bản đối mặt với làn sóng thứ 8 của dịch COVID-19

Theo hãng tin Kyodo, số ca mắc COVID-19 ghi nhận hằng ngày tại Nhật Bản ngày 15/11 lần đầu tiên trong 2 tháng qua vượt 100.000 ca và nước này đang đối mặt với làn sóng thứ 8 của đại dịch.

Thông tin trên được công bố sau khi Chính phủ Nhật Bản gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới phòng COVID-19, đồng thời công bố chương trình trợ cấp du lịch nội địa nhằm thúc đẩy du lịch trong nước vào tháng trước.

Ba Lan đặt nhiều đơn vị quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao

Người phát ngôn chính phủ Ba Lan ngày 15/11 thông báo nước này đã đặt một số đơn vị quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, sau khi có thông tin chưa được xác nhận rằng tên lửa của Nga đã rơi vào lãnh thổ Ba Lan.

Tuy nhiên, ông không đề cập đến thông tin về các vụ tên lửa rơi mà chỉ cho biết có một vụ nổ ở miền Đông khiến hai công dân Ba Lan thiệt mạng. Theo ông Muller, hội đồng an ninh Ba Lan đã tiến hành họp khẩn và các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc.

Nga bác thông tin tấn công tên lửa vào lãnh thổ Ba Lan

RT dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/11 cho hay Moscow không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các mục tiêu gần biên giới Ba Lan - Ukraine.

Thông báo trên được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông Ba Lan và phương Tây đưa tin về một quả tên lửa đã rơi xuống làng Przewodow ở vùng biên giới và khiến hai dân thường thiệt mạng.

Nga không muốn gián đoạn chuỗi an ninh lương thực toàn cầu

Trong cuộc phỏng vấn được báo Izvestia của Nga đăng tải ngày 15/11, Thứ trưởng Tài chính nước này Sergei Vershinin khẳng định Moscow không muốn xảy ra xáo trộn đối với những nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Thứ trưởng Vershinin khẳng định nếu phương Tây thực hiện đúng những tuyên bố về miễn trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu lương thực của Nga, thì "mọi việc vẫn sẽ tiếp tục như bình thường" liên quan đến Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Ông cũng cho rằng khoảng thời gian hiệu lực 120 ngày của thỏa thuận này là phù hợp.

Mỹ và EU cam kết tạo điều kiện cho xuất khẩu ngũ cốc, phân bón của Nga

Ngày 15/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres thông báo rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cam kết dỡ bỏ những rào cản đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.

Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi các nước G20 chấm dứt 'chủ nghĩa bảo hộ quá mức'

Ngày 15/11, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol kêu gọi các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chấm dứt "chủ nghĩa bảo hộ quá mức", nhấn mạnh tình đoàn kết và hợp tác là mấu chốt để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu.

Phát biểu tại phiên họp của G20 về an ninh lương thực và năng lượng, Tổng thống Yoon Suk-yeol nêu rõ Hàn Quốc sẽ tích cực phối hợp với các nước thành viên G20 để giải quyết các thách thức trong lĩnh vực này.

tong-thong-han-quoc-yoon-suk-yeol.jpg
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã kêu gọi các nước G20 từ bỏ 'chủ nghĩa bảo hộ quá mức' trong vấn đề lương thực và năng lượng.  

Indonesia kêu gọi đóng góp thêm cho Quỹ phòng chống đại dịch

Phát biểu tại phiên thảo luận thứ hai về cấu trúc y tế toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 đang diễn ra tại Bali, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh G20 đã thành công trong việc thành lập Quỹ phòng chống đại dịch. Ông cho rằng cần các khoản đóng góp bổ sung để quỹ hoạt động tối ưu, đồng thời thống báo Indonesia cam kết tài trợ 50 triệu USD.

Indonesia sẵn sàng hỗ trợ sáng kiến 'Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu'

Ngày 15/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố quốc gia này sẵn sàng hỗ trợ sáng kiến “Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII)” do Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20  lần thứ 17 đang diễn ra trên đảo Bali.

IEA cảnh báo nguy cơ thị trường dầu biến động khó lường

Ngày 15/11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo việc Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm đối với xuất khẩu dầu khí của Nga qua đường hàng hải, cũng như việc áp giá trần khí đốt, sẽ khiến thị trường dầu càng trở nên khó đoán định.

Trong báo cáo về thị trường dầu khí được công bố hằng tháng, cơ quan trên cho biết các lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô và dầu mỏ của Nga, cũng như dịch vụ vận tải hàng hải, sẽ gia tăng sức ép đối với sự cân bằng dầu mỏ toàn cầu, đặc biệt gây áp lực cho các thị trường dầu diesel.

Các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đầy 100%

Cơ quan Mạng lưới liên bang quản lý năng lượng của Đức cho biết tổng mức lưu trữ hiện là 100%. Chính phủ Đức đã đặt mục tiêu các điểm lưu trữ khí đốt đạt 95% vào tháng 11, song đã hoàn thành mục tiêu trước thời hạn vào giữa tháng 10.

Việc nhanh chóng hoàn thành vượt mức mục tiêu lưu trữ khí đốt là nhờ nỗ lực của Chính phủ Đức trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế, đặc biệt là thông qua nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia như Nauy và Mỹ.

EU, Anh có thể đạt thỏa thuận liên quan tới Nghị định thư Bắc Ireland vào cuối năm

Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney ngày 15/11 cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Anh có thể đạt được một thỏa thuận về các quy định thương mại giai đoạn hậu Brexit cho Bắc Ireland vào cuối năm nay.

Đàm phán giữa Anh và EU liên quan tới Nghị định thư Bắc Ireland đã đi vào bế tắc kể từ tháng 2. Nghị định thư là một phần quan trọng của thỏa thuận Brexit, cho phép Bắc Ireland nằm trong thị trường hàng hóa chung của EU nhằm tránh một biên giới cứng trên đảo Ireland.

Mỹ treo thưởng 10 triệu USD cho các thông tin giúp triệt phá mạng lưới Al-Shabaab

Đại sứ quán Mỹ tại Nairobi, Kenya và Đại sứ Mỹ tại Somalia đại diện Chính phủ Mỹ công bố treo thưởng khoản tiền 10 triệu USD cho bất kỳ manh mối nào về các dòng tài chính bất hợp pháp của Al-Shabaab.

Trước đó, Mỹ cũng treo thưởng tương tự cho người cung cấp thông tin có thể dẫn đến việc bắt giữ các thủ lĩnh cấp cao của Al-Shabaab gồm Ahmed Diriye, Mahad Karate và Jehad Mostafa - vốn bị quy là đứng đằng sau những vụ tấn công khủng bố ở Somalia, Kenya và các nước láng giềng khác khu vực Đông Phi.

EU sẵn sàng nâng mục tiêu khí hậu

Ngày 15/11, Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU, ông Frans Timmermans, cho biết EU có kế hoạch nâng mục tiêu cắt giảm khí thải theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, dự kiến trước COP28 vào tháng 11/2023.

Phát biểu tại hội nghị COP27 diễn ra ở thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, ông Timmermans nêu rõ EU sẵn sàng nâng mục tiêu giảm khí thải, còn gọi là mức Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), phù hợp với thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Tỷ phú Elon Musk cắt bữa trưa miễn phí của nhân viên Twitter để tiết kiệm

Theo báo Anh Telegraph, thông báo trên đã được ông Musk đăng trên tài khoản cá nhân: "Twitter chi 13 triệu USD/năm cho dịch vụ ăn uống tại trụ sở chính San Francisco. Thống kê cho thấy lượng người ăn cao nhất là 25%, trong khi lượng người ăn trung bình là dưới 10%. Người chuẩn bị bữa sáng còn nhiều hơn người ăn sáng. Đầu bếp tại đây còn không buồn phục vụ bữa tối vì không có ai trong tòa nhà”.

Trước đó, theo một tuyên bố của người vừa tiếp quản Twitter, trong vòng 12 tháng qua, công ty này chi 400 USD cho bữa trưa mỗi ngày.

Nhật Bản mở cửa trở lại đón các du thuyền quốc tế từ năm 2023

Ngày 15/11, Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) Tetsuo Saito thông báo nước này dự định sẽ cho phép các du thuyền quốc tế cập cảng từ năm tới.

Theo Ủy ban Du thuyền quốc tế Nhật Bản (JICC), có 166 chuyến thăm của các du thuyền nước ngoài đã được lên kế hoạch từ tháng 3 năm tới. Nếu các kế hoạch đó được triển khai, đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua, Nhật Bản mở cửa tiếp đón các tàu du lịch quốc tế sau hơn 2 năm đóng cửa vì dịch COVID-19. Trong khi đó, theo MLIT, một du thuyền dự kiến sẽ rời Yokohama vào tháng tới và quay lại vào tháng 1/2023.

Ấn Độ: Sập mỏ đá khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và 4 người mất tích

Ngày 15/11, truyền thông Ấn Độ đưa tin đã có ít nhất 8 người thiệt mạng và 4 người mất tích sau vụ sập mỏ đá xảy ra trước đó một ngày tại bang Mizoram, Đông Bắc nước này.

Các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy 8 thi thể trong đống đổ nát. Nạn nhân là các công nhân làm việc cho công ty ABCI Infrastructure Private Limited. Phần lớn họ đều đến từ bang Bihar, miền Đông Ấn Độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 16/11: Australia chưa khuyến nghị tiêm liều vaccine thứ 5 trước làn sóng COVID-19